Nằm cách Bắc miền Trung Việt Nam 240km đối diện qua Vịnh Bắc Bộ, đảo Hải Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới với những bãi cát trải dài, nước biển trong xanh và rừng cây đẹp nên chính quyền nơi này muốn biến nó thành “Hawaii của Trung Quốc”. Trung Quốc muốn Hải Nam trở thành thiên đường du lịch thu hút du khách quốc tế tìm đến nơi kinh tế phát triển lại có điều kiện thiên nhiên ưu việt này với tham vọng đưa Hải Nam trở thành Khu mậu dịch tự do lớn nhất, thu hút sự đầu tư của giới khoa học kỹ thuật các nước.
Với tham vọng đó, chính quyền Hải Nam đã nghĩ ra một số biện pháp mềm để thu hút du khách nước ngoài như miễn visa du lịch, tạo mọi điều kiện để khách sử dụng các loại thẻ tín dụng…Nhưng như thế chưa đủ, nay họ dự định áp dụng biện pháp kích thích mới mạnh mẽ hơn, đó là mở cửa “đảo trong đảo” cho du khách nước ngoài. Tức là trong khu vực đặc biệt này, người nước ngoài được đặc quyền sử dụng quyền truy cập những trang mạng hiện người dân Trung Quốc đang bị cấm sử dụng như Google, Facebook, YouTube, Instagram và Twitter. Những quy định ưu đãi này được chính quyền tỉnh Hải Nam đưa vào “Kế hoạch 3 năm nâng cao mức độ quốc tế hóa du lịch Hải Nam (2018-2020)” và được công bố trên trang web của chính quyền tỉnh.
Trung Quốc muốn biến Hải Nam thành Hawaii của Trung Quốc
|
Được biết hiện nay chính phủ Trung Quốc ngoài việc phong tỏa các trang mạng xã hội toàn cầu nói trên, còn áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các trang mạng xã hội nội địa như Wechat, Weibo, dùng các bộ lọc về từ ngữ nhạy cảm để phong tỏa các nội dung bị chính quyền coi là nhạy cảm như các từ liên quan đến bàn luận, phê phán về chính trị, dâm ô đồi trụy. Một số trang mạng có các diễn đàn như Sina, Tencent, Baidu…đều bị yêu cầu thiết lập chế độ tự thẩm định và hợp tác với lực lượng cảnh sát mạng để kiểm tra, thẩm định, nếu để lọt những nội dung không được phép sẽ đối mặt với nguy cơ bị tạm thời đóng cửa để chỉnh đốn.
Những biện pháp ưu đãi người nước ngoài sử dụng mạng xã hội quốc tế này của chính quyền Hải Nam lập tức làm dấy lên sự bực tức của cộng đồng người sử dụng mạng, trên các diễn đàn, nhất là Weibo xuất hiện nhiều ý kiến phản đối, phê phán, như coi đây là sự đối đãi kỳ thị, “nếu truy cập Google, Facebook, YouTube, Instagram và Twitter là chính đáng và vô hại thì cớ gì lại cho người nước ngoài vào mà cấm người Trung Quốc?” v.v.
Trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng mạng, chính quyền Hải Nam đã vội cho gỡ văn bản “Kế hoạch 3 năm nâng cao mức độ quốc tế hóa du lịch Hải Nam (2018-2020)” này trên trang web của họ.