Ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng.
|
VietTimes đã có cuộc trao đổi đối với ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng để rõ hơn định hướng này. Qua đó, phân tích, xác định những chính sách phát triển mang tính bứt phá cho thành phố.
Chững lại do tầm nhìn còn ngắn hạn
- Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Đà Nẵng vừa diễn ra, vấn đề hiệu quả thu hút đầu tư trong năm 2018 là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn. Ông có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư mà Đà Nẵng đạt đã được trong năm qua?
Ông Trần Phước Sơn: Xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong bối cảnh thành phố cần tăng cường nguồn lực nhằm nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, năm 2018, TP Đà Nẵng thống nhất chọn Chủ đề năm là “Năm thu hút đầu tư 2018”, các cấp Lãnh đạo thành phố đã triển khai nhiều quyết sách, chỉ đạo kịp thời và đồng bộ để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2018.
Cụ thể một số kết quả như: cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 06 dự án đầu tư trong nước , tổng vốn đầu tư 6.340,6 tỷ đồng; cấp mới 126 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 155,9 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2017; tổng vốn đăng ký mua cổ phần, phần vốn góp và góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế trong nước tăng gần 3 lần với 225 lượt mua, tổng giá trị 49,104 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 322 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 95.876 tỷ đồng và 679 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.884,7 triệu USD.
Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.786 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 24.576 tỷ đồng, tăng 7,9% về số doanh nghiệp và 10,1% về vốn so với năm 2017. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 27.168 doanh nghiệp và chi nhánh, VPĐD đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 193.531 tỷ đồng.
Nhất là TP đang có 04 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư 420,51 triệu USD.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được mới ở bước đầu, còn khiêm tốn so với tiềm năng, quy mô, vị trí và vai trò của Đà Nẵng và cũng cần có thêm thời gian để triển khai thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư đã đề ra.
Chính vì vậy, tại kỳ họp vừa qua, Đà Nẵng tiếp tục lựa chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” để đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai.
- Trong năm 2018, Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều biện pháp để thu hút đầu tư, số liệu cũng có những chuyển biến tích cực, nhưng con số vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
Theo tôi, có 2 nguyên nhân là khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan thì như anh cũng biết, do xuất phát điểm của Đà Nẵng thấp, quy mô kinh tế, dân số nhỏ; thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; liên kết phát triển vùng giữa các địa phương trong khu vực còn hạn chế do tính tương đồng cao về lợi thế, nguồn lực, tiềm năng,v.v…; Tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng lớn giữa các địa phương, thành phố tương đồng trong và ngoài nước; các tiềm năng, lợi thế thiếu cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ của Trung ương đối với thành phố chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với yêu cầu và nhu cầu phát triển, nhất là việc chậm triển khai các chủ trương, nhiệm vụ và các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa động lực, lan tỏa tác động trực tiếp đến sự phát triển của thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực miền Trung theo Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX), Kết luận 75-KL/TW (khóa XI) của Bộ Chính trị đã đề ra. Ngoài ra, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính chung của cả nước còn chồng chéo, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thời gian và nguồn lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã khiến sự tăng trưởng chưa như mong đợi.
Tăng trưởng nóng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị chưa đầy đủ, đồng bộ, tầm nhìn còn ngắn hạn, không theo kịp yêu cầu phát triển... đã khiến Đà Nẵng chững lại.
|
Về nguyên nhân chủ quan: do tăng trưởng nóng về các lĩnh vực đô thị, dịch vụ du lịch khu vực ven biển, một số cơ sở, địa điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài, trong khi công tác quy hoạch, dự báo, kể cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị chưa đầy đủ, đồng bộ, tầm nhìn còn ngắn hạn, không theo kịp yêu cầu phát triển; các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn thiếu và tăng trưởng còn hạn chế; thành phố chậm xử lý các vấn đề phát sinh trong tiếp cận đất đai, quản lý đô thị, cấp phép đầu tư, môi trường; việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm đất đai trên địa bàn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong quản lý về đất đai; tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chậm, dẫn đến tác động lan tỏa từ hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và làm phát sinh các vấn đề về đô thị, môi trường.
Để Đà Nẵng bứt phá...
- Như ông vừa chia sẻ, Đà Nẵng sẽ tiếp tục lấy năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Vậy với vai trò Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông có thể cho biết những khó khăn, thách thức mà Đà Nẵng đang đối mặt? Để đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019, thành phố đã có và cần có những quyết sách gì?
Có thể nói, những khó khăn, thách thức đối với thành phố Đà Nẵng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư đã nêu ở trên tiếp tục là những trở ngại lớn của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu chủ đề năm 2019.
Chính vì vậy, ngay từ giữa cuối năm 2018, UBND TP Đà Nẵng nói chung và Sở KH-ĐT đã xây dựng một loạt các giải pháp cho năm 2019 và tập trung nhiều nhóm giải pháp.
Cụ thể, giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Trên cơ sở ý kiến thống nhất chủ trương cho chỉ định thầu tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã giao BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị tư vấn Sakae Holding của Singapore khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung.
