Cô giáo ở Đà Nẵng tư vấn học sinh không thi vào lớp 10: Bộ GD&ĐT không thể đổ hết cho giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Việc tôi lên tiếng chính là vì không muốn còn bệnh thành tích. Để xoá được bệnh thành tích, thì chúng ta cần nhìn thằng vào sự thật này" - cô Nguyễn Cao Phương Thảo nói.
Học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Đà Nẵng
Học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Đà Nẵng

Việc cô Nguyễn Cao Phương Thảo - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - công khai việc mình đã tư vấn cho học sinh và phụ huynh không thi vào lớp 10 đang gây sự chú ý của dư luận. Để làm rõ hơn vấn đề, VietTimes đã có cuộc trao đổi cùng cô Nguyễn Cao Phương Thảo.

Lên tiếng chính vì bệnh thành tích

PV: Việc cô công khai rằng mình khuyên các học sinh có kết quả học tập kém và phụ huynh của các em không nên cho các em thi vào lớp 10 THPT công lập, mà nên học nghề, cũng như chọn trường phù hợp, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cô có thể cho biết, lý do nào khiến cô quyết định tư vấn cho học sinh và phụ huynh theo hướng đó?

Cô Phương Thảo: Trước hết, tôi xin nói điều này: Liên tiếp trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022, tôi không đăng ký bất cứ danh hiệu thi đua nào, để phản đối những bất công, trù dập và bệnh thành tích trong xét thi đua viên chức. Hai năm qua, tôi cũng là người duy nhất không biểu quyết chỉ tiêu thi đua của nhà trường, để phản đối bệnh thành tích, điểm ảo, đồng thời, luôn có ý kiến với Hội đồng sư phạm trường về việc chấn chỉnh chất lượng giáo dục, thái độ học tập của học sinh, nhưng đều rơi vào im lặng. Vì thế, đến lúc chúng ta cần phải lên tiếng.

Anh thử nghĩ xem, nếu con anh có học lực trung bình, đủ điểm số tốt nghiệp, nhưng tôi nói cháu học yếu, đề nghị anh đừng cho cháu thi lớp 10 và khuyên cháu nên đi học nghề, thì tôi nghĩ anh sẽ "xáng" cái mũ bảo hiểm vào mặt tôi ngay lập tức. Nói như vậy để thấy, cần phải lắng nghe đầy đủ.

Việc tôi lên tiếng chính là vì không muốn còn bệnh thành tích, và để xoá được bệnh thành tích, thì chúng ta cần nhìn thằng vào sự thật này. Đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai là đưa ra lời khuyên với các học sinh có học lực yếu, lười học, hoàn cảnh… nói chung là những trường hợp không thể "cứu vãn", những trường hợp rất đáng thương và học nghề là hướng đi tốt cho các em, thay vì cứ chăm chăm thi vào lớp 10 sẽ không đạt được kết quả, để rồi nếu may mắn vào được trường cũng sẽ quá sức học với các em, thì khi đó, việc gỡ điểm là để tạo cơ hội cho các em có thể đi học nghề với tấm bằng THCS, để các em có thể ra đời kiếm sống. Việc gỡ điểm và công nhận tốt nghiệp là tạo ra cơ hội cho các em học sinh không thể theo học tiếp THPT tìm kiếm công việc, nghề nghiệp phù hợp, là một hành động nhân đạo chứ sao lại lên án?

Quyết định 11/2006 của Bộ GD&ĐT ghi rất rõ rằng, các đối tượng học sinh yếu nếu có bằng nghề thì được xem xét công nhận tốt nghiệp. Đó cũng là cơ sở để tôi đưa ra ý kiến khuyên các em và phụ huynh.

Thực tế đã có rất nhiều phụ huynh đến xin gỡ điểm cho con em họ, để các cháu có cơ hội đi học nghề kiếm sống, thì làm sao tôi có thể từ chối? Nhưng rồi phụ huynh lại quay ngược lại ép con em mình theo ý của họ là nhất nhất phải thi vào trường công lập để “đẹp mặt” cha mẹ.

PV: Cô đã tư vấn và gỡ điểm cho học sinh từ khi nào và đã có bao nhiêu em được cô gỡ điểm, thưa cô?

Cô Phương Thảo: Việc gỡ điểm thì nhiều, không chỉ là học sinh yếu mà còn có những học sinh khá nhưng vì lý do gì đó mà kết quả kiểm tra không được tốt, các em nỗ lực và xin được gỡ điểm chưa tốt trước đó. Về số lượng học sinh thì tôi không thể nhớ hết, nhưng nhớ là bắt đầu cho các em gỡ điểm từ năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và các em phải học trực tuyến thời gian dài.

