Theo thông tin từ Bộ Công an, trong văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về vấn đề thí điểm xe vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử, Bộ cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung.
Đầu tiên là việc kiểm soát số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm.
Theo đó, Bộ Công an cho rằng hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe.... gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội, liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải tham gia thí điểm.
Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng các phương tiện tham gia thí điểm tuy đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, nhưng dữ liệu thu được mới chỉ được sử dụng trong quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm còn hạn chế.
Bộ Công an cũng cho biết lực lượng này khó nhận biết, xử phạt các xe tham gia thí điểm trên đường, nhất là vi phạm về vận tải đường bộ do chưa thể nắm rõ thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu và số xe tham gia của từng đơn vị được cấp.
Bộ Công an cũng nhận định rằng với việc thí điểm, các hợp đồng vận tải, hành trình chạy xe, địa điểm đón - trả khách... đều được thực hiện, giám sát thông qua phần mềm ứng dụng và không kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý toàn bộ các phần mềm ứng dụng mà đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm, dẫn tới việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Công an cho rằng cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết.
Được biết, Cùng với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ cũng lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và UBND TP. Hà Nội về đề án.
Trong khi đó, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức đề nghị UBND Thành phố cho phép Sở triển khai hạn chế hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 11 tuyến phố sau một tháng triển khai thí điểm.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, cùng với việc cấm xe taxi, xe hợp đồng trên 11 tuyến phố, khi dự án đường sắt thí điểm ga Hà Nội-Nhổn hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an Thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan khảo sát, điều chỉnh lại tổ chức giao thông cho hợp lý, phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại.
11 tuyến phố tuyến đường, phố hoặc đoạn đường, phố hạn chế hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi từ 6-9h và 16h30-19h gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng) hạn chế hoạt động theo cả 2 chiều.
Đường Khâm Thiên hạn chế hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa (trừ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật được hoạt động 24/24 giờ).
Các đường phố cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ 24/24 giờ (kể cả ngày đêm) gồm: Phủ Doãn cấm taxi theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; Cầu Giấy-Xuân Thủy cấm taxi theo cả hai chiều.
Cầu Chương Dương cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật thời gian từ 6-9h (trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật).
Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt) cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo chiều Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian cấm từ 19-24h các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.