Bao nhiêu là chuyện về một Nguyễn Cao Kỳ ngang tàng, chịu chơi?
Trong thời gian dài dài ở cố quốc, ông Nguyễn Cao Kỳ có nhiều cuộc gặp với kha khá chính khách thương gia và văn nhân. Nhiều cuộc, lắm chuyện đã viết nhưng chưa thấy nói đến các cuộc gặp cuộc tụ của ông Kỳ khá dài, dai và tương đắc với ông tướng Phạm Chuyên?
Cứ ngỡ đã quen đã định hình, nhưng ông tướng Phạm Chuyên này thi thoảng phát lộ lắm cái lạ.
Lần lo việc an ninh cho phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton cùng cô con gái Chelsea thăm thôn Phú Tàng (Sóc Sơn – Hà Nội), giời đang im mát mấy hôm, bữa ấy tự dưng bật nắng lòe. Mà cái nắng tiết tận xuân sơ hạ xứ mình thì độc. Đánh nhoáng cái, chả biết ông rỉ tai quân cán thế nào mà một loáng đã kiếm đủ ở đâu cho cả mẹ cả con hai cái nón lá. Tôi thấy như bừng thêm vẻ khả ái khi họ thướt tha tự nhiên cứ thể như tạo dáng với hai vành nón lá kia!
Hồi ông mới đóng chức Chánh sở cẩm Hà Thành, tôi ít gặp và cũng chả có việc chi để đụng ông cả. Mà nói thật cũng không mấy hứng đối diện hay chuyện trò với sếp của đội quân cẩm đông đúc. Nhưng cái cung cách ứng xử phát lộ từ ông, khi thì mình bất ngờ bắt gặp hoặc nghe đám viết lách nó tụng nó nhắc lại thì tự dưng khoảng cách nếu có nó cứ xích gần lại?
Ông Nguyễn Cao Kỳ có tặng ông hai chai vang loại đặc biệt. Cất bẵng đi lâu lâu. Một bữa có cuộc tụ vui. Ông chợt nhớ ra. Giữa đám chính khách hưu lẫn văn nhân quây tụ, hai chai vang được mang ra. Ông hồn nhiên giới thiệu.
Cái gì? Rượu của Nguyễn Cao Kỳ à? Không uống rượu Nguyễn Cao Kỳ!
Ba ông bạn già từ chối thẳng thừng xua xua tay.
Tôi ngó ra.
Một ông hồi những năm 70 làm nghề công an mật. Ông từng chỉ huy việc bắt giam hai tên ở thị xã Sơn Tây giấu mấy tờ truyền đơn phía bên kia rải khắp vùng Thành Sơn báo tin người con của đất Sơn Tây của Xứ Đoài Nguyễn Cao Kỳ vừa đắc cử chức Phó Tổng Thống chánh quyền Sài Gòn.
Một ông có 3 tập thơ bỏ tiền ra in, đi đâu cũng xưng mình là nhà văn. Ông đứng lên gay gắt, uống gì của cái thằng vong ân bội nghĩa mất gốc ấy. Ông hùng hồn dẫn ra việc năm 2002 gì đó, ông Kỳ lần đầu trở lại quê, về dâng hương chùa Mía qua nhà 51 Ngô Quyền ở thị xã Sơn Tây mà không vào nhà thắp hương. Mà nơi ấy là nhà ông anh ngành trưởng lâu nay đang thờ tự ông bà nội của Nguyễn Cao Kỳ!
Tôi nghi hoặc ngó cái cười cười của lão Phạm Chuyên. Ông này mà nhệch ra kiểu cười vậy là sắp có chuyện đây?
Mà có chuyện thật. Giọng ông Chuyên nhỏ nhẹ.
