Sáng 18/12, trong khuôn khổ hoạt động thảo luận tại hội trường, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng đã “mổ xẻ” nguyên nhân Đà Nẵng bị "nhấn chìm" do mưa lớn diễn ra từ ngày 8-12/12 vừa qua.
Đầu tư lớn nhưng đã lạc hậu, quá tải
Phát biểu tham luận, đại biểu Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, trong những năm qua, TP đã tập trung nguồn lực lớn đầu tư cho hệ thống thoát nước. Từ năm 1998-2008 đã đầu tư cho hệ thống thoát nước vệ sinh môi trường khoảng 15 triệu USD, từ năm 2008-2013 khoảng 70 triệu USD, dự án phát triển bền vững 2013-2019 là 143 triệu USD. Nhiều tuyến cống chủ lực đã hoàn thành như: ven sông Hàn, ven biển, ven hồ, dọc các dường chính như Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Phòng, Đống Đa…
“Hệ thống này cơ bản giải quyết thoát nước cho TP, nhất là các khu vực ngập úng. Tuy nhiên, qua giám sát, xét thấy hệ thống thoát nước của TP đã biểu hiện sự lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị. Nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là thời tiết cực đoan như đợt mưa ngày 8-9/12 vừa qua” - đại biểu Nguyễn Thành Tiến nói.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến -Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng.
|
Phân tích nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Thành Tiến đánh giá là do tính toán quy hoạch thoát nước của TP chưa dự báo được khả năng ứng phó đối với điều kiện khí hậu cực đoan, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
Sự phát tiển của đô thị đã làm giảm số hồ điều tiết tự nhiên trong TP thời gian qua, từ 42 hồ còn 30 hồ với gần 200 ha, dung tích chứa khoảng 3,5 triệu m3.
Không chỉ vậy, việc không thực hiện tốt công tác duy tu nạo vét trong thời gian dài, việc chưa giám sát tốt tình trạng xả thải nước ngầm lẫn bùn đất công trình trong thi công đã gây ra tắc cục bộ. Chưa kể việc TP cũng chưa có biện pháp để hạn chế xả thải của các dự án lớn gây quá tải hạ tầng.
Vấn đề chính nằm ở "ý thức của người dân"?
Để giải quyết vấn đề thoát nước đô thị cho Đà Nẵng, đại biểu Tiến cho rằng, các cơ quan chuyên ngành cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch thoát nước của Đà Nẵng, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung của đô thị để cập nhật bổ sung và quy hoạch chung của TP thời gian tới.
“Trên cơ sở quy hoạch, tính toán quy hoạch, thi công cống hiện trạng, cống mới đảm bảo khả năng thoát nước. Khu vực trung tâm cũ như Hải Châu, Thanh Khê cần tiếp tục đầu tư khớp nối hệ thống tuyến cống nhằm tăng khả năng chia sẻ thoát nước, mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính để đảm bảo tăng thêm dung tích chứa cho hệ thống thoát nước.
Đối với hệ thống thoát nước ở phía Đông TP, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng. Việc bố trí hệ thống sát biển sẽ gây nguy cơ, rủi ro cao cho môi trường biển, nên cần nghiên cứu bố trí dọc sông Hàn để dễ dàng ứng phó khi có sự cố về thoát nước. Đối với các khu đô thị mới cần quy định diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước từng khu dân cư. Đồng thời xây dựng kế hoạch duy tu nạo vét, định kỳ, có lộ trình thay thế đồng bộ hệ thống thoát nước, kết hợp tuyên truyền ý thức người dân” - đại biểu Nguyễn Thành Tiến nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho rằng ý thức người dân là một trong những nhân tố khiến Đà Nẵng ngập sâu.
|
Chia sẻ quan điểm với đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung tiếp: “Vấn đề ngập úng trên địa bàn vừa qua là rất nóng. Mà không chỉ nóng với riêng Đà Nẵng không thôi đâu, cả nước cũng quan tâm vấn đề này. Nên chúng ta cần phải xem xét, thảo luận cụ thể. Tôi yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT cho ý kiến về vấn đề này”.
Lần đầu tiên đăng đàn kỳ họp HĐND với vai trò Giám đốc Sở TNMT, ông Tô Văn Hùng cho biết, hàng năm, TP tiêu tốn 300 tỉ đồng cho việc xử lý rác. Trong đó, ý thức người dân còn kém. Sau trận mưa vừa qua, hình ảnh rác tràn ngập các bãi biển. Rác phần lớn từ sinh hoạt. Qua việc thu thu dọn thì phát hiện cả chăn, chiếu, mùng màn đến cả giường cũ… cũng đều tuôn ra từ cống ra biển.
Ông Hùng nêu rõ: "Vấn đề là ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về xử lý rác là rất đáng quan tâm. Chỉ cần trận mưa vào ngày 9/10, TP bị ảnh hưởng rất lớn, tình trạng ngập úng sâu, cục bộ, ảnh hưởng các cộng trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tác động đến đời sống cộng đồng, gây hư hỏng tài sản của người dân (nhà cửa, xe cộ,...)."
Theo Giám đốc Sở TN-MT, rác ngập cống, đổ ra biển là vấn nạn Đà Nẵng đang đối mặt (Ảnh: Tô Văn Hùng)
|
“Để giải quyết vấn đề này theo tôi phải bắt đầu từ nhận thức. Nếu với nhận thức hiện nay, người dân cho rằng thuộc về ngành chức năng. Tài nguyên môi trường - cái này phải là nhận thức từ mọi người dân. Cơ quan chính quyền phải vào cuộc vấn đề này. TP đã có nhiều kế hoạch đã giải quyết, nhưng nếu các đơn vị, người dân không vào cuộc thì sẽ rất khó. Bên cạnh đó, hiện nay trong công tác quản lý, công tác dự báo tốt sẽ sẵn sàng ứng phó những vấn đề đột biến, cực đoan… Các điểm nóng môi trường là do thiếu tính dự báo trong quy hoạch, giám sát”- tân Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng phân tích.
Vẫn là câu chuyện "tính đồng bộ"
Kết luận vấn đề thảo luận, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói: “Mưa lớn kéo dài như vậy, đến 600mm như vậy thì không có cống rãnh đô thị nào có thể chịu nổi".
Nhưng theo ông Nguyễn Nho Trung, Đà Nẵng nằm trong vùng mưa lũ và chịu tác động lớn từ vấn đề biến đối khí hậu. Do đó, cần thiết phải có những dự báo, tính toán về tình ngập úng để đưa ra các giải pháp phù hợp. Hiện, thành phố đã vay vốn của Ngân hàng Thế giới để làm hệ thống cống lớn, làm thêm các trạm bơm. Nhưng vẫn còn chủ quan và chưa đồng bộ" - Chủ tịch HĐND Đà Nẵng đánh giá.
Ông Trung phân tích tiếp, theo một cách rất thẳng thắn: "Trận mưa vừa rồi, tôi có đi và thấy có mấy việc phải tính. Đó là chỗ có máy bơm thì không có nước - như trạm Thuận Phước có 4 máy bơm nhưng nước không về; Trong khi khu vực Thanh Bình thì nước ngập, khu vực hồ Hàm Nghi lại không có bơm. Chỗ Trương Chí Cương thì có 2 máy bơm thì hút được ngay.
Tính đồng bộ vẫn chưa đảm bảo. Bài toán muôn thuở là mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công. Khu vực ga Đà Nẵng thi công may không ngập chứ người dân đi rớt xuống thì chết. Công tác nạo vét có vấn đề đề nghị UBND TP xem lại, mỗi năm TP có 83 tỉ đồng, năm nay có 85 tỉ đồng nạo vét, kiểm tra có nạo vét hết không. Ý thức người dân cứ thấy con muỗi bay lên, có mùi hôi thì đem bịt chặn hố ga thì nước không chảy được nên chảy vô nhà".
"Về vấn đề này, bà con phải chia sẻ, mưa thì quá to, mà chúng ta đang phát triển và phát triển nhanh, nên không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua việc này, UBND TP cần rà soát quy hoạch hệ thống nước thải và phân kỳ có đầu tư cho đồng bộ và có giải pháp chống ngập. Về ngân sách thì giữ dự phòng để cân đối và ưu tiên”- Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung kết luận./.