Đấu trường Syria: Cuộc chiến mới nguy cơ bùng nổ

VietTimes -- Theo nguồn tin của tờ Al-Monitor, trong khi cuộc chiến chống IS đang đi đến hồi kết, những căng thẳng khác lại gia tăng ở Syria bởi Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều lo ngại về các lực lượng đang tập hợp đông đảo ở biên giới nước mình.
Tổng thống Hassan Rouhani của Iran, Vladimir Putin của Nga và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi, Nga, ngày 22/11/2017.
Tổng thống Hassan Rouhani của Iran, Vladimir Putin của Nga và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi, Nga, ngày 22/11/2017.

Vào ngày 22/11, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã nhất trí cùng hợp tác chống lại các nhóm khủng bố tại Syria trong một cuộc họp giữa tổng thống ba nước ở khu nghỉ dưỡng Sochi, bên bờ Biển Đen của Nga. Gần như đồng thời, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói bóng gió về một cuộc chiến nhằm chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có thể xảy ra ở Syria, trong bối cảnh Mỹ leo thang căng thẳng với Iran.

Khi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đi đến hồi kết, tờ Al-Monitor tỏ ý nghi ngờ liệu trung tâm khủng bố tiếp theo ở khu vực có phải sẽ là lực lượng dân quân người Kurd và Shiite?

Theo tờ Al-Monitor, việc IS bị mất phần lớn lãnh thổ vào tay Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và các lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tháng 11 vừa qua là dấu hiệu báo trước một cuộc chiến mới gay go sẽ nổ ra giữa các cường quốc thế giới và khu vực ở Syria.

Tại cuộc họp ở Sochi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận sự tồn tại của "các nhóm khủng bố ở Syria", ám chỉ Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG). Trong khoảng thời gian này, các phương tiện truyền thông của Israel đã đưa tin về những mối đe dọa đang gia tăng khi các chỉ huy an ninh của Israel lên tiếng cảnh báo về một cuộc tấn công lớn có khả năng xảy ra nhằm vào sự hiện diện của các lực lượng Iran ở miền nam Syria, còn Mỹ thì lớn tiếng nói về việc ngăn chặn Iran.

Vào ngày 26/11, tờ Times of Israel dẫn nguồn tin cho biết ông Netanyahu đã cảnh báo ông Assad rằng Israel sẽ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria nếu tổng thống Syria chính thức cho phép Iran thiết lập sự hiện diện quân sự tại Syria.

Chiến binh người Kurd Syria nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ
Chiến binh người Kurd Syria nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ

Với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, cuộc chiến chống khủng bố không kết thúc cùng cuộc chiến chống IS. Hai nước này chỉ xem IS là mối đe dọa thứ hai đối với an ninh quốc gia của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chú ý đến YPG và cánh chính trị của nó là Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) có liên hệ trực tiếp với Đảng Công nhân Kurdistan, một tổ chức đang chiến đấu chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và bị Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. YPG là thành phần nòng cốt của SDF, một liên minh gồm dân quân người Kurd và Ả Rập, dẫn đầu chiến dịch mặt đất chống IS ở miền bắc Syria và được liên minh do Mỹ lãnh đạo hỗ trợ trực tiếp.

Thổ Nhĩ Kỳ xem việc người Kurrd mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực chạy dọc biên giới nước này với Syria là một mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Theo bài viết mới đây của nhà báo Amberin Zaman của tờ Al-Monitor, YPG kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Syria và hơn một nửa đường biên giới dài 800 km giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Ngày 3/12, tờ Military Times đưa tin cho biết quân đội Mỹ dường như đang thay đổi lập trường ở Syria với việc chương trình trang bị vũ khí cho phe đối lập người Kurd sắp kết thúc và được thay thế bằng việc hỗ trợ cho lực lượng an ninh và cảnh sát địa phương. Các tin tức này xuất hiện sau thông báo được thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đưa ra ngày 28/11 rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho người Kurd tại Syria, và tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho YPG.