Song song với triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thông qua Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hiện đang trình Bộ TN&MT cho ý kiến đối với điều chỉnh đánh giá tác động môi trường chiến lược trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Trong năm 2019, Sở sẽ tham mưu triển khai lập, trình phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch và lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch sau khi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Trên nền các quy hoạch này, Đà Nẵng sẽ tích hợp các quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng KT-XH, đô thị một cách đồng bộ, bài bản, có phân khu rõ ràng, làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư có hiệu quả.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH thành phố như dự án Cảng Liên Chiêu, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 28 triệu hành khách/năm đến năm 2030; Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất đầu tư các khu logistics chuyên nghiệp: Khu logistics Hòa Nhơn (Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng), Khu logistics trong Khu công nghệ cao, Khu logistics tại khu vực phía tây Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và phát triển mạng lưới giao thông kết nối Trung tâm logistics.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thay cho Nghị quyết 33, theo đó thành phố cần chủ động làm việc với Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách và phân cấp quản lý nhà nước đối với Đà Nẵng thay cho Nghị định 144 hiện đã lạc hậu so với yêu cầu phát triển của TP.
Thứ hai, về cơ cấu kinh tế, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi nhanh và mạnh mô hình tăng trưởng trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực hiện tốt vai trò là trung tâm kinh tế của miền Trung; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế và các ngành thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao phục vụ đô thị và du lịch,…
Thứ ba là giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Công khai các quy trình, thủ tục, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh áp dụng giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư qua mạng điện tử.
Cụ thể hơn đối với giải pháp này là sẽ sớm triển khai xây dựng đề án thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông trong đầu tư” theo chủ trương của Thành ủy và hoàn thành trong Quý I/2019. Đối với Đề án này, các thông tin sẽ được công khai, minh bạch tất cả, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ, làm việc với 1 cơ quan đầu mối của TP từ khâu tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục pháp lý cho đến khi triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành theo hướng khuyến khích và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, gắn với phát triển kinh tế biển; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin gắn với xây dựng nền kinh tế số. Xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao trở thành Khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ cao đẳng cấp quốc tế theo mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hình thành bởi các cụm ngành công nghiệp công nghệ cao dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chú trọng hơn vào quá trình hậu xúc tiến, tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả (xúc tiến đầu tư tại chỗ), thông qua các nhà đầu tư này để quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư của thành phố.
Trong năm 2019, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy nhanh việc triển khai dự án Cảng Liên Chiểu, xây dựng chuỗi logictis đối với hệ sinh thái doanh nghiệp tại cảng này và chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch là một trong những giải pháp "đẩy" Đà Nẵng vượt lên
|
- Trong những quyết sách ấy, theo ông, những quyết sách nào mang tính căn cơ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Đà Nẵng, khai thác được lợi thế khác biệt của thành phố?
Nói thêm là ngay từ đầu năm 2019, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả các chỉ đạo định hướng của Bộ Chính trị (khóa XII) sau khi tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; phối hợp triển khai lập Quy hoạch TP Đà Nẵng theo quy định tại Luật Quy hoạch; điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Bên cạnh đó, với vai trò của mình, Sở KH-ĐT sẽ đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án trọng điểm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.
Không chỉ vậy, Sở phối hợp cùng các cơ quan liên quan, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, triển khai thực hiện tốt các chủ trương về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách; Đồng thời chủ động và tích cực trong việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện có kết quả Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2016-2020 và Đề án Tăng cường hoạt động xúc tiến vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể hơn, từ năm 2018, Sở KH-ĐT đã tham mưu đề xuất xây dựng chiến lược dài hơi để thu hút đầu tư, làm động lực phát triển kinh tế TP Đà Nẵng. Đó là giảm các hoạt động xúc tiến đầu tư nhỏ, manh mún, tập trung các hoạt động thu hút đầu tư các doanh nghiệp nguồn, doanh nghiệp lõi có năng lực thật sự theo đúng tiêu chí mà Nghị quyết đã đặt ra đến với Đà Nẵng bằng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, lâu dài. Các doanh nghiệp này sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ vào. Như vậy, việc thu hút đầu tư sẽ mang tính bền vững, lâu dài. Giống như tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp hạt nhân và các doanh nghiệp phụ trợ.
Còn về chủ trương loại hình doanh nghiệp thì Đà Nẵng đã xác định ưu tiên doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao, doanh nghiệp công nghệ cao mới tạo ra giá trị lớn. Bên cạnh đó là chuỗi doanh nghiệp logictis về vận tải hàng hóa hàng không và đường biển như đã chia sẻ.
Và để làm điều này, trong năm 2019, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy nhanh việc triển khai dự án Cảng Liên Chiểu, xây dựng chuỗi logictis đối với hệ sinh thái doanh nghiệp tại đây. Song song đó là hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao,… kết nối hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành chuỗi đồng bộ doanh nghiệp-dịch vụ Logictis-vận tải đường sắt đường bộ, hàng không và cảng biển.
Đồng thời, thành phố sẽ chuyển đổi công năng của Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, khơi thông sông Cổ Cò để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao, tạo sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng với các địa phương lân cận. Từ đó đánh thức liên kết du lịch vùng Đông Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam) và Huế.
Đó là một vài nét định hướng mà Đà Nẵng đã và đang triển khai. Tôi tin với những định hướng như vậy, Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung như Nghị Quyết đã đề ra.
- Xin cảm ơn ông!