Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

Dân đếm xe qua BOT: Không sai, sao phải cuống?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy nhiều cơ quan, địa phương và cả một số tờ báo cứ “cà cuống” trước việc một số người dân ngồi đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa), như thể việc đếm xe là hành động mờ ám, gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật!

Theo thông tin phản ánh, từ ngày 26-2 đến 4-3, có khoảng 10 người dân thay phiên nhau ngồi gần Trạm BOT Ninh Lộc để đếm lượt xe qua lại cả hai chiều, mà họ giải thích rõ là chỉ nhằm minh bạch số lượt phương tiện qua trạm, cũng như con số thực thu của BOT Ninh Lộc. Bởi họ nghi ngờ việc báo cáo không đúng lượt phương tiện qua trạm và số tiền thu được lên Bộ GTVT nhằm kéo dài thời hạn thu phí.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc ngồi đếm xe qua trạm BOT không những không  vi phạm pháp luật, mà hơn nữa, còn rất đáng hoan nghênh khi người dân đã tự nguyện bỏ công, bỏ việc ra để làm một việc không mang lại lợi nhuận gì cho bản thân họ. Thế nhưng, một số tờ báo thì gọi họ là “một nhóm người dựng lán tự ý đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc”, cứ như thể việc “tự ý đếm xe” là vi phạm pháp luật vậy! Rồi, trạm BOT Ninh Lộc còn căng dây khu vực quản lý và đặt biển “không phận sự cấm vào” gần trạm thu phí, để ngăn người dân đặt ghế ngồi đếm xe và Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả thì báo cáo Công an thị xã Ninh Hòa, gây cảm giác việc đếm xe rất nguy hiểm cho họ!

Người ngồi kiểm đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc
Người ngồi kiểm đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc

Chưa hết, ở “trên cao”, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng “đe nẹt” sẽ mời cơ quan công an vào cuộc nếu “nhóm người này” có hành động gây khó dễ, gây rối”, cho dù người dân đã khẳng định rất rõ là “chỉ đếm xe và không làm gì khác.” Nhiều người còn chứng minh sự đàng hoàng của mình bằng việc đeo chứng minh thư trước ngực.

Thái độ “bất bình thường” của các đơn vị liên quan đến trạm BOT này trước một việc làm bình thường của người dân, chỉ khiến cho công chúng dấy lên sự nghi ngờ về cách hành xử “có tật giật mình”.

Từ lâu, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và trở thành phương thức giám sát các cá nhân có chức vụ, quyền hạn, các tổ chức và cơ quan công quyền trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, những người đếm xe ở trạm BOT Lộc Ninh chỉ đang thực hiện quyền làm chủ ở nội dung “dân kiểm tra” chứ có gì ghê gớm mà nhiều người phải lo sợ đến thế? Chả lẽ, các đơn vị liên quan không biết rằng, chả có điều luật nào cấm người dân ngồi đếm xe ở gần trạm thu phí BOT và người dân hoàn toàn được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm?

Người dân có quyền đòi hỏi tính minh bạch của trạm BOT Ninh Lộc cũng như các trạm BOT khác và điều này là có cơ sở, khi gần 2 năm trước, Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các dự án BOT, nhất là đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu tới 107,4 năm. Đáng lưu ý khi trong số này, dự án giảm nhiều nhất, tới 13 năm 1 tháng 12 ngày, cũng chính là Dự án công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1488-Km1525 thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra các sai phạm ở các dự án là việc xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót vv… Nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kế của tư vấn khảo sát trong 2-3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước từng kiến nghị phải có cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của các dự án BOT để đảm bảo tính công khai, minh bạch và các nhà đầu tư phải hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng; Quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT vv…

Cũng hơn một năm trước, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuất tất trong BOT giao thông, là cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập, việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng lại căn cứ để áp dụng thu phí cho cả quá trình khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.

Rõ ràng với kết luận mà Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã công bố về các sai/vi phạm của các trạm BOT giao thông, thì việc người dân chủ động giám sát lượng xe qua trạm BOT là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật. Nhất là trạm BOT Ninh Lộc chưa áp dụng thu phí tự động không dừng trong khi cả nước đã có hàng chục trạm thu phí triển khai việc này.

Nếu không có gì mờ ám, lẽ ra trạm BOT nên hợp tác với người dân để chứng tỏ sự minh bạch của mình, thay vì cuống cuồng làm mọi điều để ngăn trở hoặc đe nẹt người dân, bởi điều đó gợi cảm giác bày tỏ nỗi sợ hãi trước sự thật!