Wladimir van Wilgenburg, một nhà báo chuyên về vấn đề người Kurd, người đã đưa tin về trận đánh Raqqa từ Syria, đã nói với tờ Al-Monitor là ông cho rằng sự thay đổi trong việc hỗ trợ cho người Kurd là chuyện bình thường và được điều chỉnh bởi nhu cầu hoạt động quân sự. "Tôi không nghĩ rằng việc hỗ trợ cho người Kurd sẽ thay đổi. Tuy nhiên, đúng là Mỹ không có chính sách rõ ràng và chặt chẽ đối với Syria. Khi nói đến ba bên (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) cam kết chống lại khủng bố là chủ yếu nhắm đến khu vực Idlib của Liên minh khủng bố-đối lập Syria Hayat Tahrir al-Sham và khu tự trị Afrin của người Kurd. Rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin vì người Kurd ở đó đã chuẩn bị kỹ càng và sẽ phản công. Đó là một tình huống phức tạp và tôi nghi ngờ Nga sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd, mặc dù mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã được cải thiện kể từ năm 2016", ông Wilhelburg nói với Al-Monitor.

Tiếp theo là ý kiến của phát ngôn viên của SDF Mostafa Bali, người đã nói với tờ Al-Monitor rằng chủ yếu là người Thổ Nhĩ Kỳ đã truyền bá tin đồn Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd. "Đúng là - trong trường hợp không có những cuộc chiến kéo dài như cuộc tấn công Raqqa, các lực lượng người Kurd hiện không cần đến các loại vũ khí tối tân. Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi và chúng tôi biết rằng Washington coi chúng tôi là đối tác thực sự trong liên minh chống khủng bố", ông nói.

Dù sao vị thế của người Kurd tại Syria cũng sẽ bị suy yếu bởi Mỹ có thể rút quân khỏi Syria, nhà báo Zaman - người cho rằng điều này có thể xảy ra trước cuối năm 2019 khẳng định, mặc dù có sự mâu thuẫn giữa vấn đề này với tuyên bố được Lầu Năm Góc đưa ra ngày 5/12 rằng Mỹ sẽ tiếp tục ở Syria cho đến khi cần thiết.

Quân đội Mỹ có mặt ở Syria hỗ trợ một số nhóm
Quân đội Mỹ có mặt ở Syria hỗ trợ một số nhóm "nổi dậy ôn hòa" khiến cục diện cuộc chiên ngày càng trở nên phức tạp

Trong bối cảnh như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Assad có thể sẽ gia nhập lực lượng chống người Kurd. Nhưng chính quyền Assad đã ám chỉ rằng họ có thể để ngỏ cho đàm phán về quyền tự trị của người Kurd, trong khi các chuyên gia nói với tờ Al-Monitor rằng một thỏa thuận như vậy sẽ chống lại việc YPG rút quân khỏi phần lớn khu vực Ả Rập. Tuy nhiên, chính quyền này được biết đến là không giữ lời hứa, và một khu vực liên bang tự trị ở miền bắc Syria có thể sẽ đe dọa đến vai trò cầm quyền của ông Assad.

Trong khi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể liên kết để cùng chống lại người Kurd, chính quyền Assad dường như đang ở vào thế khó trên mặt trận phía nam bởi Israel và Mỹ đều phản đối sự hiện diện của Iran ở đây. Ngoài việc triển khai quân ồ ạt ở Syria, cùng với các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah và dân quân Iraq, Iran đã cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần, cũng như tổ chức huấn luyện cho chính quyền Assad. Hồi tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phát biểu rằng lực lượng dân quân Iran ở Iraq cần phải “trở về nhà”.

"Việc đẩy lùi Iran rõ ràng có trong chương trình nghị sự của Mỹ, song Mỹ sẽ làm như thế nào vẫn là điều bí ẩn. Tổng thống Donald Trump cũng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào của Nga về vấn đề Syria, nhưng chúng ta cần phải xem xét những gì Nga sẽ đưa ra", chuyên gia Iran Alex Vatanka của Viện Trung Đông nói với tờ Al-Monitor.

Israel đang ngày càng cảnh giác trước sự gia tăng hiện diện của Iran tại Syria, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn ngày 12/11 có đề cập đến việc các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn sẽ bị đẩy ra khỏi biên giới với Israel ở cao nguyên Golan.

Viện sĩ Avi Melamed thuộc Viện Eisenhower đã nói với tờ Al-Monitor rằng mối đe dọa từ Netanyahu rất nghiêm trọng và không thể xem thường. Israel đã tăng phần đặt cược vào phía nam Syria với hai cuộc tấn công nhằm vào Syria trong ngày 2/12 và 4/12.

Rõ ràng, Iran và Nga không có chung quan điểm về miền nam Syria, nhưng Mỹ sẽ không hành động gì nhiều khi chưa hiểu hết về hồ sơ của Syria. Một vấn đề nữa là liệu chính quyền Assad có đủ mạnh để ngăn chặn Iran can thiệp vào biên giới phía nam Syria hay không, chuyên gia Vatanka bình luận.