Ông có để ý hôm ấy ông Kỳ dừng xe rồi đứng như trời trồng trước nhà 51 không? Mà khi đó bao nhiêu là ống kính của giới truyền thông đang chĩa vào ông Kỳ. Chưa kể hơn 2 đại đội nhà báo đã phục sẵn trong ngôi nhà 51 ọp ẹp suốt cả buổi sáng để rình đợi giây phút ông Kỳ vào nhà dâng nén hương lên bàn thờ tiên tổ. Họ đợi những sải chân ông Kỳ ướm lên những hàng gạch cổ từng in dấu chân ông thời thơ bé vui đùa chơi nhởi với đám trẻ mà ông gọi bằng anh, bằng chị!
Nhưng ông Kỳ chỉ đứng lặng trước ngõ hồi lâu. Chỉ đăm đắm chiếu cái nhìn vào ngôi nhà. Và không vào nhà. Không nói gì. Rồi lên xe đi thẳng.
Ông bạn ơi, nội động thái lặng lẽ ấy thôi đã nói lên bao điều. Mà ông luôn xưng mình là nhà văn nhà thơ thì tưởng ông thừa sức giải mã động thái ấy của cái nhà ông Nguyễn Cao Kỳ vốn tính tình ngược ngạo, thất thường ấy chứ!
Trong các cung bậc cười vui vẻ, hai chai vang quý ấy chả còn một giọt. Và lây sang các chai khác nữa…
Tướng Chuyên sau này có nói, nhà thơ Bằng Việt về viết bài thơ Uống rượu Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng lâu rồi tôi không có dịp gặp nhà thơ.
Cũng chưa rõ cuộc gặp đầu tiên của cựu Sở Cẩm Hà thành với ông Kỳ là như nào? Cuộc đầu đâu như bữa chả cá phố Cổ? Hay là cuộc gặp cà phê, rồi trà sen?
Trước khi trích đoạn của một cuộc gặp mà tôi cho là lạ của ông Kỳ và ông Phạm Chuyên, cảm phiền bạn đọc cho phép dài dòng lan man chút!
Lần ấy ngồi lâu lâu với Dương Trung Quốc. Mạn phép trích ra đây cái đoạn rỉ rả hiếm hoi của nhà sử học.
"Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây, nay đều là Hà Nội) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành. Phạm Duy có thói quen cứ ra Hà Nội là chọn đúng một cái khách sạn được cất lên ngay từ đất nền ngôi nhà ông đã sống thuở thiếu thời ở phố Hàng Dầu, nên Hồ Hoàn Kiếm là cái không gian gần gũi và thân thiết nhất của ông.
Ông Nguyễn Cao Kỳ (trái) và Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Còn ông Nguyễn Cao Kỳ, quê ở Sơn Tây nhưng gần như những năm tuổi trẻ sống gần hồ Trúc Bạch, gắn bó với mái trường Chu Văn An bên bờ Hồ Tây mà có lần tôi cùng ông đến dự Ngày hội kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi. Ông có nói với tôi rằng, lần đầu khi từ Mỹ về, có hai địa điểm làm ông bồi hồi lâu nhất. Một là sân bay Tân Sơn Nhất, nơi ông đã tự lái máy bay vọt ra biển để bắt đầu cuộc sống tha hương (1975). Còn khi ra Hà Nội thì ngôi trường Bưởi bên Hồ Tây lại là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài. Ông giải thích rằng ở bên Ta thì cái tình đồng hương sâu nặng còn ở bên Tây thì cái tình đồng môn còn quan trọng hơn…
Tôi biết ông từ lâu vì ông là một nhân vật của lịch sử thời hiện đại. Ông là chính khách và thủ lĩnh “phía bên kia” thường được “phía bên này” coi là... “ngụy”. Và vì ông từng mang hàm cấp tướng lại còn làm đến chức Thủ tướng, Phó Tổng thống nên ông thuộc loại cả “nguỵ quân” lẫn “nguỵ quyền”… Vì thế, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ có một ngày gặp được một Nguyễn Cao Kỳ tại Hà Nội..
