Ông Trần Quang Hưng - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam - thẳng thắn nêu ý kiến tại tại tọa đàm về giá nước sinh hoạt diễn ra ngày 28/11 tại Hà Nội.
Theo ông Hưng, hành lang pháp lý tính giá nước tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, mỗi tỉnh thành có cách áp dụng khác nhau. Hơn 100 công ty cấp nước thì có hơn 100 mức giá nhau. Đó chính là đặc thù của ngành nước, bởi giá nước không chỉ là vấn đề lý thuyết nên không thể có 1 mức giá nước thống nhất trên toàn quốc.
“Đã có cách tính cụ thể, xác thực, cần tính đúng, tính đủ giá nước. Hà Nội bình quân khoảng 9.000 đồng/m3 và giá nước đang là thấp nhất trong các loại chi phí, nhu yếu phẩm đang sử dụng hàng ngày. Nếu tăng giá nước đến 20.000 đồng/m3 vẫn không sao, nhưng cần phải minh bạch, tính đúng, tính đủ”, ông Hưng nói.
Nhiều lần khẳng định người dân không quá quan trọng về giá nước, thậm chí họ có thể chi trả cao như ở châu Âu nhưng ông Hưng nhấn mạnh người dân đòi hỏi sự cần minh bạch.
Ông Trần Quang Hưng - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam.
|
Bên cạnh đó, ông cho rằng người dân quan tâm đến chất lượng nước, chất lượng dịch vụ: “Dịch vụ cấp nước đảm bảo 24/24, áp lực phải đảm bảo để cấp nước đầy đủ, nếu nay có mai mất nhưng giá nước lại cao là không hợp lý, chất lượng nước phải đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành, vì nó liên quan đến chất lượng cuộc sống, chất lượng của cả thế hệ tương lai”.
Công cụ tính giá nước còn thiếu sót
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Dương - Viện Phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường - đánh giá khung giá nước khá rộng, từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng. Giá nước của các DN cung cấp nước sinh hoạt hiện chưa vượt mức này nhưng người dân cần các doanh nghiệp tính đúng tính đủ giá nước, đảm bảo minh bạch. Định mức sản xuất nước sạch, dự toán xây dựng cơ bản, quy định về cách tính giá nước là công cụ để xây dựng khung giá. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn những thiếu sót.
“Các chủ dự án được phép đưa chi phí nước thất thoát vào giá thành nhưng nếu cứ nói chung chung là nước thất thoát thì chưa đủ (…) Nước thất thoát gồm thất thoát vật lý và thương mại, nếu là thất thoát vật lý thì không thể tránh khỏi, còn nếu do thất thoát thương mại thì không nên bắt khách hàng phải chịu. Việc này nên chia tách rõ ràng. Số liệu cho thấy nước thất thoát thương mại chiếm đến khoảng 1/3 tổng lượng nước thất thoát”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, giá thành phải phản ánh đúng chất lượng nước, do đó, cần quản lý, kiểm soát chất lượng tốt hơn, người dân sẵn sàng chi tiền để có được chất lượng phục vụ tốt.
Lí giải giá nước tại các địa phương lại khác nhau
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - nêu 3 lý do cơ bản: Thứ nhất, vấn đề đầu vào để sản xuất nước sạch. Hiện có 2 nguồn gồm nước ngầm và nước mặt, do nước đầu vào khác nhau, kéo theo chi phí xử lý khác nhau. Ngay nước mặt tại Hà Nội có chỗ không có phù sa, sông Đuống có phù sa thì cần có khu bể lắng để xử lý, nơi có bùn cần có chi phí xử lý bùn. Thứ hai, theo quy định, có phương án giá phải dựa trên cơ cấu nguồn vốn đã có, đi vay ít hay nhiều thì lãi vay cao thấp khác nhau. Thứ ba, quy định về khấu hao tài sản cũng là khoản chi phí hình thành nên giá. Tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất sẽ không tính vào giá. Như vậy, ba yếu tố trên tạo nên các mức giá khác nhau. Ông Thỏa khẳng định ông không phản đối việc so sánh về giá nhưng phải đồng đều về các tiêu chí. |