Từ khi vấn đề cơm ăn, áo mặc được giải quyết, câu nói kinh điển "Để con không thua ngay vạch xuất phát" đã trở thành lẽ thường của một bộ phận lớn các bậc cha mẹ.
Internet đã xây dựng một mạng lưới giữa các cá nhân rộng rãi và chặt chẽ hơn, đồng thời nó cũng làm cho việc truyền tải cảm xúc ngày càng nhanh hơn. Kết quả là sự lo lắng của một nhóm người dễ bị nắm bắt trở thành miếng bánh ngọt ngào cho những ai nắm bắt tốt thời cơ.
Biến sự lo lắng thành tiền bạc đã trở thành một nghề, được truyền từ những năm đầu của Zhou Hongyi và Luo Zhenyu đến tay các công ty khởi nghiệp và KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng).
Nền kinh tế "chăm gà cưng"
Mỗi ngày khi mở điện thoại di động sau khi tan sở, Sun Jingwen sẽ nhận được nội dung giới thiệu về tư vấn học thêm trực tuyến cho trẻ em.
Thuộc thế hệ sau những năm 90, là một nhân viên ngân hàng và có một bé gái hai tuổi, tất cả thông tin quan trọng về cô ấy đã được đưa vào các tính toán dữ liệu lớn của công ty gia sư. Công ty hiểu rõ như lòng bàn tay những gì Jingwen cần.
Sun Jingwen ban đầu không quan tâm đến chuyện này, chỉ coi đó như thư rác, nhưng sau khi xem một hồi lâu, cô cảm thấy có chút tò mò, ngay từ khi nhấp vào nội dung được giới thiệu, "chiếc hộp Pandora" đã lặng lẽ mở ra.
"Sự lo lắng" bắt đầu phát huy tác dụng một cách rõ ràng, "Tôi có quá muộn để khai sáng cho con mình không? Việc mình làm không tốt có ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ không?", Sun Jingwen nhớ lại.
Trong các mối quan hệ xã hội, có một số thực tế khó có thể bỏ qua: "Luôn có những người giỏi hơn mình và luôn cố gắng hơn mình". Mỗi khi nghĩ về điều này, Sun Jingwen lại bồn chồn.
Theo quan điểm của Sun Jingwen, nhiều bà mẹ ở Hải Điến (Bắc Kinh) đều thuộc thế hệ thi thử nghiệm đầu tiên. Họ là những người hiểu rõ nhất những thay đổi trong các kỳ thi. Họ đăng ký cho con mình tham gia các lớp khai sáng khác nhau, từ Toán học, tiếng Trung, tiếng Anh đến tư duy...
Cuộc thi đã bắt đầu từ khi đứa trẻ còn nhỏ, và những so sánh khó tránh khỏi này đã biến Sun Jingwen từ một bà mẹ không quá quan trọng chuyện học hành khi con còn quá nhỏ trở thành một bà mẹ nỗ lực "chăm gà con" (cho con tham gia rất nhiều trường lớp sau giờ học). Bất cứ khi nào được người khác khen ngợi, cô ấy không bao giờ quên khiêm tốn: "Có gì đâu chứ, nhìn con nhà khác kìa. Bây giờ hầu như là con một. Không tập trung rèn luyện cho con thì làm gì".
Ở nhiều thành phố ở Trung Quốc, một nhóm các bà mẹ như Sun Jingwen khiến một số cơ sở đào tạo sau giờ học mọc ra như nấm.
Theo "Báo cáo Dữ liệu Đầu tư và Tài trợ cho Giáo dục Trực tuyến Trung Quốc năm 2020" do Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Điện tử Kinh tế Mạng phát hành: Tổng số tiền tài trợ cho lĩnh vực giáo dục trực tuyến của Trung Quốc vào năm 2020 vượt qua 53,93 tỉ NDT, tăng 267,37% so với cùng kỳ năm trước, nhiều hơn tổng số tiền tài trợ trong 4 năm từ 2016 đến 2019.
