Tuyên bố trên đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra vào ngày 27/7/2022 trong chuyến công du tới một số nước châu Phi trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đang tiến hành chuyến thăm nhiều nước trong khu vực để tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên châu lục này theo nguyên tắc cùng có lợi, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Theo hãng Lenta.ru, Nga là quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô trước đây đã từng dành sự ủng hộ về chính trị viện trợ kinh tế có hiệu quả cho các nước châu Phi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Bởi vậy, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine tương tự như các cuộc chiến tranh đế quốc trong những thế kỷ trước đây, thì các nước châu Phi không lên tiếng phản đối Nga và cũng không hưởng ứng các biện pháp cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào Nga.
Người dân thủ đô Bamako của Mali trong cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita vào ngày 21/8/2020. Dòng chữ trên tấm biển bằng tiếng Pháp: "Cảm ơn Nga và Trung Quốc giúp đỡ Mali (Ảnh: AP) |
Thực tế lịch sử cho thấy, nước Pháp được như hôm nay một phần quan trọng là do thu được lợi ích rất lớn từ chính sách thực dân và khai thác thuộc địa mà họ đã từng thực thi trong suốt thế kỷ 20. Năm 1957, Tổng thống Pháp François Mitterrand từng tuyên bố: “Nếu không có châu Phi, Pháp sẽ không có lịch sử trong thế kỷ XXI”. Năm 2008, Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng công nhận: “Nếu không có châu Phi, nước Pháp sẽ trượt xuống thứ hạng của thế giới thứ ba.”
Hiện nay, nước Pháp vẫn duy trì chế độ thực dân ở châu Phi. Để được chính quyền Paris trao trả “độc lập”, đến nay 14 nước châu Phi vẫn phải ràng buộc với Pháp bởi Hiệp ước thuộc địa. Hiệp ước này gồm nhiều điều khoản.
Theo Điều 1, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” phải hoàn trả khoản chi phí “xây dựng thuộc địa”. Theo đó, họ phải hoàn trả số tiền mà Pháp đã bỏ ra để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời kỳ khai thác thuộc địa.
Theo Điều 2, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” phải tự nguyện giao nộp 85% tài sản dự trữ quốc gia bằng ngoại tệ vào Ngân hàng trung ương Pháp. Hiện nay có 14 quốc gia châu Phi vẫn bị ràng buộc bởi quy định này từ năm 1961 gồm Benin, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Senegal, Togo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo-Brazzaville, Guinea Xích đạo và Gabon.
Đáng chú ý là, 14 nước châu Phi này không có quyền tiếp cận số tiền dự trữ đó của họ và chỉ được Pháp cho phép sử dụng 15% số tiền này. Nếu các nước châu Phi cần số tiền nhiều hơn 15% thì họ sẽ phải vay thêm từ chính tiền của mình trong Kho bạc Pháp với lãi suất thương mại. Ngoài ra, Pháp áp đặt giới hạn số tiền mà các nước có thể vay thêm từ chính tài sản dự trữ của chính họ gửi ở Ngân hàng trung ương Pháp. Pháp có quyền phủ quyết yêu cầu của các nước Châu Phi vay hơn 20% tiền của chính họ.
Theo Điều 3, Pháp có quyền phủ quyết các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” khai thác hay sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào mới được phát hiện trên lãnh thổ của họ. Ngoài ra, Paris có quyền là người đầu tiên được mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào được tìm thấy trong vùng đất thuộc địa cũ của Pháp.
Theo Điều 4, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” phải dành ưu tiên cho các lợi ích của các công ty Pháp trong việc mua sắm và đấu thầu công khai. Nghĩa là, trong các hợp đồng chính phủ của các nước châu Phi, các công ty Pháp phải được ưu tiên đầu tiên. Sau đó, các nước châu Phi mới được phép tìm kiếm các đối tác khác dù đó là các đối tác có năng lực tốt hơn và đem lại hiệu quả hơn. Vì thế, tài sản quốc gia lớn của các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi đều nằm trong tầm kiểm soát của Paris.
Theo Điều 5, Pháp độc quyền cung cấp thiết bị quân sự và đào tạo quân đội của các quốc gia châu Phi là thuộc địa cũ của Paris. Thông qua các chương trình cấp học bổng, trợ cấp và Hiệp định quốc phòng gắn liền với Hiệp ước thuộc địa, các nước châu Phi buộc phải gửi các sĩ quan quân đội của họ đến đào tạo tại Pháp hoặc các cơ sở đào tạo bên ngoài của Pháp. Theo cơ chế này, Pháp đã đào tạo và nuôi dưỡng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chính khách và sỹ quan người châu Phi chỉ phục vụ lợi ích của Paris. Khi cần thiết, những kẻ phản bội này kích hoạt các cuộc đảo chính để lật đổ chính thể của những quốc gia không đáp ứng lợi ích của Pháp.
Theo Điều 6, Pháp có quyền ưu tiên triển khai quân đội và can thiệp quân sự tới các nước Châu Phi được Paris trao “quyền độc lập”. Theo Hiệp định quốc phòng gắn liền với Hiệp ước thuộc địa, Pháp có quyền can thiệp quân sự ở các nước châu Phi, thậm chí có quyền đóng quân vĩnh viễn tại các căn cứ và các cơ sở quân sự ở các nước châu Phi.
Theo Điều 7, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” có nghĩa vụ sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của quốc gia, trước hết trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Điều 8, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” có nghĩa vụ phải sử dụng đồng tiền của Pháp phát hành riêng cho các nước Trung Phi (FCFA). Theo cơ chế này, Ngân hàng trung ương của Pháp đã thu về khoảng 500 tỉ USD từ châu Phi.
Theo Điều 9, các nước Châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” có nghĩa vụ phải gửi báo cáo dự trữ và thu nhập quốc gia hàng năm cho Pháp.
Theo Điều 10, nếu không được Pháp ủy quyền, các nước châu Phi được Paris trao “quyền độc lập” không được phép tham gia liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo Điều 11, các nước Châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp có nghĩa vụ trở thành đồng minh với Pháp khi Paris cần tiến hành chiến tranh hoặc chống khủng hoảng.
Trong chuyến thăm châu Phi năm 2019 trong bối cảnh Liên minh tiền tệ Tây Phi và Pháp thỏa thuận chuyển đổi đồng Franc CFA thành đồng Eco Franc và chấm dứt một số liên kết tài chính giữa hai bên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố Paris muốn chấm dứt tàn dư của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi sự gắn kết của châu lục này với Pháp.
Ông Emmanuel Macron khẳng định chế độ thực dân ở châu Phi trong quá khứ là "một sai lầm nghiêm trọng" và là lỗi của nước Pháp, đồng thời kêu gọi đóng lại trang sử quá khứ này. Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Emmanuel Macron đã từng gọi chế độ thực dân của Pháp là "tội ác chống lại loài người"./.
Theo Lenta.ru