PV: Ông có thể cho biết lý do của việc Bộ TT&TT ban hành công văn 929? Tại sao lại phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào thời điểm này?
ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục tin học hóa: Bộ TT&TT khẩn trương ban hành công văn này bởi những lý do sau:
Đầu tiên, tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ kết luận, giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP. Đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4,
Hơn nữa, trước thực trạng hiện nay khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Nhưng hiện nay mới chỉ có 5 bộ, 5 tỉnh đã đạt chỉ tiêu này. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương nói chung còn rất thấp, trung bình cả nước chỉ đạt 11,13%, trong đó 5 bộ, 14 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 5%.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách, vì rằng cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa
|
PV: Các biện pháp mà Bộ TT&TT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện là gì thưa ông?
ông Nguyễn Phú Tiến: Như trong công văn cũng đã đề cập, các Bộ, ngành, địa phương trước mắt cần triển khai thực hiện quyết liệt một số giải pháp sau:
Đầu tiên, tận dụng các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, từng bước có lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Thứ hai, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi dịch vụ công.
Thứ ba, triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ và kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Bảo đảm Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT; sẵn sàng kết nối với Hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc, các cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Thứ tư, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, đồng thời bảo đảm việc triển khai phải hiệu quả, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.
Thứ năm, định kỳ hàng quý gửi báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin về Bộ TT&TT qua Hệ thống thông tin báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử tại địa chỉ: https://bcudcntt.aita.gov.vn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến.
PV: Để thiết thực phòng, chống dịch Covid-19, ngoài những giải pháp trên, theo ông trước mắt chúng ta cần lưu ý vấn đề gì?
ông Nguyễn Phú Tiến: Trong thời gian chống dịch Covid-19 cấp bách hiện nay, các bộ, ngành,địa phương ngoài việc triển khai thực hiện đồng bộ cả năm giải pháp nêu trên, các cơ quan nhà nước cần tận dụng ngay các hệ thống thông tin, hạ tầng sẵn có và huy động các nguồn lực xã hội đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối đa để người dân ít phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính tránh tập trung đông người.
Ngoài ra, nên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hướng dẫn để người dân hiểu và tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.