Quảng cáo về giáo dục trực tuyến cũng vô cùng khốc liệt. Theo những người trong ngành, vào mùa hè năm 2020, số tiền đầu tư của công ty giáo dục trực tuyến Yuanfudao cho các tiêu đề quảng cáo nhiều nhất sẽ là hơn 30 triệu NDT trong một ngày.
Qiao Wenwen làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước ở Bảo Định, Hà Bắc. Ban đầu, cô tuân thủ quan niệm về giáo dục hạnh phúc. Sau khi xem video về cuộc thi piano dành cho trẻ em cùng tuổi, cô đã đăng ký cho con trai mình tham gia 5 lớp học ngoại khóa trong một lúc: "Tình hình Trung Quốc hiện nay là mọi người đều đang nỗ lực học tập, ai mà dám để con mình không học?"
Giáo dục là mối quan tâm hàng đầu đối với các bậc phụ huynh Trung Quốc. Họ mong rằng con cái mình không bị bỏ lại phía sau so với bạn bè đồng trang lứa. Trong khi đầu tư nhiều vào việc ươm mầm thế hệ tiếp theo, thì nỗi lo sinh tồn xã hội của chính họ cũng sẽ được giải tỏa một cách ngụy tạo.
Bước sang năm 2021, một số người trong ngành giáo dục đã đề xuất cấm các cơ sở đào tạo ngoài trường.
Kể từ tháng 4, các cơ sở đào tạo ngoài khuôn viên trường họ như Gaotu Classroom, Xueersi và New Oriental Online đã bị phạt. Sau đó, "Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên" mới sửa đổi có hiệu lực. Luật này quy định rằng các trường mẫu giáo và các cơ sở đào tạo ngoài trường sẽ không áp dụng chương trình tiểu học với học sinh mầm non.
Nhà tâm lý học Maslow đã đề xuất một hệ thống phân cấp nhu cầu của con người vào năm 1943, bao gồm các mô hình năm cấp. Từ dưới lên trên cùng của hệ thống phân cấp là: Nhu cầu sinh lý (thực phẩm và quần áo), nhu cầu an toàn (đảm bảo việc làm), nhu cầu xã hội (tình bạn), nhu cầu tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân.
Không nghi ngờ gì rằng sau khi đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất, mọi người sẽ làm hết sức mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Điều này cũng giống như những bậc cha mẹ, cho dù phải trả khoản vay mua nhà ở khu học chánh đắt tiền, họ sẽ không tiếc tiền và công sức để con theo học các chương trình tốt nhất.
Lo lắng về kiến thức
Trong thời kỳ Phục hưng, nhà triết học người Anh Francis Bacon đã nói: "Tri thức là sức mạnh".
Trong thời đại kinh tế hàng hóa hàng trăm năm sau, tri thức không còn được đánh đồng trực tiếp với quyền lực, mà được thay thế bằng tiền và vốn.
Trong xã hội ngày nay, biến kiến thức thành một sản phẩm có thể đổi lấy tiền có lẽ là cách thực hành sống động nhất câu nói nổi tiếng của Bacon.
Để có được những kiến thức chuyên sâu, thứ mà con người ta thiếu không phải là sức lực và thời gian mà chính là sự kiên nhẫn.
"Mô hình thanh toán tri thức" ngắn, đơn giản và nhanh chóng đã xuất hiện với số lượng lớn.
Luo Zhenyu có thể là người hiểu rõ nhất sự lo lắng về kiến thức.
Vào năm 2013, Luo Zhenyu ra mắt chương trình trò chuyện dựa trên kiến thức "Luo Ji Talkshow", và bán công khai 5.500 vị trí thành viên trên tài khoản công khai, đồng thời thành công thu về 1,6 triệu NDT, đây cũng là cú hit đầu tiên trong lĩnh vực thanh toán tri thức.
