Cơ hội nào cho Huawei để cung cấp thiết bị 5G tại Việt Nam?

VietTimes – Theo Nikkei Asia, Giám đốc điều hành Huawei Việt Nam, ông Phan Quân cho rằng công ty đang có cơ hội rất tốt để triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam.

Ông Phan Quân phát biểu trên Nikkei Asia: “Chúng tôi tự tin mở rộng hoạt động tại Việt Nam”. Mặc dù chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố kế hoạch phát triển mạng viễn thông thế hệ thứ 5, nhưng, theo lời Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam luôn “mở cửa cho mọi nhà cung cấp”.

Được biết, Huawei đã đàm phán với các đối tác tiềm năng Việt Nam để thử nghiệm 5G vào cuối năm 2019, nhưng chi tiết vẫn chưa được tiết lộ.

Mặt khác, chiến lược mở rộng thị trường của Huawei đang không ít gặp trở ngại, khi nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc cân nhắc thỏa thuận cung cấp thiết bị 5G giữa các nhà mạng trong nước với Huawei.

Ông Phan Quân trong một buổi họp báo tại Hà Nội vào tháng 12.2018.
Ông Phan Quân trong một buổi họp báo tại Hà Nội vào tháng 12.2018.

Ông Phan Quân thừa nhận: “Sẽ rất khó để giải quyết vấn đề này chỉ trong một đêm”. Nhưng tại Đông Nam Á, công ty đã đạt được những thành công nhất định như dự án hợp tác phát triển mạng 5G với nhà mạng hàng đầu Philippines, Globe Telecom.

Ông Quân khẳng định tại Việt Nam, Huawei “không thể bị đánh bại về mặt chất lượng hay giá thành” sản phẩm. “Huawei sẽ cung cấp công nghệ và giải pháp tốt hơn, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nhà mạng địa phương để triển khai 5G”, Giám đốc điều hành Huawei Việt Nam nói thêm.

Trước đây, Huawei từng là nhà cung cấp thiết bị mạng 2G và 3G số một tại Việt Nam, nhưng công ty lại để mất vị thế dẫn đầu khi chuẩn mạng 4G xuất hiện.

Ông Phan Quân nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc liên kết tốt hơn với các nhà khai thác địa phương và chính phủ về phát triển 5G”.

Thị phần 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam tính tới tháng 12.2018. Ảnh: Nikkei Asia
Thị phần 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam tính tới tháng 12.2018. Ảnh: Nikkei Asia

Tuy nhiên, để giành được vị trí nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu cho 3 nhà mạng di động lớn của Việt Nam, Huawei sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Ericsson, Nokia hay Samsung Electronics.

Hiện tại, Viettel đã được cấp giấy phép thí điểm dịch vụ 5G tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sử dụng một phần thiết bị tự sản xuất. Tập đoàn Viễn thông Quân đội tuyên bố công nghệ phần cứng và phần mềm cốt lõi cho mạng 5G của họ đang có những tiến bộ tiến vượt bậc.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, sở hữu nhà mạng Vinaphone, lựa chọn Nokia làm đối tác triển khai 5G. Còn MobiFone, nhà mạng xếp thứ 3 theo đánh giá của Nikkei Asia, đã ký kết thỏa thuận với Samsung vào tháng 3.2018, để thúc đẩy sự phát triển mạng không dây tốc độ siêu cao.

Việc các nhà mạng Việt Nam công bố kế hoạch phủ sóng 5G vào năm 2021 là động thái cho thấy quyết tâm của chính phủ để đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Theo nhận định của Nikkei Asia, cảnh báo từ phía Washington về nguy cơ bảo mật trên thiết bị Huawei cũng sẽ khiến chính phủ Việt Nam phải xem xét cẩn trọng chiến lược phát triển 5G.

Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa 2 bên vẫn thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới chung kể từ năm 1980. Trong khi đó, Việt Nam lại đang duy trì mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và an ninh với Mỹ, bỏ qua ký ức không tốt đẹp về cuộc chiến tranh trong quá khứ.

“Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông ‘Made in Vietnam’, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu hồi tháng 11.2018. Ảnh: Zing
“Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông ‘Made in Vietnam’, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu hồi tháng 11.2018. Ảnh: Zing

Hồi tháng 11.2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: “Việt Nam đã dựa vào các trạm BTS nhập khẩu và thiết bị phụ trợ cho mạng 2G và 3G, nhưng sẽ tự phát triển cơ sở hạ tầng 5G trong nước”.

Tờ Nikkei Asia cũng dẫn lời nhà báo Thẩm Hồng Thụy cho rằng: “Việt Nam đang đi đúng hướng để thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020, theo kế hoạch của chính phủ đề ra”. Ông Thụy nói: “Nhưng quốc gia vẫn sẽ phải nhập khẩu thiết bị công nghệ 5G trong nhiều năm nữa. Huawei vẫn có cơ hội tốt để giành được hợp đồng 5G từ các nhà mạng chú trọng vào giá thành và dịch vụ chất lượng. Tuy nhiên, các nhà cung cấp khác như Ericsson, Nokia và Samsung sẽ được lựa chọn nếu nhà mạng quan tâm hơn đến khả năng bảo mật thông tin”.

Giám đốc điều hành Huawei Việt Nam, ông Phan Quân cho biết: “Chúng tôi sẽ tuân thủ chính sách công nghiệp của chính phủ, cung cấp chương trình tư vấn vào đào tạo để giúp nhà mạng địa phương triển khai 5G và ứng dụng liên quan”. Ông Quân nói thêm: “Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ 5G thông qua nhiều hoạt động”.

Theo Nikkei Asia Review