Nói về việc cho học sinh gỡ điểm, chúng ta cần phải hiểu việc gỡ điểm là cách gọi dân dã. Còn thật sự việc gỡ điểm là cho các em gỡ lại các điểm đánh giá thường xuyên chưa tốt, cột điểm đánh giá trong suốt quá trình học, để vừa đánh giá đúng năng lực của các em, vừa để động viên các em học tập.

Đánh giá học sinh thường xuyên là quy định của Bộ GD&ĐT

- Có quan điểm “học tài, thi phận” và cho rằng, vẫn có thể có học sinh học làng nhàng, nhưng khi thi thì có thể đạt kết quả tốt. Và việc cô tư vấn như vậy, liệu có loại bỏ cơ hội học tập, vươn lên trong tương lai của học sinh hay không?

Cô Phương Thảo: Tôi không đánh mất cái gì của học sinh cả, tôi chỉ tạo thêm cơ hội mới cho các em. Bằng chứng là, nếu nói “học tài, thi phận” thì giáo viên chúng tôi sẽ chốt ngay điểm đầu tiên của học sinh, và khi ấy, các em đã mất hết cơ hội. Còn ở đây, chúng tôi đánh giá thường xuyên, tạo thêm cơ hội cho các em, thì tại sao lại nói rằng loại bỏ cơ hội của các em?

Hơn nữa, những em có học lực yếu, bị đánh giá không đủ điều kiện hoàn thành tốt nghiệp là kết quả đánh giá toàn quá trình học tập. Những trường hợp này là những trường hợp đã bị báo động, không thể vớt vát được nữa, thì phụ huynh mới cam kết xin gỡ điểm để cho con em học nghề, nên càng không thể nói “học tài thi phận”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi mở ra một hướng khác, thêm cơ hội cho các em thì lại nói chúng tôi vi phạm quy chế. Vậy tôi sẽ không khuyên nữa, không cho gỡ điểm nữa thì chính các em sẽ rớt tốt nghiệp ngay từ đầu, chứ không còn cơ hội nào để thi tốt nghiệp. Các cánh cửa sẽ đóng lại với các em.

Trong hoạt động hướng nghiệp, chúng tôi một mặt chỉ ra những cơ hội cho các em khi học nghề, một mặt vận động các em giữ thái độ học tập tốt. Nhưng vì thái độ học tập không mấy chuyển biến, thì đến lúc buộc phải hành động đúng đắn, chứ tôi không loại bỏ cơ hội của bất cứ học sinh nào!

Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng

PV: Một vấn đề nữa mà cô đưa ra đó là cho học sinh gỡ điểm. Việc này đang được hiểu là sửa điểm. Nếu như vậy nghĩa là cô vi phạm quy chế và chính cô cũng đang vì bệnh thành tích mới cho học sinh gỡ điểm, có đúng không, thưa cô?

Cô Phương Thảo: Mọi người phải hiểu rằng việc gỡ điểm là cách nói dân gian của chúng tôi. Trước đây, khi Bộ GD&ĐT quy định kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút… các em vì lý do gì đó làm bài với kết quả không tốt, chúng tôi sẽ cho điểm thấp và ấn định đánh giá ở đây. Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ GD&ĐT quy định đánh giá thường xuyên chứ không làm kiểm tra như trước đây nữa và việc đánh giá thường xuyên này sẽ thực hiện trong suốt quá trình học tập của các em chứ không phải kiểm tra xong là xong.

Việc đánh giá này sẽ thực hiện với nhiều cách, nhiều hình thức, ở mọi thời điểm, nhằm khuyến khích học sinh học tập. Anh cứ thử nghĩ đi, nếu anh cho học sinh điểm "chết", các em sẽ nãn ngay và các em sẽ không học nữa, vì học nữa cũng bị điểm chết rồi.

Trong khi đó, mục tiêu của cấp THCS đưa ra là phổ cập, phấn đấu 100% công dân đều được tốt nghiệp THCS. Vậy nếu chúng ta nói rằng, em đã 0 điểm rồi, dừng lại thì các em sẽ ra sao? Tương lai các em như thế nào? Nên cần phải hiểu đúng về gỡ điểm là gì? Và việc gỡ điểm của tôi đưa ra được hiểu là dựa trên cơ sở đánh giá thường xuyên.

