Cổ phần hóa DNNN: lại một năm lỡ hẹn

Kết quả nghèo nàn của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong sáu tháng đầu năm nay cho thấy còn không ít vướng mắc trong cơ chế bán và thoái vốn nhà nước. Nhiều khả năng mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN trong năm 2015 sẽ lại một lần nữa “lỡ hẹn”!
Cổ phần hóa DNNN: lại một năm lỡ hẹn

Kết quả kém khả quan!

Mặc dù ngay từ đầu năm, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã có những cam kết rất mạnh mẽ về chủ trương thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN trong năm 2015 nhưng các số liệu trong 6 tháng đầu năm đều cho thấy bức tranh không thật sự khả quan. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, mới có 61 doanh nghiệp DNNN hoàn tất cổ phần hóa trong hai quí vừa qua, đạt 21,1% kế hoạch trong tổng số 289 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2015.

Về kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), theo thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, từ đầu năm đến nay, số lượng chào bán tới hơn 566 triệu cổ phiếu nhưng chỉ phân phối được gần 184 triệu cổ phiếu, tức tỷ lệ “ế” lên tới 67%.

Còn tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, đã có 11/29 trường hợp phải hủy đấu giá do không có hoặc chỉ rất ít nhà đầu tư đăng ký tham gia. Đáng chú ý, trong số này có những DNNN tên tuổi với quy mô vốn lớn, thời gian hoạt động lâu đời như Công ty TNHH MTV Tổng công ty Điện lực - Vinacomin đấu giá ngày 16-4, vốn điều lệ 6.800 tỉ đồng nhưng chỉ bán được 1,2 triệu cổ phiếu tương đương 0,51% lượng cổ phiếu chào bán; Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin IPO hơn 46 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phiếu, nhưng tỷ lệ mua chỉ đạt 2,8% trong lần đấu giá đầu tiên và đạt chưa tới 1% trong lần đấu giá thứ hai được tổ chức một tháng sau đó...

Đối với công tác thoái vốn, trong sáu tháng đầu năm, các DNNN đã thoái được 7.522 tỉ đồng giá trị sổ sách, thu về 11.161 tỉ đồng, cao hơn 1,48 lần. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư) là 3.368 tỉ đồng, thu về 3.863 tỉ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách, đạt 15% số vốn cần thoái. Điều này đồng nghĩa trong hai quí cuối năm, việc thoái vốn khỏi năm lĩnh vực nhạy cảm trên vẫn còn nhiều việc cần làm.

Tuy được đánh giá là liều “doping” cho tiến trình cổ phần hóa nhưng chủ trương bán cổ phần theo lô cũng mang đến không ít lo ngại về tính minh bạch, có thể làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, bán rẻ vốn cổ phần của Nhà nước.

Cũng trong cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 1-9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết cả năm nay sẽ chỉ hoàn tất cổ phần hóa được khoảng 200 doanh nghiệp, còn lại 89 doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không về đích đúng hẹn. Vậy là lại thêm một năm tiến trình cổ phần hóa “lỡ hẹn”?

Vướng mắc và giải pháp

Không thể đổ lỗi cho diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) kém sôi động dẫn đến việc cổ phần hóa các DNNN diễn ra chậm chạp. Trên thực tế, chỉ số Vn-Index sáu tháng đầu năm nay đã có mức tăng trưởng 9% trong khi giá trị giao dịch cũng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK là hơn 96.000 tỉ đồng, trong đó kênh trái phiếu chính phủ đạt trên 82.000 tỉ, còn lại là cổ phiếu (khoảng 14.000 tỉ đồng).

Sự sôi động của TTCK không chỉ thể hiện qua điểm số và thanh khoản mà còn qua một loạt chính sách, văn bản pháp lý được ban hành như Nghị định 42 về thị trường phái sinh, Nghị định 58 sửa đổi về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, các giải pháp rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2... đã mang đến cho nhà đầu tư nhiều kỳ vọng về sự phát triển của TTCK trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đáng tiếc là tiến trình cổ phần hóa đã chưa thể tận dụng tốt được bối cảnh tương đối thuận lợi này. Có thể kể ra một số trở ngại chính như: (1) Không ít các DNNN quy mô vốn lớn nhưng làm ăn thua lỗ nên không hấp dẫn hay nói cách khác là hàng hóa đưa ra đấu giá không thật sự “chất lượng”; (2) Việc thoái vốn hoàn toàn tại một số lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối chưa thực sự quyết liệt khiến nhà đầu tư không thật sự hào hứng do lo ngại sẽ không có nhiều tiếng nói tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa; (3) Các trở ngại mang tính kỹ thuật trong việc xác định giá trị doanh nghiệp như hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn nhà nước, xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần, xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động...

Để giải quyết những vướng mắc trên, Chính phủ cũng đã sửa đổi nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý theo hướng ngày càng “mở” cho tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Một trong những giải pháp quan trọng là cho phép bán cổ phần DNNN theo lô. Khác với bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (được thực hiện khi doanh nghiệp tiến hành IPO), bán cổ phần theo lô thường được tiến hành sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Cách bán này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư chiến lược) dễ dàng gia tăng tỷ lệ sở hữu, thậm chí nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính đang chốt lại những vấn đề mang tính kỹ thuật cuối cùng đối với dự thảo về vấn đề này (vốn đã được khởi động từ cuối năm 2014) để sớm trình lên Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thông qua, quy định mới này sẽ giúp chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh hơn nữa. Tuy được đánh giá là liều “doping” cho tiến trình cổ phần hóa nhưng chủ trương bán cổ phần theo lô cũng mang đến không ít lo ngại về tính minh bạch, có thể làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, bán rẻ vốn cổ phần của Nhà nước. 

Theo TBKTSG