Chia sẻ với các bác sĩ, cô gái trẻ cho biết vô tình nuốt phải bàn chải đánh răng khi vừa vệ sinh cá nhân, vừa cười đùa. Quá hốt hoảng, cô tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để cấp cứu. Tại đây, cô được các bác sĩ thực hiện nội soi, lấy chiếc bàn chải ra ngoài.
Không chỉ trường hợp của cô gái trẻ nói trên, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gần đây tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tới cấp cứu vì vô tình nuốt phải dị vật.
Trước đó, các bác sĩ đã giúp một người đàn ông 69 tuổi phải nhờ bác sĩ loại bỏ cầu răng giả dài 4cm trong dạ dày, một nam bệnh nhân 61 tuổi nuốt phải viên thuốc còn nguyên vỏ, loại bỏ khối thức ăn tắc ở trong thực quản của cụ bà 82 tuổi.
Bác sĩ Trần Quốc Tiến – Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết, bệnh nhân nuốt phải dị vât có tỷ lệ biến chứng rất nhỏ, chỉ khoảng 5% do dị vật nuốt vào sẽ tự trôi qua ống tiêu hóa rồi bị đào thải.
Trong số các bệnh nhân bị biến chứng, bác sĩ thường gặp biến chứng do dị vật mắc vào thực quản, ví dụ: bệnh nhân bị rách niêm mạc, nuốt khó; thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe thực quản; dị vật gây thủng các mạch máu vùng cổ, tràn khí màng phổi… Các biến chứng này khó điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong nhanh.
Vì vậy, bác sĩ Trần Quốc Tiến khuyến cáo, người dân nên có thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc mất tập trung trong lúc đang ăn, bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong, tách thuốc ra khỏi vỉ trước khi uống… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc hoặc để trong tầm tay trẻ những vật dụng, đồ chơi dễ nuốt nhầm. Người già và trẻ nhỏ nên tránh ăn thức ăn dai, gân, da… hoặc cần cắt nhỏ nấu kỹ.
Khi phát hiện mắc phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh nặng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.