Kể từ đó, người chơi ở mọi tầng lớp, từ nền tảng cho đến người sáng tạo, đều đã tham gia vào cuộc đua.
Ngày càng có nhiều người bắt đầu lạc quan về xu hướng thanh toán tri thức và cộng đồng chia sẻ tri thức cũng đang đẩy nhanh tốc độ triển khai hệ thống thanh toán.
Đường đua ngày càng đông, vậy logic kinh doanh của việc trả tiền cho kiến thức là gì?
Trong thời đại mà những ham muốn vật chất được đáp ứng đầy đủ, thì sự lo lắng về tinh thần của con người không ngừng lan rộng.
Mong muốn nhanh chóng tiếp thu kiến thức và hoàn thiện bản thân, sau đó thu được lợi nhuận vật chất đáng kể hơn, đã trở thành nhu cầu chính của tầng lớp trung lưu mới nổi.
Trên thực tế, việc trả tiền cho kiến thức cũng rất giống với logic tồn tại của những cuốn sách học tập thành công.
Tại sao mọi người lại mua cuốn sách viết về bí quyết thành công?
Không phải vì họ khao khát thành công đến mức nào, mà bởi vì họ trở nên cực kỳ sợ hãi sự tầm thường và thất bại dưới sự miêu tả sống động của sách.
Do đó, về vấn đề tạo ra sự lo lắng, cứ một khoảng thời gian trôi qua, những nội dung bùng nổ đánh vào cảm xúc của công chúng lại được sinh ra.
Năm 2018, một bài báo viết về tuổi trẻ và nỗ lực khiến mạng xã hội xôn xao.
"Hầu hết những người sau năm 80 bây giờ đang làm gì? Hoặc ở một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, họ vừa được tăng chức, bụng dưới ngấn mỡ, hàng tháng không dám nghỉ việc vì phải trả tiền nhà. Hoặc ở các thành phố cấp ba và cấp bốn, họ sống một cuộc sống bình lặng. Những người đồng trang lứa với bạn có lẽ đã bỏ rơi bạn và không bao giờ nói lời chào".
Cũng là quan điểm "trẻ không nỗ lực, già càng gian nan", nhưng sau khi các phương tiện truyền thông tự liệt kê thêm những nội dung thời sự và những lời lẽ kích động tình cảm hơn, nó đã trở thành một bài báo nóng được nhiều người biết đến, được toàn dân săn đón.
Trên thực tế, điều này cũng cho thấy nỗi lo về sự tồn tại và phát triển đã hằn sâu trong lòng mỗi người, sẽ bất chợt bùng lên mọi lúc mọi nơi.
Đăng một bài viết về triết lý sống và đăng ký một khóa học sẽ là cách hữu hiệu để công chúng giải tỏa lo lắng.
Một dịch vụ cảm xúc tạo ra sự lo lắng và loại bỏ lo lắng, chẳng hạn như "nữ hoàng truyền thông tự thân" Mi Meng, cũng đã thu về rất nhiều người hâm mộ.
Khi cô viết "Thật xấu hổ, mức lương hàng tháng trợ lý của tôi chỉ là 50.000 NDT", bài viết nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh luận của công chúng.
Ngay sau đó, Mi Meng đưa ra một khóa học "Mi Meng dạy bạn lương tháng 50.000 NDT", và hứa rằng "Nếu lương của bạn không tăng hơn 50% sau 3 năm, học phí của khóa học sẽ được hoàn lại gấp đôi".
Bốn ngày sau, khóa học giá 99 NDT đã vượt quá 100.000 lượt mua.
Các khóa học đang bán rất chạy, nhưng ngay sau đó, trợ lý của Mi Meng, người có mức lương 50.000 NDT hàng tháng đã mất việc và lời hứa hoàn lại tiền gấp đôi cho người dùng trong 3 năm của Mi Meng cũng mất hút.
