Thứ Bảy tuần trước, cũng tại [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN], VietTimes đã cung cấp tới độc giả bài phân tích: "Lá bài khí đốt" của Nga sẽ làm cả Châu Âu ớn lạnh?.
Bài viết dẫn quan điểm của Margarita M. Balmaceda - Giáo sư tại Trường ngoại giao và quan hệ quốc tế thuộc Seton Hall University, đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã đạt được mục tiêu khiến Châu Âu phải hoảng sợ vì thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
Trước đó nữa, VietTimes cũng có bài Putin, Châu Âu và "phương trình khí đốt", phân tích về những đặc điểm địa lý và lịch sử, vô tình hay hữu ý, đã giúp hình thành nên phương trình này.
Tiếp tục chủ đề trên, tuần này VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả một bài viết trên Wall Street Journal, tờ báo kinh tế danh tiếng và uy tín bậc nhất thế giới.
Wall Street Journal, như đã biết, là một cơ quan truyền thông của Phương Tây. Hãy xem họ đánh giá thế nào về "Trò chơi khí đốt" của Putin...
Đòn tâm lý của cựu đặc vụ KGB
Khí đốt bắt đầu được bơm trở lại vào đường ống dẫn chính tới châu Âu trong hôm thứ Năm tuần này nhưng với lưu lượng giảm. Trước đó, các nước châu Âu đã chờ đợi trong lo lắng, xem liệu lãnh đạo Nga có ngừng luôn nguồn cung sau khoảng thời gian 10 ngày bảo trì thường niên đường ống này hay không. Và giờ, họ sẽ tiếp tục phải lo lắng vì nguồn cung không ổn định đến từ Moscow, khi mùa Đông đang đến.
Nga đã cung cấp khí đốt cho châu Âu ở dưới mức công suất toàn phần suốt nhiều tháng qua, và các nhà lãnh đạo châu Âu đã chỉ trích hành động này, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng tập đoàn năng lượng Gazprom để khiến cho khách hàng có tâm lý hoang mang.
“Gazprom đã được chứng minh là một nhà cung cấp hoàn toàn không đáng tin,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói. “Và đằng sau Gazprom, như chúng ta đã biết, chính là Putin. Bởi vậy, không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra.”
Các nhà phân tích và thương nhân cho rằng ông Putin sẽ không cắt hoàn toàn khí đốt cho châu Âu, bởi đây là một lựa chọn cực đoan sẽ đẩy toàn khu vực này vào cuộc suy thoái sâu rộng và khiến hàng triệu người không được sưởi ấm. Thay vào đó, họ cho rằng lãnh đạo Nga sẽ để cho khí đốt luân chuyển nhỏ giọt, một chiến lược giúp đẩy giá khí đốt lên cao, tăng lợi nhuận thu về và cho phép Điện Kremlin giành được vị thế lớn hơn.
“Ông ấy có thể chơi đùa với châu Âu: cắt nguồn cung, mở lại một chút ít, nhưng vẫn thu về lợi nhuận lớn nhờ giá tăng,” Richard Morningstar, Chủ tịch Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, và là cựu đại sứ Mỹ tại EU, nói.
“Ông ấy là cựu đặc vụ KGB. Ông ấy là một chiến lược gia. Ông ấy đang chơi đòn tâm lý và hy vọng có thể buộc châu Âu phải quỳ gối trong khi vẫn kiếm được tiền.”
Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu mỗi ngày, tính bằng triệu mét khối (Ảnh: WSJ) |
Theo một số chuyên gia năng lượng, mục tiêu của Tổng thống Putin là chia rẽ liên minh phương Tây vốn đã đoàn kết chống lại ông kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, áp lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tính toán của ông Putin có thể là, việc thiếu khí đốt, năng lượng, hay những lần bị mất điện có thể làm suy giảm sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với Ukraine và đẩy các nước thành viên NATO vào chỗ xung đột lẫn nhau khi mà mỗi nước đều muốn tích trữ khí đốt.
Công cụ chiến tranh
Giống như một loại công cụ chiến tranh, khí đốt tạo cho Nga một vị thế đặc biệt. Nguồn thu chính của nước này là dầu, chứ không phải khí đốt, có nghĩa rằng hiện tại họ có thể sống mà không cần tới nguồn thu từ việc cung ứng khí đốt thông qua đường ống. Nhưng EU thì ngược lại, khoảng 40% lượng khí tự nhiên mà khối này nhập khẩu trong năm ngoái đến từ Nga.
