Người đàn ông này nhập viện do không may bị ngã từ thân cây gạo cao khoảng 15 mét, sau đó bị một thân cây nhọn đâm xuyên người và phải chịu nhiều thương tích khác vì bị ong đốt, ngã vào đá.
Hậu quả, nạn nhân bị thương nặng ở mạn sườn trái, ổ bụng, mạn sườn phải; khuỷu tay trái bị gãy hở xương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo bác sĩ Hoàng Công Tình - công tác tại Bệnh viện, bệnh nhân được đưa tới trong tình trạng rất nguy kịch: bị đứt, rách nhiều đoạn ruột non gây thoát dịch trong ruột ra ổ bụng; đứt lìa 2 đoạn tá tràng ở D2 và D4 gây thoát dịch tá tràng ra ổ bụng; rách mạch mạc treo tràng; rách nhiều khối cơ bụng và cơ lưng; mất máu cấp; nhiều vỏ cây và dị vật trong ổ bụng.
Ngoài ra do lực va đập mạnh, bệnh nhân gẫy hở và chấn thương phức tạp khớp khuỷu và xương cẳng tay bên trái; gẫy 4 xương sườn bên trái. Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, sốc hỗn hợp (sốc chấn thương do đau, mất máu, mất dịch; sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do nhiều vết thương hở, do dịch ở tá tràng và dịch ở ruột bị thủng thoát ra khoang ổ bụng) và sau đó là suy đa tạng.
Vì chấn thương quá nặng nên người bệnh có tiên lượng xấu, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Song, các bác sĩ vẫn quyết tâm chạy chữa, gấp rút phẫu thuật để cứu sống người đàn ông này.
Nhóm bác sĩ điều trị cùng nam bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
|
Họ vừa hồi sức cho nam bệnh nhân, vừa phẫu thuật xử trí những vết thương phức tạp. Rất đông bác sĩ đã được huy động, gồm kíp gây mê đảm bảo máu, dịch truyền, giảm đau, hồi sức; một kíp phẫu thuật mở ổ bụng cầm máu vết thương, cắt lọc, nối từng đoạn ruột non, nối 2 đoạn tá tràng bị đứt rời, loại bỏ các dị vật vv...; một kíp mổ chữa trị các vết thương phức tạp ở khuỷu và cánh tay trái, cố định các xương sườn bị gẫy…
Cuộc chiến cứu sống bệnh nhân này chưa dừng lại sau ca phẫu thuật căng thẳng đó. Liên tục trong vòng nửa tháng tiếp theo, các bác sĩ phải căng mình trong từng phút để cứu bệnh nhân khỏi các dấu hiệu đe dọa tử vong như sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, suy chức năng đa cơ quan, bằng cách vận dụng phối hợp nhiều cách thức cùng với hội chẩn hàng ngày để theo sát tình trạng sức khỏe người bệnh.
Đáp lại những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, tới hôm nay (5/11), bệnh nhân sống sót, hồi phục sức khỏe, có thể ăn uống trở lại như trước đây trong sự vui mừng của gia đình và các bác sĩ.
"Từ ca bệnh này tôi chỉ có thể nói ngắn gọn 3 vấn đề: các thầy thuốc đã xử trí vô cùng hoàn hảo, bệnh nhân có sức chịu đựng phi thường và thần may mắn khả năng là có thật trên đời này!" - bác sĩ Hoàng Công Tình xúc động chia sẻ.