Buôn bán dựa trên nỗi lo âu
Yuval Harari, tác giả cuốn "Sapiens: Lược sử loài người" cho biết:
"Trên thực tế, loài người luôn sống trong thời đại hậu sự thật. Khi thông tin kém phát triển, họ bị lừa dối. Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người chỉ tin vào những điều phù hợp với giá trị của bản thân".
Khi sự lo lắng đã lấn át tâm trí người dùng thì việc người tiêu dùng có thực sự cần sản phẩm này hay không đã không còn quan trọng nữa, chỉ khi mua hàng thì họ mới có thể xoa dịu nỗi lo lắng trong lòng.
Ví dụ: một số người ngưỡng mộ mức lương 50.000 hàng tháng của trợ lý Mi Meng và sau đó dưới tác động của sự lo lắng về thu nhập, họ sẽ chủ động mua các khóa học dạy nghề do Mi Meng bán.
Trong tình huống bình thường, sự nhiệt tình chi tiền của người dùng chỉ có thể duy trì trong hai ngày, sau đó họ sẽ bình tĩnh chấp nhận thực tế lương tháng ba cọc ba đồng.
Tương tự như xu hướng cho con đi học thêm bên ngoài càng nhiều càng tốt, sự lo lắng của các bậc phụ huynh cũng sẽ đạt đến đỉnh điểm và chỉ sau khi đăng ký một số lượng lớn các trường luyện thi (có thể vô ích với trẻ), sự lo lắng sẽ từ từ được giải tỏa.
Dựa trên logic "buôn bán lo lắng" này, rất nhiều người đổi đời. Ví dụ, Qihoo 360 của do tỉ phú Zhou Hongyi đã trở thành nền tảng dẫn đầu về phần mềm chống virus nhờ mô hình miễn phí.
Chiếm thị trường dựa vào cách miễn phí, mở rộng trên máy tính để bàn, sử dụng một loạt cảnh báo lo lắng như cửa sổ bật lên,... Qihoo 360 thành công trong việc tạo ra và giải quyết nỗi lo bị virus tấn công của người dùng.
Dưới sự lo âu về người khác đánh giá vẻ bề ngoài, mọi người chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh "7749" lần trước khi đăng ảnh lên mạng xã hội. Điều này tạo cơ hội cho Meitu Technology - một ứng dụng chỉnh sửa ảnh thần kỳ ra đời vào năm 2008 và có được hơn 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới.
Khả năng nhận ra sự lo lắng thật ngoạn mục. Lo lắng xuất hiện dưới nhiều hình thức trong cuộc sống và tương ứng, sẽ có logic kinh doanh để giải tỏa lo lắng.
Ngành công nghiệp làm đẹp "thăng hoa" nhờ nỗi lo tuổi tác, các sản phẩm tài chính tồn tại nhờ nỗi lo giàu nghèo, các trung gian bất động sản tạo ra thu nhập vì lo lắng về giá nhà đất, và ngành bảo hiểm kiếm tiền nhờ nỗi lo an toàn,...
Karen Horney đã đề cập trong cuốn "The Neurotic Personality of Our Time" rằng lo lắng về bản chất là sự hoảng loạn, cảm giác bất lực trước nguy hiểm.
Lịch sử phát triển lâu dài của loài người thực chất là một lịch sử đấu tranh khi đối mặt với sự lo lắng và hoảng sợ.
Trong thời đại tiền sử, loài người cần chiến thắng đói kém, bệnh tật, thú dữ và thiên tai; ngày nay trong nền văn minh hiện đại, chúng ta vẫn cần phải đối mặt với những thách thức của dịch bệnh và nhiều nguy cơ khác nhau.
Lo lắng không thể bị loại bỏ, cũng không đáng được ca ngợi, nhưng vượt qua lo lắng sẽ luôn là nhiệm vụ chính cho sự phát triển của nền văn minh.
Theo Sina