Sử dụng khí đốt như một vũ khí chiến lược, tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lãnh đạo Nga.
Nếu như ông ngắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, Moscow sẽ mất đi danh tiếng mà họ đã tạo dựng trong suốt 5 thập kỷ là một nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy của châu Âu. Ngay cả khi ông không làm vậy, Nga vẫn có khả năng mất đi thị trường này nếu như châu Âu tiếp tục thực thi kế hoạch chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế.
Và trong cả hai viễn cảnh này, Nga dường như sẽ phải dựa vào Trung Quốc để bán khí đốt, bởi vậy mà sẽ tạo vị thế lớn hơn cho Bắc Kinh trong quan hệ với Moscow.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong buổi lễ khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream năm 2011 (Ảnh: WSJ) |
“Vì nhiều lý do địa chính trị, ông Putin sẵn sàng vứt bỏ công sức cả một nửa thế kỷ đầu tư ra ngoài cửa sổ,” Thane Gustafson, giáo sư đến từ ĐH Georgetown và là tác giả của cuốn sách "Cây cầu" nói về quan hệ khí đốt giữa Nga và châu Âu, nhận định.
Đức và nhiều nền kinh tế khác ở châu Âu đang chật vật tìm cách độc lập khỏi nguồn cung năng lượng của Nga. Tính đến thời điểm này trong năm, lượng khí đốt mà EU nhập từ Nga đã giảm một nửa, xuống còn 20%, và khối này đang nhắm mục tiêu cắt giảm hoàn toàn khí đốt của Nga trong vòng 5 năm tới.
Mỹ từ lâu đã cảnh báo châu Âu rằng quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ tạo cho Nga vị thế cao hơn về chính trị và kinh tế. Châu Âu, vốn có cam kết gắn kết Nga với phương Tây thông qua thương mại, đã bỏ qua điều này.
Trong năm 2011, Đức bắt đầu nhập hàng tỉ mét khối khí thông qua một đường ống chạy dưới đáy biển có tên “Nord Stream”, sau trở thành đường ống dẫn chính khí đốt của Nga tới châu Âu. Đến năm 2020, khoảng 1/10 lượng cầu khí đốt của Đức đến từ Nga, theo S&P Global Commodity Insights.
Tháng 6 vừa qua, Moscow đã giảm lượng khí đốt đi qua đường ống dài 760 dặm này đến hơn một nửa, và đổ lỗi cho quá trình sửa chữa turbine bị chậm do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Giới chức và các lãnh đạo ngành năng lượng của châu Âu bác bỏ lý do này. “Nga đang sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong tháng này.
Một trạm bơm ở Mallnow, Đức, gần biên giới Ba Lan (Ảnh: Shutterstock) |
Các kỹ sư đã thực hiện quá trình bảo trì đường ống dẫn theo như kế hoạch, làm giảm lượng khí luân chuyển qua Nord Stream xuống còn 0. Trong một tín hiệu đáng lo ngại khác, công ty Uniper SE của Đức – một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga – trong hôm đầu tuần này nói rằng họ nhận được một bức thư từ Gazprom tuyên bố về “tình trạng bất khả kháng” (force majeur) – điều khoản được bao gồm trong các hợp đồng để loại bỏ trách nhiệm đối với các thảm họa tự nhiên và không thể tránh khỏi làm gián đoạn tiến trình thực hiện. Các kỹ sư đã thực hiện quá trình bảo trì đường ống dẫn theo như kế hoạch, làm giảm lượng khí luân chuyển qua Nord Stream xuống còn 0.
Trong một tín hiệu đáng lo ngại khác, công ty Uniper SE của Đức – một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga – trong hôm đầu tuần này nói rằng họ nhận được một bức thư từ Gazprom tuyên bố về “tình trạng bất khả kháng” (force majeur) – điều khoản được bao gồm trong các hợp đồng để loại bỏ trách nhiệm đối với các thảm họa tự nhiên và không thể tránh khỏi làm gián đoạn tiến trình thực hiện.
Nga cũng đang thực hiện chiến lược của họ đối với các đường ống dẫn khí khác tới châu Âu, bao gồm đường ống dẫn đi qua lãnh thổ Ukraine. Moscow đã ngừng chuyển khí đốt cho Đức thông qua một tuyến đường thứ ba, sau khi áp lệnh trừng phạt đối với chủ sở hữu nhánh đường ống Yamal-châu Âu đi qua lãnh thổ Ba Lan.
