Đánh cắp danh tính là gì?
Đó là một kẻ nào đó đánh cắp thông tin cá nhân của bạn bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh thư, số hộ chiếu, số thẻ tín dụng… để sử dụng cho mục đích xấu hay thực hiện các hành vi phạm pháp.
Kẻ thực hiện việc đánh cắp danh tính có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức, hoặc là sự liên kết của nhiều tổ chức, có quy mô hoạt động trong một quốc gia hoặc có thể trên toàn thế giới.
Kẻ xấu đánh cắp danh tính bằng cách nào?
Kẻ xấu có nhiều cách để lấy được thông tin cá nhân của bạn. Có những cách rất đơn giản, có những cách phải sử dụng đến công nghệ cao.
- Cách thức đơn giản có thể là họ chi tiền cho cán bộ quản lý dữ liệu của một ngân hàng, một cơ quan, một hãng bán lẻ… để người cán bộ ấy tuồn dữ liệu ra cho họ.
- Họ cũng có thể móc nối với các nhân viên nhập liệu ngay từ đầu vào, chẳng hạn như các nhân viên giao dịch tại ngân hàng để đánh cắp dữ liệu thẻ tín dụng.
- Nếu không chi tiền thì họ có thể lừa gạt nhân viên quản lý dữ liệu theo một cách thức nào đó để có được thông tin.
- Lấy cắp dữ liệu cá nhân từ máy tính xách tay mà bạn mang ra tiệm sửa chữa (ở đây người lấy dữ liệu là thợ sửa chữa). Hoặc tệ hơn, chính kẻ xấu tìm cách đánh cắp máy tính xách tay của đối tượng mà hắn ta nhắm đến.
- Sử dụng kỹ thuật hoặc các công cụ hack để xâm nhập vào hệ thống máy tính của các ngân hàng, tổ chức để đánh cắp dữ liệu
(ảnh: Defendershield)
|
Ở nước ngoài, còn có các trường hợp kẻ xấu lục tìm trong thùng rác của các cơ quan, tổ chức để lấy thông tin mà nhân viên “quên” không cho vào máy hủy.
Đặc biệt, một hình thức đánh cắp dữ liệu khá phổ biến ở nước ngoài là skimming. Kẻ xấu có một thiết bị đọc dữ liệu trong thẻ gọi là “skimming device”. Chúng sẽ mua chuộc các nhân viên trong nhà hàng, khách sạn để đọc thẻ của bạn. Khi bạn đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng để thanh toán tiền ăn, tiền phòng, họ sẽ dùng “skimming device” để quét lấy dữ liệu cá nhân của bạn. Thiết bị skimming này cũng thường được kẻ xấu gắn vào các cây ATM để trộm thông tin.
Trong giai đoạn cuối năm 2003 đầu năm 2004, hai nhân viên của nhà hàng Outback Steakhouse ở Mỹ có tên là Benjamin Christopher Gadson và Juan Alexander Canales đã dùng thiết bị skimming để sao chép dữ liệu của 650 thẻ tín dụng, sau đó bán ra ngoài “chợ đen” với giá 25 USD mỗi thẻ. Hai tên này sau đó đã bị bắt và bị truy tố.
Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay, một số người khi tham gia trò chuyện trên Facebook, Twitter đã vô tình tiết lộ rất nhiều thông tin cá nhân như tên tuổi, nơi ở, số điện thoại và đây chính là miếng mồi béo bở cho kẻ xấu.
Ngoài ra, cũng đã có một số trường hợp kẻ xấu giả danh là công an, hoặc cán bộ ngân hàng gọi điện thoại đến cho nạn nhân yêu cầu cung cấp danh tính hoặc số thẻ tín dụng để kiểm tra, và chúng đã lấy được thông tin của một số người, thậm chí chiếm đoạt được khá nhiều tiền. Có người đã mất hàng tỷ đồng vì hình thức lừa đảo này.
Đối với trường hợp của chị Phạm Thị Tuyết Mai mà chúng tôi đã đề cập, nếu đúng như những gì chị nói thì chị đã bị kẻ xấu sử dụng danh tính của mình để thực hiện hành vi buôn bán chất ma túy tại Bỉ.
Làm thế nào để biết bạn có bị đánh cắp danh tính hay không?
Thường thì bạn sẽ không thể biết mình bị đánh cắp danh tính cho đến khi có một sự việc nào đó xảy ra với bạn.
Đa phần những kẻ xấu khi có được danh tính của người khác chúng thường dùng nó để đi mua sắm, rút tiền nhiều nhất có thể. Nếu một ngày nào đó bạn nhận được tin nhắn thông báo từ ngân hàng rằng bạn vừa rút một số tiền khổng lồ, đó là lúc bạn đã bị đánh cắp danh tính. Tuy nhiên, có những kẻ xấu rất “cao thủ”, chúng có thể ra ngân hàng thay đổi thông tin của bạn để ngân hàng không gửi thông báo đến cho số điện thoại của bạn. Chỉ một lúc vô tình nào đó bạn mới biết được tiền trong ngân hàng đã “không cánh mà bay”.
Kẻ xấu cũng có thể sử dụng danh tính của bạn để mở một tài khoản ngân hàng (mở thẻ ghi nợ). Sau đó chúng đi mua sắm thả ga và bạn sẽ phải trả số nợ đó.
Làm thế nào để không bị đánh cắp danh tính?
Trước tiên, bạn đừng chia sẻ thông tin của mình, của gia đình và con cái trên Facebook, Twitter hay các mạng xã hội nào khác.
Đừng “khai báo” thông tin của mình hoặc của gia đình cho những người nhân danh công an, cán bộ ngân hàng hoặc cán bộ bưu điện khi họ gọi điện thoại cho bạn. Hãy yêu cầu làm việc trực tiếp.
Đối với các tài khoản ngân hàng, hãy đăng ký xác thực hai lớp. Thường xuyên theo dõi thông tin tài khoản qua email hoặc các công cụ internet banking mà ngân hàng cung cấp. Nếu có gì nghi ngờ hãy gọi điện thoại cho nhân viên hỗ trợ khách hàng ngay lập tức.
Khi mua sắm online, hãy chú ý đến các trang web có phần tiền tố là https, hoặc cuối địa chỉ web có hình ổ khóa. Đây là các trang web được bảo vệ an toàn. Nói chung nên tránh việc đưa quá nhiều thông tin nhạy cảm khi mua sắm online.
Nếu đi ăn uống tại các nhà hàng, hãy dùng những thẻ tín dụng có ít tiền, hoặc thẻ ghi nợ có hạn mức thấp để chi trả. Nếu có bị mất thẻ thì cũng không bị mất quá nhiều tiền.
Cảnh giác với những email yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, không nên bấm vào các đường link trong email nếu chưa rõ nguồn gốc.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu