"Dằn mặt" Nga, NATO rầm rộ tập trận lớn nhất 13 năm

Để chuẩn bị đối phó với “chiến tranh lai” của Nga, NATO tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture” lớn nhất trong vòng 13 năm qua với 36.000 quân. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cảnh báo rằng Nga đang có khả năng và sự hiện diện để kiểm soát các điểm chiến lược...
Binh sĩ NATO tâp trận tại Baltic
Binh sĩ NATO tâp trận tại Baltic

Theo Defense News, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 5/11 tuyên bố liên minh phải ngăn chặn Nga xây dựng lực lượng quân sự tại các khu vực Baltic, Biển Đen và phía đông Địa Trung Hải, điều khiến Nga có thể kiểm soát các khu vực trọng yếu trong một cuộc khủng hoảng.

Ông Stoltenberg nói 28 nước thành viên liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng phải cân nhắc hành động nhiều hơn nữa để trấn án các thành viên phía đông một thời do Moscow lãnh đạo đang rất lo lắng trước những động thái của Nga tại Ukraine.

Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga đang tăng cường hiện diện quân sự tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, nằm giữa lòng châu Âu và các nước Baltic. Trong khi đó, Nga đã triển khai quân sĩ, chiến đấu cơ và chiến hạm tới Syria để hậu thuẫn đồng minh lâu năm là tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Stoltenberg cảnh báo rằng Nga đang có khả năng và sự hiện diện để kiểm soát các điểm chiến lược và NATO cần phải bảo đảm có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình trong một môi trường thay đổi như vậy. “Đó là thiết lập quân sự cung cấp cho Nga thứ mà nhiều chuyên gia gọi là khả năng chống tiếp cận (A2/AD)”, ông phát biểu tại căn cứ hải quân Troia của Bồ Đào Nha.

“Chúng ta phải bảo đảm có đủ năng lực để vượt qua những khả năng đó, do vậy chúng ta có thể tăng tường và triển khai các lực lượng nếu cần thiết. Vấn đề là kế hoạch của chúng ta hiện giờ phải khắc phục ra sao, xử lý thế nào với khả năng chống tiếp cận của Nga tại Baltic, Biển Đen và nay tại Địa Trung Hải”, ông Stoltenberg nói sau khi quan sát binh sĩ tham gia cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong hơn một thập kỷ qua.

Tổng Thư ký NATO phát biểu làm yên lòng thành viên ở Đông Âu. Các nước này muốn NATO hành động nhiều hơn và đề nghị triển khai lực lượng thường trực trên lãnh thổ của họ. NATO trước đó đã loại trừ khả năng trên do lo sợ sẽ phá vỡ các thỏa thuận với Nga cấm một sự hiện diện quân sự như vậy.

Nhưng Stoltenberg nói không có sự phân biệt thực sự giữa việc triển khai quân thường trực và triển khai luân phiên xoay vòng binh sĩ, chiến hạm và máy bay NATO, đã được tăng cường kể từ khi khủng hoảng Ukraine bùng phát. NATO cũng đã tăng cường lực lượng tới cá nước Estonia, Latvia, Lithuania, Hungary, Bulgaria và Romania, triển khai trước các thiết bị để lực lượng phản ứng nhanh mới thành lập có thể tác chiến trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

“Chúng ta đã sẵn sàng tăng cường sự hiện diện và đang cân nhắc vấn đề có nên tăng cường thêm nữa hay không”, ông Stoltenberg cho biết và thêm rằng vấn đề này sẽ nằm trong nghị trình hội nghị thượng đỉnh NATO tới tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng 7/2016.

Choáng váng trước sự can thiệp của Nga tại Ukraine, năm 2014 lãnh đạo NATO đã thống nhất đảo ngược cắt giảm chi tiêu quân sự và nâng cấp lực lượng phản ứng nhanh, tăng gấp đôi lên 40.000 quân. NATO cũng nhất trí lập một lực lượng “xung kích” nhỏ hơn để có thể triển khai trong vòng 48 giờ.

Theo DW.com, mặc dù 36.000 binh sĩ từ các nước thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ đã tham dự cuộc tập trận quy mô nhằm chống lại cái gọi là “những tham vọng quân sự của Nga” (hoặc gọi cách khác là sự xâm lược Nga), tổ chức quân sự này hiện vẫn còn rất bất lợi trước Nga. Không chỉ vì phải cố gắng phối hợp 28 quốc gia thành viên với những ưu tiên khác nhau, mà còn vì những cuộc tập trận của Nga trong vòng hai năm qua đã lên tới quy mô 80.000 quân, lớn gấp đôi so với NATO.

Theo QPAN