Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan tình báo phải điều tra lại toàn bộ các cuộc tấn công mạng và hành vi can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử năm 2016, và phải có báo cáo trước khi ông rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới. Trong khi đó, ông Donald Trump liên tục khẳng định không hề có chuyện tấn công mạng và can thiệp ở đây.
Tuy nhiên, theo thông tin được trang Washington Post đưa, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã kết luận “với niềm tin chắc chắn” rằng Moscow không chỉ can thiệp vào cuộc bầu cử, mà các hành vi của Nga còn nhằm giúp đỡ ông Trump. Thông tin này được một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ. Những đánh giá này dựa trên một phần những bằng chứng Nga đã tấn công vào các thành viên Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ, nhưng chỉ đưa ra những thông tin có hại cho đối thủ của ông Trump, là bà Hillary Clinton.
Mashable cho biết quan chức này không có quyền thảo luận về các biện pháp tình báo riêng tư và yêu cầu được giấu tên.
Những chối bỏ công khai của ông Trump về đánh giá của CIA càng dấy lên câu hỏi ông sẽ xử lý thông tin từ các tổ chức tình báo như thế nào khi trở thành Tổng thống. Quan điểm của ông cũng đặt các thành viên Đảng Cộng hòa vào thế khó khăn khi phải lựa chọn giữa vị tổng thống sắp tới và cộng đồng tình báo.
Trong một công bố vừa đưa ra, nhóm của ông Trump nói những mũi nhọn chĩa vào Nga đang đến từ “những người nói rằng Saddam Hussein có vũ khí phá hủy hàng loạt”.
Trong khi đó, quan chức Mỹ tiết lộ đánh giá của CIA với hãng tin AP chỉ nói rằng các cơ quan của Đảng Cộng hòa đã trở thành mục tiêu trong cuộc bầu cử.
Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ nói ông sẽ tập trung một cuộc điều tra cấp quốc hội trong năm mới 2017. “Cộng đồng tình báo sẽ chuyển bất cứ thông tin liên quan đến các diễn biến tấn công, và như thế Quốc hội có thể tiến hành cuộc điều tra toàn diện”.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain của bang Arizona và Lindsay Graham ở South Carolina cũng nói họ sẽ theo đuổi các cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Một Thượng nghị sỹ khác của Texas là John Cornyn viết trên Twitter rằng hành động tấn công mạng của Nga đã diễn ra nhiều năm, và “vấn đề rất nghiêm trọng”.
Hiện vẫn chưa có phản ứng chính thức nào từ phía Nga. Nhưng Oleg Morozov, một thành viên của ủy ban quan hệ đối ngoại trong Thượng viện Nga, bác bỏ những tuyên bố về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, và cho những tuyên bố đó là “dại dột và hoang tưởng", theo hãng tin RIA Novosti.
Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu phải có cuộc điều tra toàn diện về các cuộc tấn công mạng trong mùa bầu cử, và phải hoàn thành trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng Một tới. Cuộc điều tra này sẽ “đào sâu” những “hành vi mã độc”, bao gồm cả những email bị hack về chiến dịch bầu cử. Điều tra sẽ xem xét các mục tiêu, yếu tố chính và phản ứng của Mỹ đối với các vụ hack email gần đây.
Cuộc điều tra mà ông Obama đưa ra được cho là một cách nhằm nâng cao khả năng bảo vệ của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng, chứ không nhằm ý định đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp của chiến thắng của ông Trump.
“Đây không phải là nỗ lực nhằm thách thức kết quả bầu cử”, một Thượng nghị sỹ nói.
Nhà Trắng nói họ sẽ công bố công khai một phần báo cáo điều tra này, và sẽ thông báo đến cho các nhà lập pháp và các quan chức liên quan.
Mỹ nhấn mạnh rằng báo cáo sẽ không chỉ tập trung vào các hoạt động của Nga hay các cuộc tấn công liên quan đến chiến dịch tranh cử vừa qua, mà họ sẽ xem xét cả những vụ việc xảy ra từ hồi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, khi đó, các chiến dịch của hai ứng cử viên là John McCain và Obama đã bị hacker xâm phạm.
Các quan chức tình báo nói ông Obama và ứng cử viên Tổng thống Cộng hòa Mitt Romney đã là mục tiêu của tấn công mạng Trung Quốc.
Theo Mashable