Hôm 31/1 vừa qua, Netflix gây xôn xao khi tung ra một bộ phim anime ngắn mới. Được đăng tải trên tài khoản YouTube chính thức của Netflix Nhật Bản, tác phẩm “The Dog and the Boy” kể câu chuyện về một chú chó robot đồng hành cùng một người bạn của chú, Toàn bộ hậu cảnh của bộ phim 3 phút ngắn ngủi này đều được tạo ra bởi một trình tạo ảnh AI, tương tự như Stable Diffusion và Midjourney.
Đoạn tweet từ tài khoản chính thức của Netflix Nhật Bản đã miêu tả kỹ thuật mới lạ này là “một nỗ lực thử nghiệm nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của ngành công nghiệp anime”.
Tuy nhiên, Netflix lại nhận lại phản ứng dữ dội từ cộng đồng các họa sĩ nói chung và anime nói riêng. Các họa sĩ này lo sợ trong tương lai mình sẽ mất việc làm vào tay những cỗ máy AI. “Rất nhiều họa sỹ anime đã hoảng loạn, và họ hoàn toàn có lý do chính đáng” - theo Zakuga Mignon, một họa sỹ chuyên vẽ tranh minh họa. Mignon là người sáng lập ra hashtag #SupportHumanArtists (Hỗ trợ các họa sỹ con người), xuất hiện lần đầu vào tháng 12 năm ngoái nhưng đã trở nên khá phổ biến sau vụ việc Netflix nói trên.
Tuy nhiên, “The Dog and the Boy” không chỉ là mối đe dọa đối với các họa sỹ nói chung. Nó nhắm đến các họa sỹ chuyên vẽ hậu cảnh: các nhân viên hoạt họa đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi công nghệ tự động hóa và tình trạng sa thải hàng loạt như hiện nay. Đối với những ai đang đấu tranh để giành quyền lợi cho các họa sỹ vẽ hậu cảnh, đây rõ ràng là một xu hướng đáng báo động - và là một lời nhắc nhở đáng lo ngại về cách các công cụ tự động có thể ảnh hưởng đến sự chia rẽ trong nghề.
Đến nay, Netflix có vẻ vẫn chưa nhận ra điều họ làm đang gây tranh cãi. “Chúng tôi tự hào là một phần của dự án thú vị, với kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm, cải thiện, và tạo nên sự linh hoạt trong quy trình sáng tạo anime trong tương lai” - theo Taiki Sakurai, Giám đốc sản xuất anime của Netflix.
Nhưng các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng sự linh hoạt mới này sẽ khiến các studio không còn chú ý và tập trung tài nguyên cho mảng vẽ hậu cảnh nữa, từ đó dẫn đến nguy cơ gây tác động lên thành phẩm theo chiều hướng tiêu cực.
“Các họa sỹ vẽ hậu cảnh là một phần rất quan trọng của quy trình sản xuất, một bước đòi hỏi rất nhiều kỹ năng” - theo Elena Altheman, thành viên nhóm nghiên cứu của The Platform Lab thuộc Đại học Concordia, nghiên cứu sinh tiến sỹ đang tìm hiểu về lịch sử lao động trong ngành công nghiệp hoạt họa. “Bối cảnh thường quan trọng không kém nhân vật, thiết lập nên sắc thái cho tác phẩm và đôi lúc còn bù đắp cho sự thiếu hụt chi tiết và độ phức tạp trong các sản phẩm hoạt họa giới hạn (một biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó sử dụng ít khung hình hơn cho các nhân vật hoạt hình)”
Trong ngành công nghiệp hoạt hình, họa sỹ hậu cảnh thường được đối xử như những nhân viên thứ cấp, những người không làm công việc sáng tạo, kể cả khi họ đóng vai trò chính quyết định diện mạo và cảm nhận của một sản phẩm. Thông thường, các họa sỹ hậu cảnh sẽ phụ trách thiết kế các khu vực diễn ra các sự kiện trong phim, vẽ các cảnh phim nổi bật phục vụ mục đích quảng bá, và tạo phông nền cho các cảnh có nhân vật.
Phim hoạt hình ngắn "The Dog and the Boy" của Netflix (Ảnh: Rest Of World) |
Đáng chú ý, hệ thống tạo hậu cảnh tự động của Netflix không phải hàng tự phát triển từ đầu, và chưa rõ tỷ lệ đóng góp của con người vào thành phẩm là bao nhiêu. Bố cục hậu cảnh cơ bản được vẽ tay bởi các họa sỹ con người - theo Netflix. Những bố cục đó được đưa vào các công cụ trợ lý AI để dựng ảnh, rồi được đánh giá và hoàn thiện một lần nữa bởi con người. Hầu hết các cảnh vẽ bằng AI là cảnh thôn quê nước Nhật qua các mùa trong năm.
