“Kế hoạch táo bạo” với Nga của Donald Trump ra sao?

VietTimes -- Khi thực hiện khẩu hiệu cải thiện quan hệ với Nga từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với sự chống đối trên nhiều mặt trận, Politico đánh giá.
Ông Trump và ông Putin đã đề cập tới vấn đề bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ
Ông Trump và ông Putin đã đề cập tới vấn đề bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ

Doanh nhân người Anh Aaron Banks được truyền thông phương Tây gọi là nhà tài trợ chính của BREXIT, đã chia sẻ với Daily Express rằng: "Trump và Putin sẽ cùng nhau làm việc vì Trump dự định đấu tranh chống những kẻ Hồi giáo cực đoan”.

Bản thân ông Banks đã có cuộc chuyện trò với ông Trump vào ngày 12/11, khi đích thân doanh nhân cùng lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage thăm tòa nhà chọc trời Trump Tower.
"Chính phủ Anh sẽ lẩn vào căn phòng tối với miếng gạc trên trán vì Mỹ sẽ là một đồng minh của Nga”, Daily Express dẫn lời doanh nhân Banks.

Theo Daily Express, ông Banks "không có bất kỳ hoài nghi về kế hoạch của Trump đối với Mátxcơva”. "Đó là một bước đi cương quyết, táo bạo, nhưng ông ấy sẽ hợp tác với Putin trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Đó là điều ông ấy dự định làm”, ông Banks cho biết.

Còn người sáng lập UKIP Nigel Farage cho rằng Donald Trump sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình hơn so với chính quyền hiện nay, và ông Trump sẽ trực tiếp đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Trước hết, Trump không phải là người ủng hộ can thiệp quân sự, ông ta sẽ không làm tất cả những gì đã được thực hiện tại Libya và tất cả những điều ngớ ngẩn mà chúng ta đã thực hiện để cung cấp không gian lớn hơn cho các hoạt động của IS”, ông Farage nói trong chương trình của RT và bổ sung thêm rằng chính sách đối ngoại của Trump sẽ không gây nguy hiểm cho thế giới.

Ông Farage nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông đã phát sinh từ hành động của các chính trị gia "tự do".  Chính khách Anh nhận định: "Thứ hai, quan điểm về quan hệ với Nga, thái độ với Putin. Quan điểm của EU và chính quyền Obama hướng tới mục đích là thử tất cả các cách có thể để khiêu khích Putin. Trump sẽ làm gì, bạn biết đấy, ông ta đơn giản là lên máy bay và đi Mátxcơva nói chuyện với Putin", ông Farrage nói.

Khi thực hiện khẩu hiệu cải thiện quan hệ với Nga từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với sự chống đối trên nhiều mặt trận, Politico đánh giá. Phỏng vấn hơn một chục quan chức và chuyên gia, Politico vấp phải sự phản đối thống nhất trong sự phát triển tình hình như vậy.

Nhiều người từng đề cử Trump nay là đối thủ của ông trong việc tái lập quan hệ với Nga, theo Politico. Chẳng hạn, phó tổng thống Mike Pence trong quá trình tranh luận đã nói về "hành động khiêu khích của Nga" kiềm chế "sức mạnh Mỹ". Giám đốc tương lai CIA Mike Pompeo gọi các biện pháp của Mỹ chống Nga về vấn đề Ukraine là "hoàn toàn chưa đủ". Còn ông Mitt Romney, người được coi là một trong những ứng cử viên cho vị trí người đứng đầu Bộ Ngoại giao, trong năm 2012 từng gọi Nga là " kẻ thù địa chính trị số một" của Mỹ.

Các đảng viên Cộng hòa chỉ trích Obama vì ông không đủ cứng rắn trong vấn đề Crimea và Ukraine, do đó tân tổng thống sẽ không dễ dàng để có được sự hỗ trợ ngay cả trong số những người trong đảng của ông. Và đó là chưa kể đến một thực tế rằng giới quân sự có truyền thống coi Nga là mối đe dọa, Politico nhận xét. Tuy các quan chức quân sự và tình báo ở dưới quyền tư lệnh tối cao, họ có đầy đủ khả năng chống đối chính sách của ông bằng các con đường quan liêu chậm trễ khác nhau.