Đây là nội dung chính được đề cập đến tại hội nghị triển khai hoạt động Đo lường khán giả truyền hình Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hoạt động đo lường khán giả truyền hình phục vụ công tác đánh giá hiệu quả nội dung trên truyền hình do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.
Hiện cả nước có 103 kênh truyền hình quảng bá, 76 kênh truyền hình trả tiền. Hoạt động liên kết, xã hội hóa đã góp phần làm cho lĩnh vực truyền hình hoạt động sôi nổi hơn.
Trong những năm gần đây, chính sách quản lý nhà nước về truyền hình ngày càng được bổ sung, hoàn thiện để điều chỉnh sâu hoạt động truyền hình phù hợp với đặc thù chuyên ngành và xu thế phát triển của công nghệ, dịch vụ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung truyền hình, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết từ năm 2017, chỉ số đo lường, định lượng khán giả được công bố công khai, minh bạch.
Đây sẽ là một trong những chỉ số phát triển ngành thông tin và truyền thông, phục vụ hữu hiệu công tác quản lý nội dung truyền hình, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành phát thanh, truyền hình cả nước.
Dịch vụ đo lường khán giả truyền hình Việt Nam (Vietnam-TAM) đã được thử nghiệm triển khai từ năm 2014 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này từng bước thu thập các số liệu đo lường khán giả truyền hình để phục vụ công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin bao gồm cả các kênh chương trình quảng bá và trả tiền.