Châu Âu tìm cách củng cố lệnh trừng phạt Nga do lo ngại ông Trump đắc cử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các nhà ngoại giao châu Âu đang muốn tăng cường các biện pháp trừng phạt với Nga vì dự đoán rằng sự trở lại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm suy yếu các nỗ lực cô lập Moscow của phương Tây.

Ông Donald Trump tham dự một sự kiện tranh cử do nhóm bảo thủ Turning Point Action tài trợ tại Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 24/10 (Ảnh: Reuters)
Ông Donald Trump tham dự một sự kiện tranh cử do nhóm bảo thủ Turning Point Action tài trợ tại Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 24/10 (Ảnh: Reuters)

Các cuộc đàm phán giữa các quan chức và đặc phái viên EU tập trung vào một số sáng kiến ​​nhằm đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của châu Âu sẽ được duy trì lâu dài hơn, củng cố chúng thông qua việc thực thi chặt chẽ hơn, ngay cả khi Washington thay đổi chiến lược, theo Reuters.

Các nguồn tin mà Reuters dẫn lại cho hay, các bước có thể thực hiện kế hoạch này bao gồm các điều khoản "tổng hợp" để xác định và ngăn chặn các chuyến hàng nghi ngờ đến Nga và tăng cường hạn chế vận chuyển dầu mỏ.

Ngoài ra còn có các cuộc thảo luận về việc thay đổi yêu cầu đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga – lệnh trừng phạt lớn nhất của phương Tây đối với Moscow – phải được chính quyền các nước châu Âu gia hạn 6 tháng một lần, các nguồn tin giấu tên cho hay.

Ba nhà ngoại giao EU cho biết một số quốc gia thành viên đang nghiên cứu ý tưởng về điều khoản "tổng hợp" áp dụng cho hàng hóa phục vụ cho chiến trường hoặc tăng thêm phạm vi các mặt hàng xuất khẩu bị cấm.

Điều khoản này sẽ cho phép các quan chức hải quan giữ lại các lô hàng nếu điểm đến của chúng có vẻ phi logic, chẳng hạn như đi qua Nga để đến các nước Trung Á.

Công tác chuẩn bị đang được thực hiện với dự đoán về sự thay đổi quan điểm của Washington nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

Bất kỳ sự mềm mỏng nào của Washington sẽ khiến châu Âu rơi vào tình thế khó khăn, vì chính Mỹ, với quyền lực sâu rộng để áp đặt các biện pháp trừng phạt trên vi phạm trên toàn cầu, chính là bên thực thi chủ yếu các biện pháp này.

Liên minh châu Âu hiện đang cố gắng tìm ra các biện pháp của riêng mình để tăng cường thực thi và củng cố các biện pháp kiềm chế đối với Nga.

Tom Keatinge, thuộc Viện nghiên cứu RUSI của Anh, cho biết các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã chuẩn bị “các biện pháp trừng phạt riêng của châu Âu khi tính đến khả năng ông Trump trở thành Tổng thống”, tuy nhiên sẽ phải tăng cường việc thực thi các biện pháp này.

“Nếu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đảo ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, châu Âu sẽ cần phải mạnh mẽ hơn nhiều trong hành động thực thi và sẽ không còn có thể núp sau Mỹ nữa”, ông nói.

Người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng "chương trình nghị sự yếu kém của Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích các đối thủ của chúng ta, dẫn đến chiến tranh ở Ukraine", chỉ trích ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris là "tự do một cách nguy hiểm", mà không nêu rõ quan điểm của ông về các biện pháp trừng phạt.

Các nước châu Âu đã nhận định sai trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, khi Mỹ đảo ngược thỏa thuận quốc tế với Iran về chương trình hạt nhân của nước này và đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt, khiến châu Âu rơi vào tình thế khó khăn. Và giờ, giới quan chức châu Âu lo ngại một hành động tương tự đối với Nga có thể làm tan vỡ những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Moscow.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng ông sẽ dừng hoặc làm chậm đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông cũng từ chối nói rằng ông muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến và thậm chí còn đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì đã giúp khơi mào cuộc xung đột.

Ông Trump thường xuyên ca ngợi chính quyền 2017-2021 của chính ông vì đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream II, nhưng chưa nói rõ quan điểm của mình về các lệnh trừng phạt trong tương lai và ông nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Moscow.