Sáng 9/9, tại Hội thảo chuyên đề Phát triển xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) cho TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT Đà Nẵng cho biết, UBND TP cùng các ban ngành liên quan đang nghiên cứu và soạn thảo kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) cho Đà Nẵng đến năm 2030.
Theo đó, hiện Đà Nẵng có 6 tuyến buýt nhưng chỉ có 1 chuyến hoạt động nội thị, tình trạng phương tiện đang sử dụng rất cũ kỹ, xuống cấp và không còn phù hợp với điều kiện hiện tại.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo mỹ quan, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất phương án xây dựng thêm 5 tuyến buýt trợ giá với 214 vị trí dừng đỗ và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016. Tuyến xe buýt này sẽ có mức giá 5.000đ/khách/lượt tuyến, 90.000đ/khách/tháng. Các đối tượng ưu tiên như người tàn tật, thương binh, học sinh - sinh viên... được giảm từ 50% - 100% giá vé. Đặc biệt là tuyến xe có thời gian phục vụ từ 5h00 - 21h00 mỗi ngày, cứ 20 phút sẽ có 1 chuyến và vào giờ cao điểm là 10 phút/chuyến.
Bên cạnh đó, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 2 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Đến năm 2030, sẽ có 28 tuyến xe buýt, gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường. Các tuyến xe buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và 1 huyện.
“Khi chúng ta chưa có kinh phí, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ cho việc xây dựng đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm thì buýt nhanh là giải pháp tối ưu nhất. Phương án chi tiết đã có, buýt nhanh sẽ kết nối từ sân bay, cảng biển, ga đường sắt… đến tất cả quận huyện. Và xe buýt nhanh là đáp án cho bài toán ùn tắc giao thông của Đà Nẵng hiện nay”- ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.