Từ trước khi xảy ra vụ lùm xùm này, thái độ bất chấp các chuẩn mực của ngành công nghiệp của Netflix cũng đã khiến giới anime tỏ ra không hài lòng. Tuy nhiên, túi tiền rủng rỉnh của công ty và các khoản đầu tư ngày càng tăng trong ngành cho thấy thử nghiệm này có khả năng châm ngòi cho những thay đổi trong cách làm phim hoạt hình của hãng. Bộ phim là một dự án của Anime Creators' Base, một studio ở Tokyo được tài trợ bởi nguồn ngân sách sản xuất phim hoạt hình nguyên bản ngày càng phình to từ Netflix. Wit Studio, nhà sản xuất anime uy tín từ Nhật Bản, nổi tiếng với series “Attack on Titan”, cũng tham gia dự án.
Đối với thử nghiệm, cả Netflix và Wit đều hợp tác với công ty khởi nghiệp AI Nhật Bản Rinna để cung cấp các công cụ tạo hình ảnh. Mùa thu năm ngoái, công ty khởi nghiệp nhỏ này đã phát hành “Japanese Stable Diffusion”, trình tạo hình ảnh của riêng họ được tùy chỉnh để chấp nhận các đoạn miêu tả bằng tiếng Nhật, với cơ sở dữ liệu huấn luyện gồm hơn 100 triệu hình ảnh có caption tiếng Nhật nhằm nắm được mọi yếu tố liên quan văn hóa và sắc thái cuộc sống tại quốc gia này.
Theo Ryotaro Makihara, giám đốc của “The Dog and the Boy”, hệ thống AI của Rinna cho phép các công ty hoạt hình tập trung vào những phần phức tạp hơn của quy trình sản xuất.
“Bằng cách kết hợp các công cụ và kỹ thuật vẽ tay, tôi nhận ra mình có thể tập trung vào những thứ chỉ con người có thể làm được, và kết quả là, có thể mở rộng khả năng biểu đạt của mình hơn”, Makihara cho biết.
Nhưng nếu Rinna xem hệ thống của họ như một giải pháp tiết kiệm sức lao động, thì nhiều người khác lại cho rằng nó khiến các họa sỹ hậu cảnh bị cô lập hơn nữa. “Hoàn toàn không có chuyện thiếu hụt lao động trong ngành hoạt hình… Tuy nhiên, điều chúng ta có thể quan sát được trong các ngành công nghiệp văn hóa là áp lực công việc” - Altheman nói, nhấn mạnh đến mức lương ngày càng thấp, thời gian làm việc tăng, công việc ít ổn định hơn, sức khỏe thể chất và tinh thần đi xuống.
Đặc biệt, các hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng về văn hóa làm việc nặng nề. Các nhà làm phim hoạt hình được thúc đẩy để tạo ra nội dung với số lượng cực lớn, với một số người được cho là chỉ kiếm được 200 USD mỗi tháng. Liệu AI có giúp giảm bớt stress trong khâu sản xuất, hay khiến áp lực công việc của các họa sĩ bị đẩy cao hơn nữa.
Trước đây, đã có một số bài báo nói về việc các họa sỹ manga và anime lo lắng về nguy cơ bị thay thế bởi các hệ thống AI tự động hóa trong những ngành công nghiệp vốn đã có tính cạnh tranh rất cao này, khi mà các công cụ như Stable Diffusion và DALL-E tiếp tục được cải tiến.
Sự việc gần đây của Netflix đã khơi lại những cuộc tranh luận đó và đó và huy động các nhà phê bình có tiếng nói, chẳng hạn như Mignon, người mô tả những tiến bộ của AI là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong ngành.
“Nếu các nhà hoạt họa đã chật vật với tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất, cố gắng hết mình để đáp ứng nhu cầu sản xuất anime, thì không có cơ hội nào cho bất kỳ ai trong số họ cạnh tranh lại một thứ có thể tạo ra 600 bức vẽ chỉ trong một ngày” - Mignon nói.
Các họa sỹ truyện tranh cũng tham gia vào cuộc tranh luận: nhiều người đặt câu hỏi liệu có phải AI tạo sinh đơn giản chỉ là một công cụ khác mà gã khổng lồ stream tận dụng để cắt giảm chi phí hay không?
“Thành thật đi Netflix. Trên thế giới có rất nhiều họa sỹ muốn tìm việc” - họa sỹ Pete Woods của Marvel Comics nói. “Không hề có chuyện thiếu hụt lao động. Chỉ có sự tham lam của các công ty mà thôi".
Theo Rest Of World