Ví dụ, lần thứ nhất học sinh được 2 điểm, lần thứ hai được 5 điểm, lần thứ ba được 6 điểm, chúng tôi cộng lại, chia ra và lấy kết quả. Làm như vậy có phải là động viên các em học tập, nỗ lực hay không? Chúng ta muốn kéo học sinh vào việc học thì chúng ta không thể chốt con điểm, mà phải mở và khuyến khích các em. Tuy nhiên khuyến khích không phải là sửa điểm, cho khống điểm.

Không những vậy, chính giáo viên chúng tôi được Phòng Giáo dục, được Sở tập huấn thay đổi về cách đánh giá học sinh, từ việc cho điểm kiểm tra đến đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình học với nhiều hình thức, thời điểm thì khi tôi bày tỏ công khai quan điểm thì lãnh đạo ngành lại nói chúng tôi gỡ điểm là sai.

- Theo cô, việc làm đó là vì học sinh hay vì giáo viên?

Cô Phương Thảo: Như tôi đã khẳng định, tôi không đăng ký chỉ tiêu thi đua thì tôi làm vậy đâu phải phải vì tôi, càng không phải vì thành tích của mình! Hơn nữa, tôi là người không biểu quyết chỉ tiêu thi đua trong 2 năm liền, vì điều rất quan trọng là sau dịch COVID-19, lịch học online rất dài, kiến thức của các em gần như quên hết. Khi quay trở lại lớp, gần như các em chỉ học đối phó cho có, chỉ tập tập trung ôn các nội dung thi vào lớp 10. Nói vậy là đối với các trường hợp học yếu, còn các em có sức học khá, giỏi thì tôi không nói.

Nhiều phụ huynh đối phó đã thuê cả giáo viên ôn thi lớp 10 cho con mà không quan tâm đến thái độ học của con, kiến thức nền của con trong năm lớp 9. Trong khi đó trên lớp, vì học sinh, giáo viên nỗ lực củng cố kiến thức cho các em thì các em ỉ lại, lơ là.

Việc lên tiếng cũng là một cách cảnh báo học sinh cũng như phụ huynh. Bởi lẽ, các em rớt tốt nghiệp thì làm sao có thể đi thi vào lớp 10 và quay lại đi xin gỡ điểm? Nếu không cảnh báo thì làm sao thay đổi thái độ học tập của học sinh và cách nhìn nhận của phụ huynh!

Tôi khẳng định, việc lên tiếng là vì chính các em, vì ý thức học tập của các em.

PV: Nhà trường và ngành giáo dục địa phương có biết về những điều cô trăn trở hay không, thưa cô?

Cô Phương Thảo: Tôi nghĩ nhà trường và ngành giáo dục đều biết, vì các ý kiến này tôi đều đã trình bày tại trường và gửi đơn kiến nghị lên Phòng GD&ĐT quận, thậm chí, gửi đơn lên Sở GD&ĐT TP về tình trạng dạy thêm trái phép, chính giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình, giáo viên cho điểm ảo… cho đến khi kiểm tra thật, các em có kết quả thật không đạt thì lại chạy, xin, bắt giáo viên phải cho gỡ điểm. Và vì thành tích, nhà trường cũng dung túng cho việc này.

Căn bệnh thành tích của nhà trường, của ngành giáo dục

- Sau khi công khai việc mình đã tư vấn cho học sinh yếu không thi vào lớp 10, cô có nhận được phản hồi hay áp lực gì từ phía nhà trường, ngành giáo dục và dư luận?

Cô Phương Thảo: Tôi không có áp lực gì ngoài những xì xầm từ phía đồng nghiệp về hành động của tôi, nói tôi dám chống lại đám đông và làm cho trường nổi tai tiếng. Nhưng chính là tôi đang bảo vệ cho ngành giáo dục, khi chỉ ra những vấn đề bắt nguồn từ phụ huynh, bắt nguồn từ bệnh thành tích.

Và tôi, xuất phát từ tình thương với học sinh, đã miễn phí hoàn toàn việc phụ đạo, không vụ lợi một xu nào,… để rồi mình bị lên án.

Khi nói ra, tôi biết mình mất nhiều hơn được. Các giáo viên và phụ huynh không hề muốn trường bị chú ý, bởi khi trường bị chú ý, chắc chắn sẽ siết chặt việc kiểm tra điểm số, chất lượng giáo dục. Nhưng đây là việc cần lên tiếng, đấu tranh, thì phải chấp nhận.

Vậy đấy, nếu không nói bây giờ thì sẽ nói khi nào, không nói bây giờ thì sẽ không còn cơ hội nào để nói!

Học sinh tham gia thi tuyển sinh lớp 10
Học sinh tham gia thi tuyển sinh lớp 10

PV: Vì sao cô quyết định công khai quan điểm của mình, trong khi cô vẫn có thể im lặng và ngầm thực hiện việc này như thời gian qua?

