Bệnh nhân vẫn đang được cấp cứu
Liên quan vụ người đàn ông gục ngã, ngừng tuần hoàn khi đang chơi pickleball ở sân nhà thi đấu quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 3/11, đại diện Bệnh viện E Hà Nội, cho biết bệnh nhân vẫn đang được các bác sĩ tập trung cấp cứu, điều trị.
"Khi nào tình hình người bệnh ổn định Bệnh viện E sẽ cung cấp thông tin cụ thể", đại diện bệnh viện nói.
Trước đó, theo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, vào khoảng 18h10 tối 2/11, trung tâm tiếp nhận cấp cứu một người đàn ông (55 tuổi) ngã gục trên sân pickleball khi đang chơi cùng bạn bè tại sân nhà thi đấu Cầu Giấy.
Thời điểm này, nạn nhân mới vào sân chơi pickleball được khoảng 15 - 20 phút thì bị choáng, ngã ra sân nên những người chơi thể thao gọi cấp cứu.
Khi nhân viên y tế có mặt tại hiện trường, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn. Sau đó, nhân viên y tế hồi sức cấp cứu khoảng 15 - 20 phút, đợi bệnh nhân có mạch trở lại rồi chuyển vào Bệnh viện E.
Dành ít nhất 10 - 15 phút để làm nóng cơ thể trước thi đấu
ThS.BSCKII Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết chơi thể thao là cách tốt để rèn luyện sức khỏe, tăng sức bền bỉ.
Tuy nhiên, bất cứ môn thể thao nào khi chơi đều tiềm ẩn nhưng yếu tố nguy cơ nhất là các bộ môn có tính đối kháng.
Theo bác sĩ Mạnh, đối với những người có yếu tố nguy cơ về huyết áp, tim mạch chơi những bộ môn đối kháng sẽ dẫn đột quỵ.
Nói về bộ môn pickleball, bác sĩ Mạnh cho rằng đây cũng là bộ môn có tính đối kháng. Trên sân, người chơi có những chuyển động nhanh, thay đổi tư thế đột ngột có thể gây áp lực lớn lên hệ tuần hoàn, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Với trường hợp nạn nhân 55 tuổi ngừng tuần hoàn khi đang chơi thể thao, bác sĩ Mạnh nhận định có thể bệnh nhân có vấn đề về tim mạch nhưng không được tầm soát. Sự cố xảy ra vào thời điểm thời tiết tại Hà Nội đang trong những ngày chuyển lạnh, đặc biệt vào ban đêm là một yếu tố nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch khi chơi thể thao.
Bác sĩ Mạnh cho hay nhiệt độ giảm, cơ thể có xu hướng co mạch máu để giữ nhiệt, làm tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như tim và não. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người chơi vận động mạnh hoặc không khởi động kỹ.
Để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra khi chơi thể thao, bác sĩ Mạnh lưu ý khi chơi các bộ môn thể thao có tính đối kháng nên đi khám sức khỏe tim mạch định kỳ. Người chơi cần kiểm tra huyết áp, tim mạch và các yếu tố nguy cơ trước khi tham gia các hoạt động thể thao, đặc biệt là những người trung niên hoặc có bệnh nền. Trước khi vào sân, người chơi dành ít nhất 10 - 15 phút để làm nóng cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu và giảm nguy cơ co thắt mạch máu.
Ngoài ra, bác sĩ Mạnh cũng cho biết thêm khi chơi thể thao trong điều kiện thời tiết lạnh, người chơi cần mặc đủ ấm, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như cổ, tay, chân.
Chơi thể thao mang tính giải trí, không cần phải ép bản thân chơi quá sức. Hãy nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường, bác sĩ Mạnh lưu ý.
“Chơi thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, để an toàn người chơi cần lắng nghe cơ thể, hiểu rõ giới hạn của bản thân. Tuyệt đối không chủ quan với các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là khi chơi thể thao trong điều kiện quá nóng hoặc lạnh”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.