Cướp nhà băng hãy quên ra lệnh “Tiền hay mạng sống” đi nếu muốn thoát thân

VietTimes -- Qua phim ảnh, người ta đã quá quen với mệnh lệnh của bọn cướp nhà băng: “Tiền hay mạng sống”. Giờ đây, muốn thực hiện trót lọt vụ cướp và thoát thân, bọn chúng không những cần có một kế hoạch chu đáo, che mặt kỹ càng mà còn cần phải giữ im lặng tuyệt đối, bởi bất cứ câu nói nào phát ra đều làm chúng bị lộ nguyên hình trước cơ quan điều tra.
Cảnh sát Hong Kong điều tra vụ cướp ngân hàng Fubon tại Tsim Sha Tsui xảy ra vào tháng 12/2016. Việc ứng dụng công nghệ nhận diện qua giọng nói chắc sẽ giúp quá trình phá án nhanh hơn. Ảnh Nora Tam.
Cảnh sát Hong Kong điều tra vụ cướp ngân hàng Fubon tại Tsim Sha Tsui xảy ra vào tháng 12/2016. Việc ứng dụng công nghệ nhận diện qua giọng nói chắc sẽ giúp quá trình phá án nhanh hơn. Ảnh Nora Tam.

Xưa nay, việc sử dụng các hình thức che mặt đã nhiều lần giúp các tên cướp nhà băng thành công trong tránh bị nhận diện. Tuy nhiên, với phát minh mới của một starup Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo (AI)  có khả năng nhận biết chính xác một người qua giọng nói, cơ hội của những tên cướp nhà băng thoát khỏi sự trừng phạt đã giảm đi đáng kể…

Startup có tên gọi là SpeakIn, trụ sở tại thành phố Thâm Quyến miền nam Trung Quốc đã tìm ra phương pháp xác định đặc điểm độc đáo trong giọng nói của mỗi người và so sánh nó với "cơ sở dữ liệu bằng giọng nói" để từ đó xác định chính xác đó là ai. Hiện, khởi nghiệp này đang kết hợp với sở cảnh sát ở đại lục để xây dựng cơ sở dữ liệu về "giọng nói" qua các cuộc gọi từ những nơi như ngân hàng cho tới các yêu cầu trợ giúp về CNTT.

"Dấu vết giọng nói (voiceprint) được cá thể hóa hoàn toàn là một ví dụ khác về sinh trắc học", Yi Pengyu, giám đốc điều hành của SpeakIn nói với South China Morning Post.

"Công nghệ này có thể được áp dụng chủ yếu cho các hệ thống an ninh vì nó có thể nhận biết và theo dõi bọn tội phạm bằng cách tìm kiếm và so sánh với mẫu giọng nói trong cơ sở dữ liệu. Một tên cướp ngân hàng chắc chắn có thể giấu khuôn mặt bằng cách che bằng nhiều cách nhưng hắn luôn phải mở miệng khi yêu cầu nhân viên đưa tiền ".

Nhận diện giọng nói là một lĩnh vực khác nằm trong tổng thể chương trình phát triển công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) mà Trung Quốc đã hứa hẹn xây dựng thành một ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD trong vài năm tới. Các công ty khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc như Tencent, Baidu đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển thành các công nghệ có thể nén chặt các con số để tìm ra mẫu hành vi hàng ngày của 1,3 tỷ người và áp dụng chúng vào mọi tình huống từ việc lựa chọn cỡ giày dựa trên giới tính, tuổi tác và thu nhập nhân khẩu học đến xác định những tên tội phạm gần như ngay lập tức từ trích xuất dữ liệu của các camera giám sát..

"Trung Quốc đã và đang nổi lên như một đấu thủ toàn cầu chủ lực trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy tiến trình kinh tế. Trọng tâm của AI ở Trung Quốc ban đầu đã bị chệch hướng sang hình ảnh computer và công nghệ thoại ", một báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết. 

Tình hình đã thay đổi. Ông Yi Pengyu tuyên bố, công nghệ được phát triển bởi SpeakIn đạt tỷ lệ chính xác lên tói 98% khi nhận diện con người qua giọng nói của họ.

Theo ông Yi, ngoài chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật, trong lĩnh vực thương mại việc xác nhận nhân thân qua giọng nói đang được sử dụng trong các ứng dụng ngôi nhà  thông minh và nhất là trong hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại. Đối với những chiếc xe hơi ngày càng trở nên tinh vi hơn, một lệnh bằng giọng nói có thể được sử dụng để khởi động động cơ, tất nhiên không phải là giọng nói của bất kỳ người nào mà chỉ là của những người có thẩm quyền.

"Các thiết bị thông minh hiện có như các home bots kích hoạt bằng giọng nói có thể nhận biết được lệnh thông qua nội dung câu nói nhưng không thể nhận biết được người nói. Với việc nhận diện thông qua giọng nói, các thiết bị còn có thể biết được người đang ra lệnh cho mình là ai.

Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý rằng công nghệ này sẽ được phổ biến rộng rãi. David Wong, một doanh nhân 30 tuổi, tự coi mình là một tay sành công nghệ, cho biết anh không thấy công nghệ nhận diện qua giọng nói có ích trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Ông Yi nói rằng SpeakIn, được thành lập vào năm 2015, đang thảo luận về hợp tác kinh doanh tiềm năng với một thương hiệu xe nước ngoài. Khách hàng của công ty bao gồm hãng sản xuất máy tính Lenovo, gã khổng lồ trong lĩnh vực Internet Tencent, công ty công nghệ cao Asus của Đài Loan và Ngân hàng China Merchants Bank.

Tiềm năng to lớn của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào các startup về ngành này và SpeakIn cũng phải không ngoại lệ. Công ty vừa hoàn thành một đợt huy động vốn trị giá hàng triệu đô la trong tháng 11, trong khi AISpeech, một starup mới nổi khác ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô) đã huy động được 45 triệu USD.

"Tôi cho rằng các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp này và thúc đẩy sự phát triển của các startup mới thành lập", ông Chen Huilong, giám đốc tiếp thị của AISpeech cho biết.

Kể từ giờ, những tên cướp nhà băng chắc phải thay đổi phương thức, thay vì ra lệnh cho các nhân viên ngân hàng. Có lẽ chúng phải tìm cách ra hiệu một cách im lặng thì mới mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Theo SCMP