Công bố TPP về nông nghiệp: Tám cơ hội và bảy thách thức

Ngay sau khi Hội nghị ISG 2015 - Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội, ngày 7-11, Bộ NN&PTNT đã công bố nội dung TPP đối với ngành nông nghiệp Việt Nam - cơ hội, thách thức và giải pháp.
Việt Nam cam kết xóa bỏ trợ cấp trong đánh bắt cá, minh bạch mọi dữ liệu liên quan đến đánh bắt, bảo vệ môi trường. Ảnh: Đ.TRUNG
Việt Nam cam kết xóa bỏ trợ cấp trong đánh bắt cá, minh bạch mọi dữ liệu liên quan đến đánh bắt, bảo vệ môi trường. Ảnh: Đ.TRUNG

Theo Bộ NN&PTNT, 12 thành viên của Hiệp định TPP nằm ở ba châu lục khác nhau là châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương, chiếm 40% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cầu. Thương mại khu vực chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá, ổn định trong nhiều năm gần đây. Đối với những cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định TPP sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn cho ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản

Các thành viên TPP cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng minh bạch hơn và có thể dự báo. TPP cũng cho phép các nhà đầu nước ngoài được khởi kiện chính trọng tài quốc tế theo quy tắc trọng tài khách quan, công bằng, minh bạch, đây là một cam kết nhằm đảm bảo đầu tư với tiêu chuẩn cao.

Nội dung được Bộ NN&PTNT công bố với các cam kết về nông nghiệp là xóa bỏ trợ cấp về nông sản, trong đó các thành viên TPP cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản kể từ khi hiệp định TPP có hiệu lực. Đây là một trong những cam kết quan trọng, là mục tiêu đàm phán giữa các thành viên WTO hiện nay nhằm giảm bớt hàng rào bảo hộ nông sản ở một số thành viên như Hoa Kỳ, EU.

Một trong những cam kết quan trọng là về an ninh lương thực trong Hiệp định TPP, các thành viên sẽ cam kết thông báo cho nhau khi một thành viên áp dụng áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm mục đích trên, đồng thời cam kết các tiến hành tham vấn và trao đổi thông tin với các nước thành viên có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng lương thực liên quan, bảo đảm những nước chủ yếu phải nhập khẩu lương thực có điều kiện tham vấn.

Ngoài ra, các thành viên TPP cũng không áp dụng tự vệ đặc biệt đối với hàng nông sản có xuất xứ từ khu vực TPP nhằm thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Riêng đối với hàng thịt lợn, gà là hai nhóm hàng nhạy cảm có thể kéo dài đến 13 năm nữa mặt hàng này mới có thuế bằng 0%. Ảnh: CTV 

Thương mại tự do, cắt giảm thuế lớn

Trong số 11 đối tác của Việt Nam thì Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru là những nước đầu tiên Việt Nam đạt được những thỏa thuận về thương mại tự do và những bước cắt giảm thuế lớn. Nhật Bản là đối tác Việt Nam đã từng có hai thỏa thuận đối tác kinh tế, cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều dòng hàng hóa của Việt Nam có lợi ích xuất khẩu.

Với Hoa Kỳ, Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam.

Với Nhật Bản, mặc dù đã đồng ý để Nhật loại trừ mặt hàng gạo khỏi cam kết, Việt Nam đã đạt được mức cải thiện đáng kể so với Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). So với VJEPA, Việt Nam cải thiện được trên 38% dòng hàng hóa, xóa bỏ thuế quan đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản sang nhật; cải thiện hơn 64% dòng hàng hóa thủy sản, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam và đối với 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản.

Việt Nam cũng cam kết mở cửa thị trường nông lâm thủy sản đa phương cho 11 thành viên còn lại của TPP. Việt Nam cam kết đưa khoảng 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan với các lộ trình từ xóa bỏ ngay từ năm thứ 3, từ năm thứ 8, năm thứ 11 đến năm thứ 12 hoặc năm thứ 13 tùy vào từng sản phẩm.

Riêng đối với hàng thịt lợn, gà là hai nhóm hàng nhạy cảm, ngoài ra đối với ba trong bốn mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế xuất là đường, trứng, muối, riêng thuốc là mở cửa hơn so với WTO. Ngoài ra Việt Nam cũng đảm bảo các cam kết về môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa bỏ trợ cấp trong đánh bắt cá, minh bạch mọi dữ liệu liên quan đến đánh bắt, cam kết các chương trình bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên.

Cơ hội thách thức và giải pháp của nông nghiệp

Ngay sau khi công bố toàn văn về TPP, Bộ NN&PTNT đã xác định rõ tám cơ hội của ngành nông nghiệp là: 

Mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với các thị trường lớn nhất trên thế giới với ưu thế đáng kể (1). Tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu (2). Tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất theo hướng giảm thuế xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển trên chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng sản phẩm chế biến có giá trị cao (3). 

Tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (4). Tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động (5). Nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động (6). Tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội (7). Tạo động lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, môi trường chính sách, thúc đẩy tính minh bạch của môi trường chính sách (8).

Ngoài tám cơ hội, Bộ NN&PTNT cũng xác định có bảy thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập tham gia vào Hiệp định TPP là:

Hạn chế về năng lực cạnh tranh (1). Khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (2). Thiếu thông tin nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới, thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước (3). Thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh (4). 

Hạn chế trình độ lao động và nguồn lực (5). Hạn chế việc vận dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại và giải quyết tranh chấp (6). Môi trường chính sách sách chưa hoàn thiện, đầy đủ, chưa được thực hiện đồng bộ hóa và thiếu biện pháp chế tài, tồn tại hạn chế trong thực thi quy định (7).

Với những cơ hội, thách thức, theo Bộ NN&PTNT cũng đã đề ra bảy giải pháp của ngành nông nghiệp trước những thách thức đang phải đối mặt buộc phải thay đổi, gồm:

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam (1). Tăng cường nhân lực, nâng cao năng xuất lao động, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành (2). Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (3). 

Khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật (4). Nâng cao năng lực phân tích dự báo thị trường (5). Nâng cao khả năng vận dụng cam kết và các biện pháp áp dụng trong các FTAs (6). Tăng cường năng lực cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế (7).

Theo PLTP