Chiều 27.4, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết kết quả kiểm nghiệm, phân tích các mẫu đối với hàu nuôi trên giá thể lốp ôtô cũ (vỏ xe cũ) tại đầm Lăng Cô (thường gọi là đầm Lập An, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) về môi trường nước (pH, độ kiềm, NH3, NO3, PO4, Oxy hòa tan...) đều trong giới hạn cho phép, phù hợp để nuôi các đối tượng nước lợ.
Các chỉ tiêu hóa lý và kim loại nặng trên mẫu hàu (thịt hàu) tại đầm Lăng Cô và một số khu vực đối chứng trên địa bàn tỉnh từ Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ thẩm thực phẩm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thấy hàm lượng lưu huỳnh ở mức 28,1 mg/kg (giới hạn cho phép 100 mg/kg); định tính Formaldehyd âm tính; hàm lượng Cadimi ở mức 0,61 mg/kg (giới hạn cho phép 2 mg/kg); hàm lượng chì ở mức 0,15 mg/kg (giới hạn cho phép 1,5 mg/kg).
Từ những kết quả trên Sở NN-PTNT tỉnh đưa ra đánh giá ban đầu là việc nuôi hàu ở đầm Lăng Cô đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (theo Thông tư 27 năm 2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm; Thông tư 02 năm 2011 của Bộ Y tế về ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nạn ô nhiễm hóa học trong thực phẩm; Thông tư 34 năm 2012 của Bộ Y tế về ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm). Tuy nhiên, theo sở này việc nuôi hàu bằng giá thể vỏ xe cũ trên vùng nước nông (cạn) và nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước, ảnh hưởng mỹ quan, cần phải theo dõi và quản lý chặt chẽ.
Trước đó, vào giữa tháng 4 này trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã lan truyền nghi vấn hàu nuôi trên vỏ xe cũ tại đầm Lăng Cô chứa chất gây ung thư đã làm ảnh hưởng đáng kể về sức mua cũng như uy tín của nghề nuôi hàu của hàng trăm hộ dân địa phương.
Được biết, Sở NN-PTNT cũng đã gửi báo cáo cho Bộ trưởng NN-PTNT về những kết quả kiểm nghiệm tại địa phương. Liên quan đối tượng nuôi này, Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) cũng đã lấy mẫu liên quan để kiểm nghiệm nhưng chưa có kết quả.
Theo Thanh Niên