Hình minh họa |
Bộ TT&TT, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA) phổi hợp tổ chức hội thảo hợp tác phát triển về đô thị thông minh giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Hội thảo có sự tham dự của bà Susan Sutton, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Enoh T. Ebong, Quyền Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa kỳ (USTDA) và đại diện Bộ TT&TT là Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc.
Chia sẻ tại hội thảo, Quyền Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ - USTDA, bà Enoh T. Ebong nhấn mạnh, một yếu tố vô cùng quan trọng, cần thiết trong xây dựng thành phố thông minh, đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, từ châu Phi cho đến khu vực Đông Nam Á. Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến rất nhiều vấn đề, rất nhiều thách thức đối với các thành phố, các tỉnh và trên phạm vi toàn quốc gia.
“Hiện nay, thế giới đang có hoạt động đầu tư rất mạnh mẽ vào quá trình phát triển, hiện đại hóa. Xây dựng hạ tầng luôn luôn có nhiều thách thức. Để chuẩn bị cho việc triển khai các dự án, vấn đề huy động được tài chính cho những dự án thậm chí còn khó hơn. Đây thực sự là những nội dung mà USTDA đang thực hiện. Chúng tôi hỗ trợ các đối tác của chúng tôi tham gia lập kế hoạch và thực hiện các dự án ưu tiên phát triển ở những thị trường mới nổi. Chúng tôi tài trợ ở giai đoạn đầu để các quốc gia mới nổi có thể chuẩn bị thực hiện các dự án lớn cũng như để có được những kết quả đáng khích lệ. Và đây có thể nói là quá trình đôi bên cùng có lợi”, bà Enoh T. Ebong cho hay.
Là người được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ủy quyền phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo không ít những thách thức, điển hình như: sự gia tăng về dân số kèm theo tình trạng dân số già, các vấn đề về môi trường, xu thế cắt giảm ngân sách, các vấn đề sức khỏe, y tế và sự phát triển bền vững... Tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành một thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Quá trình dịch chuyển này sẽ làm cho đô thị trở nên thông minh hơn.
Theo ông Phúc, một trong số các yếu tố đóng vai trò quan trọng cho quá trình dịch chuyển này là CNTT-TT (ICT). ICT là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố.
“Ví dụ, nói về giao thông thông minh, chúng ta thường liên tưởng đến các xe bus mới, đẹp, nối mạng, lắp camera theo dõi hành trình. Tuy nhiện, thực ra mục tiêu của chúng ta là có hệ thống xe buýt chạy đúng giờ, không bỏ bến phục vụ tốt nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân thành phố thay vì đặt mục tiêu có hệ thống xe buýt thật hiện đại với Wi-Fi miễn phí và camera chất lượng cao nhưng thường xuyên đến chậm hoặc bỏ bến. Chính vì vậy, việc phát triển, xây dựng một thành phố thông minh hơn không chỉ thuần túy dựa vào các giải pháp công nghệ mà cần quan tâm đến cả những vấn đề hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương tại mỗi giai đoạn cụ thể”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Phúc cũng cho biết, từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến, các nền tảng công nghệ quan trọng, các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT&TT để xác định các điều kiện cần thiết tiến tới xây dựng thành phố thông minh hơn.
Đến với hội thảo hợp tác phát triển về đô thị thông minh giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, có khoảng 50 doanh nghiệp cùng nhiều cơ quan nhà nước từ các tỉnh, thành phố quan tâm đến vấn đề xây dựng, triển khai thành phố thông minh (Smart City). Đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cho rằng, mỗi một tổ chức sẽ có góc nhìn khác nhau về qua trình triển khai, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến các vấn đề giải pháp thực thi, cơ quan nhà nước quan tâm đến vấn đề cân đối nguồn lực và các vấn đề cần ưu tiên giải quyết.
Vị đại diện này cũng thông tin, trong buổi tọa đàm cũng về nội dung Smart City năm 2016, Bộ TT&TT đã đề cập đến một số vấn đề trong đó có việc xác định các vấn đề cấp bách của đô thị Việt Nam là gì để ưu tiên nguồn lực, phát triển các dịch vụ Smart City.
Với hội thảo hợp tác phát triển Smart City diễn ra ngày 21, 22/6/2017, ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh, một vấn đề cốt yếu nữa cần quan tâm khi triển khai xây dựng Smart City, đó là việc bảo đảm phát triển Smartcity được bền vững. Việt Nam có nhiều khác biệt so với các quốc gia như Dubai, Singapore, đặc biệt về vấn đề nguồn lực còn hạn chế. Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề cấp bách, trong Đề án và kế hoạch xây dựng Smart City cần phải xác định rõ cơ chế bảo đảm cho việc vận hành về sau, nhất là vấn đề tài chính.
“Nhà nước cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, sau đó hàng năm lại tiếp tục bỏ ra nguồn kinh phí lớn để duy trì và vận hành. Việc xác định nguồn kinh phí để duy trì và vận hành cần phải được đặt ra từ ban đầu. Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước tại các tỉnh, thành phố cần quan tâm đến vấn đề này khi triển khai, các doanh nghiệp tư vấn, cung cấp giải pháp cần tham góp thêm ý kiến dựa vào kinh nghiệm của mình trên thế giới”, ông Phúc nói.
Liên quan đến việc triển khai xây dựng Smart City tại Việt Nam, ông Phúc cũng lưu ý các đơn vị cơ quan nhà nước tại các tỉnh, thành phố: “Việc nghiên cứu, lên kế hoạch triển khai Smartcity cho ta một cái nhìn tổng thể, đặt ra mục tiêu dài hạn đến phát triển, nhưng phải gắn chặt với các kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chính quyền và người dân. Chính ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử sẽ là nền tảng để giúp tạo nên nhân tố chính quyền thông minh hơn, là một nội dung cốt lõi trong Đề án phát triển thành phố thông minh”.