“Cơn nghiện” năng lượng Nga đến sát giờ phát tác
Dù cho Tổng thống Putin có làm gì, châu Âu đều sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc tích trữ đủ khí đốt cho mùa Đông năm nay.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức liên chính phủ, trong tuần này nói rằng lục địa già cần có các bước đi cấp thiết để giảm nhu cầu khí đốt trong mùa Hè và mùa Thu, từ đó mới có thể lấp đầy các kho dự trữ – một nhiệm vụ khó lòng thực hiện trong điều kiện nắng nóng hiện nay, do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh.
Một trạm LNG ở Wilhelmshaven, Đức hoạt động trở lại (Ảnh: WSJ) |
Nguồn cung bị giảm vốn đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế châu Âu, đẩy giá cả lên những mốc cao lịch sử, làm tăng lạm phát trong khối eurozone và tác động lên các thị trường tài chính dễ vỡ của khu vực.
Bất kể mùa Đông sắp tới có thế nào, “cơn nghiện” năng lượng Nga của châu Âu giờ đã đến sát giờ phát tác. EU hiện đã vạch ra một kế hoạch phức tạp và đắt đỏ cho nền kinh tế của họ, đó là kế hoạch chi 210 tỉ euro (215 tỉ USD) để tách mình khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Tổng thống Putin tin rằng các nền dân chủ phương Tây sẽ không có đủ ý chí để duy trì các đòn trừng phạt với Moscow và các gói viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, theo Frank Umbach, nhà nghiên cứu đến từ ĐH Bonn và đang là cố vấn cho chính phủ các nước về thị trường năng lượng.
Sự chia rẽ cũng đang xuất hiện. Chính phủ Hungary đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, trong đó bao gồm khí đốt. Chính quyền Kiev thì chỉ trích quyết định của Canada mới đây, trong đó miễn trừ cấm vận đối với turbine khí mà Gazprom nói là cần cho đường ống Nord Stream.
Bên thua cuộc
Châu Âu đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Khu vực này tiêu thụ tới 1/3 tổng lượng khí hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của toàn thế giới, theo Morgan Stanley, trong khi cũng ký các thỏa thuận khí đốt dài hạn với Azerbaijan.
Nhưng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của châu Âu vấp phải khó khăn do không đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG trong nhiều thập kỷ, ngoại trừ một số nước như Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Lượng LNG nhập khẩu từ khu vực Trung Á và Biển Caspi bị giảm xuống mức quá thấp, chỉ bằng công suất của Hành lang khí đốt phía Nam, dẫn tới Hy Lạp và Italy, và liên tục bị thu hẹp do quan ngại về giá cả.
Miễn là lượng khí đốt chuyển tới châu Âu được duy trì ở mức nhỏ, trong khi giá lại cao, Gazprom sẽ hưởng lợi. Vitaly Yermakov, chuyên gia phân tích đến từ Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói rằng con số ước tính về lợi nhuận mà Gazprom thu được từ xuất khẩu khí đốt – bao gồm cả khu vực ngoài châu Âu – sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, lên mức 100 tỉ USD.
Xét về dài hạn, Moscow có thể là bên thua cuộc khi cắt giảm nguồn cung từ Gazprom tới thị trường lớn nhất của họ. Không giống như dầu – có thể được bơm lên tàu rồi chuyển tới các thị trường mới – khí đốt phần lớn được chuyển qua các đường ống dẫn.
Do xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm, Nga sẽ phải lấp đầy các kho dự trữ ở trong nước sớm hơn so với bình thường trong năm nay, hoặc điều chỉnh công suất, theo giới chuyên gia.
“Phần lớn các đường ống dẫn khí này đều đi về phía Tây,” Michael Moynihan, giám đốc nghiên cứu tại hãng tư vấn Wood Mackenzie, nói. “Anh không thể bán nó sang chỗ nào khác. Anh không thể bán sang Trung Quốc nếu không có đường ống dẫn. Anh không thể bán nó ở trong nước bởi không có nhu cầu.”
Sử học gia về năng lượng Daniel Yergin, phó chủ tịch của S&P Global, ước tính rằng sẽ mất khoảng 4 - 5 năm để xây dựng đường ống mới dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, thay thế cho thị trường châu Âu.
“Tôi nghĩ rằng khoảng 2 - 3 năm nữa, Nga sẽ trở thành một nhà sản xuất dầu khí lớn, nhưng sẽ không trở thành siêu cường năng lượng. Họ sẽ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc,” ông nói.
Nguồn tham khảo: Wall Street Journal
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu