Một bức ảnh chụp bởi hãng tin AP đã ghi lại chính xác khoảnh khắc một quả bom màu xám của Israel lao xuống tòa nhà ở Beirut và phát nổ, phá hủy hoàn toàn công trình này.
Cuộc không kích diễn ra sau khi Israel cảnh báo người dân sơ tán khỏi 2 tòa nhà trong khu vực nơi mà Israel cho rằng gần với kho hàng và tài sản của Hezbollah.
Vài phút trước khi tòa nhà bị đánh sập, Israel đã thực hiện hai cuộc tấn công nhỏ hơn vào tòa nhà. Quân đội Israel thường gọi đây là cuộc tấn công cảnh báo.
Sức công phá khủng khiếp của bom SPICE
Theo các chuyên gia về tên lửa, vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công ở Beirut là một loại bom lượn được phóng từ máy bay chiến đấu của Israel.
Theo ông Richard Weir, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phần đuôi và mũi của quả bom cho thấy đây là một đầu đạn nặng hơn 900kg, được trang bị bộ dẫn đường do Israel sản xuất, được gọi là SPICE. SPICE là từ viết tắt của “Smart, Precise-Impact and Cost-Effective”, nghĩa là thông minh, chính xác, hiệu quả chi phí.
Đây là các hệ thống dẫn đường do công ty Rafael của Israel sản xuất. SPICE được gắn vào các quả bom không có hệ thống dẫn đường để đưa bom đến mục tiêu.
Ngay trước cuộc không kích làm sập tòa nhà này, có hai cuộc không kích nhỏ hơn vào đó với mục đích cảnh báo.
Quân đội Israel từ chối bình luận về loại vũ khí được sử dụng.
Đây sản phẩm kế thừa từ tên lửa không đối đất Popeye, hệ thống SPICE là một bộ công cụ dẫn đường được sử dụng để chuyển đổi bom không điều khiển có thể thả từ trên không thành bom dẫn đường chính xác. Công nghệ này đã được triển khai không chỉ trong không quân Israel mà còn ở một số lực lượng không quân khác trên toàn cầu.
Israel sử dụng loại bom SPICE vì nó mang lại nhiều lợi ích chiến thuật và giảm thiểu rủi ro cho người dân. SPICE có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết xấu và trong các khu vực bị nhiễu GPS. Vũ khí này được cho là có khả năng tiêu diệt cao với thiệt hại phụ thấp, đồng thời có độ chính xác cao.
Cốt lõi của hệ thống SPICE là gói hướng dẫn tinh vi được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và khả năng GPS. Thiết lập này cho phép truyền hình ảnh theo thời gian thực, điều chỉnh hướng bay của quả bom khi lao tới mục tiêu thông qua việc sử dụng các cánh gấp và vây.
Một lợi thế lớn của bom SPICE là nó cho phép máy bay tấn công, như F-15 hoặc F-16, phóng bom từ khoảng cách xa (lên tới 60km), giữ an toàn cho máy bay khỏi các hệ thống phòng không. Sau khi được thả, bom sẽ lượn về phía mục tiêu và tự điều chỉnh hướng đi bằng cách sử dụng cánh điều khiển.
Ông Joseph Dempsey, nhà phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết hệ thống dẫn đường này dựa vào GPS và các hệ thống dẫn đường quang-điện tử, sử dụng camera hoặc cảm biến để xác định chính xác mục tiêu của quả bom. Điều này giúp hạn chế sự phá hủy lan rộng và làm giảm tác động vụ nổ đến các khu vực xung quanh.
Do đó, sức phá hủy chủ yếu tập trung vào tòa nhà bị nhắm tới, trong khi người dân đứng cách vài trăm mét không cảm nhận nhiều về vụ nổ và không thấy mảnh vỡ bay ra nhiều.
Nguồn gốc loại bom
Năm 2019, Rafael và nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã ký một thỏa thuận hợp tác để chế tạo và sản xuất các bộ đường dẫn SPICE tại Mỹ. Vào thời điểm đó, các công ty cho biết hơn 60% hệ thống SPICE được trải rộng trên tám tiểu bang của Mỹ.
Vài tuần sau cuộc bùng phát tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành thư phê duyệt xuất khẩu thêm SPICE sang Israel.
Đầu năm nay, Mỹ đã tạm dừng các lô hàng bom mạnh đó cho Israel vì lo ngại về thương vong dân sự, mặc dù Israel được cho là vẫn còn hàng tồn kho.