Sáng ngày 9/6, tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã nêu hiện tượng trên thị trường diễn ra các vụ thâu tóm, sáp nhập của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.
Theo ông Nhân, hai năm trở lại đây chứng kiến nhiều vụ thâu tóm giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước, điển hình như Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim và sau đó thâu tóm Big C với giá khoảng 1 tỷ USD. Đáng chú ý, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trong lĩnh vực phân phối mà trong cả lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm. Điển hình như tập đoàn CP (Thái Lan) hiện đang nắm giữ 50% thị phần cung cấp trứng gà, 30% thị phần gà thịt và 70% thị phần thức ăn chăn nuôi.
Vị đại biểu đoàn Bình Dương này cho rằng, các doanh nghiệp FDI đang giữ lợi thế lớn trong hệ thống sản xuất, bán lẻ sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong nước nói riêng và thị trường bán lẻ nói chung. Ông Nhân cảnh báo nguy cơ mất thị trường vào tay nhà bán lẻ nước ngoài là điều không quá khó để nhìn thấy.
"Sau khi thâu tóm, các chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc được nhiều hệ thống thực hiện, trong khi hàng hóa Việt Nam bị o ép. Các cửa hàng của Thế giới Di động rời khỏi hệ thống Big C, hay Minh Long rút khỏi Metro là ví dụ. Một thị trường có tăng trưởng cao như Việt Nam, nhưng chúng ta ngậm ngùi nhìn người Việt tiêu dùng hàng ngoại", ông Nhân nói.
Ông Nhân đánh giá, sự chênh lệch về tiềm lực khiến các doanh nghiệp nội cạnh tranh sòng phẳng là rất khó, đặc biệt khi nhóm doanh nghiệp sản xuất đa phần là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết. Do vậy, đại biểu Phạm Trong Nhân nhấn mạnh, "Câu chuyện bó đũa vẫn còn nguyên giá trị đối với các doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ. Để chống lại các tập đoàn lớn nước ngoài, bản thân các doanh nghiệp nội địa nếu không đủ quy mô thì phải xây dựng liên doanh, liên kết với nhau nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh vốn có". Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, phát triển thị trường bán lẻ trong nước và giám sát dưới góc độ chính sách nhằm đẩy lùi các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.