Nhưng rồi vẫn gặp. Đó là khi ông mới lần đầu ra Hà Nội.
Mà cái vẻ xã giao, giữ kẽ vẫn diễn ra trong buổi gặp ban đầu. Ngó lại vài tấm ảnh mọi người đều ăn mặc chỉn chu, kiểu cách, bắt tay, trao đổi như những chính khách...
Nhưng với ông Nguyễn Cao Kỳ mọi khoảng cách dường như được xoá bỏ nhanh hơn nhờ cách ứng xử đơn giản nhưng rất rõ ràng của ông… Ông nói không úp mở rằng: là một tướng lĩnh ông là người thua trận; là một chính khách ông là người thất bại; là một người trung thực với chính mình ông không ân hận về những gì mình đã làm.
Sau những biến cố khắc nghiệt ông vẫn được trở về với quê hương. Và trong những lần về thăm quê gốc ở Sơn Tây, ông ước mong sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài…
Tôi ít hơn ông gần hai thập kỷ tuổi. Một hồi cứ ra Hà Nội là ông trọ ở cái khách sạn nằm trong phố cổ, phố Hàng Đường gần nhà tôi. Giống như Phạm Duy thích ở Hàng Dầu vì một bước khỏi cửa là đã thấy nước, thấy gió của Hồ Gươm. Còn ông Kỳ thì thích cái khách sạn này vì một bước ra cửa là thấy Chợ Đồng Xuân và đêm nằm tĩnh mịch vẫn hình dung ra tiếng rít của bánh xe tàu điện giảm tốc trước khi dừng trước bến đỗ cửa chợ. Chỉ người Hà Nội xưa cũ mới có cái cảm giác ấy… Có lần, ông sang nhà thăm bà mẹ tôi cũng chỉ hơn ông 5 tuổi, vì ông là bạn học với em của mẹ tôi, người mà tôi gọi bằng cậu đang sống bên Pháp, nên câu chuyện giữa hai người là câu chuyện cùng thế hệ của người Hà Nội kẻ ở người đi…
Có lần ông thổ lộ “sẽ là một bi kịch cho những chính khách không có tuổi già để chiêm nghiệm” - hết trích.
Và tôi để ý đến cụm từ thể hiện cái cảm giác bồi hồi xao xuyến nhất của ông Kỳ là trường Bưởi bên Hồ Tây là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài.
Và gì nhỉ, cái tình đồng môn còn quan trọng hơn…
Tôi cũng có nghe tướng Chuyên kể qua về chi tiết như ông Dương Trung Quốc bộc bạch là ông Kỳ ước mong sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài…
Không phải một vuông đất mà là một quả đồi con con.
Tướng Phạm Chuyên đã dẫn tướng Kỳ lên công viên Vĩnh Hằng chỗ gần Nghĩa trang Yên Kỳ.
Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 trái sang) được nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp. |
Ở đó có Phạm Chuyên có chú đệ tử làm Giám đốc.
Ông Kỳ ngỏ với tay đệ ấy kiếm cho một quả đồi be bé để Nguyễn Cao Kỳ tính chuyển toàn bộ phần mộ gia tiên về!
Chuyện lạ quá. Nhưng là sự thật.
Nhưng rồi việc đã không thành. Hình như chưa gặp duyên?
Có lần gặp, chỉ hai người ngồi riêng với nhau. Mà rõ lâu.
Mà như chất giọng bồi hồi của ông Kỳ đang minh chứng sinh sắc cho câu ngạn ngữ, muốn yêu xứ nào thì người ta phải yêu một người cụ thể xứ ấy?
Ông Kỳ khẽ khàng nói tên cô bạn Trường Bưởi cùng lớp cái năm tít xa. Mà hình như trên cả tình bạn nữa?
Vâng từ năm 1950. Chưa hề gặp lại. Chao ôi ngần ấy thời gian. Bao nhiêu đổi thay. Những mây bay nước chảy cùng bóng chim tăm cá.