Cô Phương Thảo: Tôi nghĩ cũng đã đến lúc phải lên tiếng về những bất hợp lý đã tồn tại suốt thời gian qua. Đó là quy định chỉ tiêu 75% học sinh trên trung bình đối với 3 môn Toán-Văn-Anh. Tôi thấy không được vì còn học sinh có học lực yếu kém.

Có một thực tế là, việc kiểm tra online cho kết quả tỉ lệ trên trung bình rất cao là không thực chất so với kết quả kiểm tra thực tế chỉ đạt trên trung bình với tỉ lệ rất thấp. Đó là số liệu cảnh báo cần thay đổi.

Hơn nữa, đã có những nhìn nhận chưa đúng trong chính lãnh đạo ngành giáo dục và điều này rất cần tách bạch.

Cần làm rõ vấn đề này: học sinh yếu là đối tượng không được công nhận tốt nghiệp, vì vậy các em không được quyền thi lớp 10, chứ không phải các em bị tước quyền thi lớp 10. Quy định của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ, một là học sinh yếu thì không được thi vào lớp 10 và khẳng định rằng, học sinh yếu là đối tượng không có quyền thi vào lớp 10. Vậy sao lại nói là bị ép?

Một tư duy logic quản lý phản biện cần đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao học sinh yếu lại được công nhận tốt nghiệp? Phải chăng công nhận học sinh yếu đủ điều kiện tốt nghiệp là trái với quy định của Bộ?

Tôi khẳng định đó là căn bệnh thành tích của nhà trường, thành tích của ngành giáo dục để đạt chỉ tiêu nói trên. Và cái vòng lẩn quẩn là phụ huynh đi xin xỏ, nhà trường biết nhưng im vì thành tích, còn học sinh thì tiếp tục lười biếng học tập, dựa dẫm.

Cũng chính phụ huynh dựa vào quy định của Bộ là đi học nghề để xin được tốt nghiệp, nhưng rồi khi được công nhận tốt nghiệp thì quay ngược lại với cam kết của mình đối với giáo viên, rồi nói giáo viên ép. Với những gì đang diễn ra, tôi thấy mình bị xúc phạm nên phải lên tiếng.

Một lý do nữa buộc tôi phải lên tiếng là vì tôi đã ý kiến rất nhiều lần trong các cuộc họp từ hội đồng sự phạm nhà trường đến cấp trên về thực trạng này nhưng không ai để ý, mà chỉ quan tâm đến thành tích của ngành, thành tích của trường, thành tích của phụ huynh. Chính việc chạy theo thành tích đã đẩy căn bệnh thành tích ngày càng đi xa.

Một điều rất vui là sau khi tôi công khai quan điểm của mình, đã có những chuyển biến tích cực từ phía học sinh, các lớp phụ đạo của trường đã đông học sinh đi học trở lại, thái độ học tập cũng đã chuyển biến tích cực. Ngay sáng nay, khi tôi đi ngang qua các lớp học, các học sinh xôn xao vì ý kiến của tôi đã lên báo, nhiều em học sinh cũng chia sẻ về những gì tôi đã làm cho các em trong thời gian qua. Trong khi đó, từ trước đến nay, nhà trường đã mở rất nhiều lớp miễn phí nhưng thất bại.

- Sau những gì đã diễn ra, cô mong muốn điều gì từ cơ quan quản lý giáo dục?

Cô Phương Thảo: Tôi mong muốn lãnh đạo ngành giáo dục nên nhìn thẳng vào vấn đề, không nên né tránh, nhất là dư luận, báo giới, truyền thông và phụ huynh về vấn đề chất lượng giáo dục.

Thứ hai, cần có sự tuyên truyền đúng đắn về vấn đề dạy nghề, học nghề của các em. Những ngày qua đã cho thấy học nghề là một cái gì đó xấu xa, chỉ dành cho học sinh yếu, mà phải ép, ấn mới nhận. Trong khi đó Chính phủ lại tuyên truyền chủ trương một xã hội khởi nghiệp, mà muốn khởi nghiệp thì phải hướng nghiệp chứ.

Thậm chí, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu về tỷ lệ học sinh THCS học nghề, nhưng với những gì tuyên truyền thì học nghề là cái gì đó xấu xa thì ai sẽ học đây, không có hướng nghiệp thì làm sao có xã hội khởi nghiệp?

Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn lại chứ, nhất là Bộ GD&ĐT cần nhìn lại, không thể đổ hết cho giáo viên.

PV: Cảm ơn cô!

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này...