Chiều ngày 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam và đại diện các đài truyền hình để bàn về giải pháp dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Dạy học qua nền tảng công nghệ là một giải pháp tối ưu trong tình trạng giãn cách xã hội để đạt “mục tiêu kép” về cả hiệu quả chống dịch lẫn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai giải pháp dạy học trực tuyến cũng đang gặp không ít khó khăn về đường truyền, về thiết bị, về điều kiện kinh tế của người học, về tâm lý lứa tuổi và cả những cản trở về mức độ tương tác thầy - trò.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc này, Chính phủ và Bộ Giáo dục đã quyết định lựa chọn dạy học trên truyền hình như một giải pháp bổ sung và hỗ trợ, nhằm khỏa kín và tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với những học sinh ở vùng sâu vùng xa, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa thể trang bị được máy tính hay điện thoại thông minh. Đối với những học sinh hoàn toàn không có điều kiện tiếp xúc với truyền hình thì thực hiện phát phiếu học tập, gửi tài liệu, gửi bài kiểm tra… đến tay học sinh.
Một điểm đặc biệt nữa là Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc lấy dạy học trên truyền hình làm trọng tâm đối với lớp 1 và lớp 2 (chứ không phải lấy dạy học trực tuyến như các khối lớp còn lại).
Để làm được tất cả những công việc này một cách hiệu quả thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng kho học liệu trực tuyến và tài nguyên số, có sự phân công và tổ chức bài bản để vừa đảm bảo cho việc học không bị gián đoạn, vừa không sa sút về chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến việc xây dựng kho học liệu trực tuyến (nguồn: giaoduc.net) |
Với quyết định dạy học trực tuyến và nhất là dạy học trên truyền hình, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chứng tỏ quyết tâm, nỗ lực và sự sáng tạo; đồng thời cho thấy chuyển đổi số trong giáo dục đang được hiện thực hóa ngày một một cụ thể, bài bản và đồng bộ hơn. Và điều này cũng báo hiệu rằng về lâu dài, việc chuyển đổi số trong giáo dục phải trở thành một xu hướng mũi nhọn chứ không chỉ là một giải pháp tình thế mỗi khi có tình huống bất thường