Ông Chuyên vội lảng đi không muốn nhìn thêm ánh mắt bâng khuâng nhìn mà như chả nhìn gì của ông Kỳ hướng về Hồ Tây đang mênh mông sương khói.
Nhưng ông Chuyên nhớ rành rẽ cái tên mà ông Kỳ lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại ấy. Và không nói gì thêm.
Khỏi kể ra đây những công đoạn và lộ trình không phải nhuốm mà na ná mà đặc sệt tính trinh thám. Ông Chuyên vốn có vô số mối quan hệ mà. Hà Nội và vùng phụ cận với ông hình như quá hẹp?
Chỉ mấy ngày, mà lính lác của ông đã lần tìm được địa chỉ của cụ bà quả phụ K.A.
Dường như thời gian tuổi tác không làm giảm thiểu đi bao nhiêu những nét khả ái trên gương mặt người đẹp thuở nào? Phạm Chuyên thở dài rồi bật lên một câu khen thầm lão Cao Kỳ tài hoa lẫn đào hoa. Ông bỏ ngay vào túi tấm hình chụp lén nhưng rất nghề của cậu lính. Rồi quyết định gặp ngay Nguyễn Cao Kỳ. Ông cho người dẫn ông Kỳ đi. Nhưng ảnh thì giấu biệt!
Khi hai thày trò đã lên đường đến cái nơi cần đến. Ông Phạm Chuyên còn ngồi lại chưa vội về. Dường như ông còn chưa dứt cái cảm giác ngạc nhiên là lạ rằng một ông tướng, một người từng trải như Nguyễn Cao Kỳ mà khi ông Chuyên điềm tĩnh truyền đạt cái khúc nhôi là như thế, nên thế…ông tướng Kỳ nhà ta bất ngờ trở nên lúng túng. Bàn tay ông quờ quạng như vô thức làm đổ cái ly cà phê trên mặt bàn!
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh (phải) trao đổi với ông Nguyễn Cao Kỳ và bà Lê Kim trong buổi họp mặt tại hội trường Thống Nhất nhân tết Ất Dậu 2005. |
Ông bạn này già thật rồi chăng? Hay là như thiên hạ vẫn đồn, rằng tình yêu không có tuổi?
Tôi với tướng Chuyên ghé chỗ ngồi quen bên góc Tây Hồ không xa ngôi trường Bưởi có tên cũ là trường Bảo hộ Lycée du protectorat.
Vâng, cả những người trong cuộc như Phạm Chuyên sẽ không bao giờ biết thêm chút gì về buổi gặp lại ý trung nhân, cố nhân Trường Bưởi thuở xa ấy nữa!
Sau cuộc gặp gỡ đó, nhoằng cái, mỗi người đều vướng bận rồi chìm lút đi bao việc. Và tướng Phạm Chuyên đã không có dịp gặp lại ông bạn già mà ông coi như người anh, Nguyễn Cao Kỳ!
Cái chết ở xứ người đã đột ngột cắt ngang cắt phăng mọi mối dây thân ái.
Kia, chất giọng trầm khàn của Phạm Chuyên đang như vỡ vạc thêm một Nguyễn Cao Kỳ chầm chậm những nốt trầm của bản ngã, của tuổi tác. Ông đang nhắc đến thi sĩ Quang Dũng nhà thơ Xứ Đoài yêu thích của Nguyễn Cao Kỳ. Hầu như lần nào ngồi cùng, ông Kỳ cuãng nhắc thơ Quang Dũng.
U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/... Vầng trán em vương trời quê hương/Mắt em dìu dịu buồn Tây phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương.../ Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.../Bao giờ ta gặp em lần nữa/Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa....
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm...
Ông Nguyễn Cao Kỳ đã thành mây trắng!
Trên thinh không kia dường như có khoảng bạch vân đang lang thang dạt dần về xứ Đoài?