Qua cuộc trò chuyện của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin độc giả có thể hiểu thêm phần nào về quyết định trở về quê hương của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, cũng như những đánh giá của ông Bin về ông Nguyễn Cao Kỳ.
Pv Huỳnh Phan: Khi sang Mỹ, trước khi gặp ông Nguyễn Cao Kỳ, ông đã nghĩ gì, và chuẩn bị gì?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi xác định là cứ gặp thôi, tùy cơ ứng biến. Tôi biết vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ chơi golf giỏi lắm, nên mình cứ theo phong cách ngoại giao ASEAN, gặp nhau lần đầu tiên trên sân golf là thích hợp nhất. Nó cũng tự nhiên hơn là tổ chức một cuộc gặp chính thức. Tôi điện cho Tổng lãnh sự nước ta ở San Francisco Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất là mời vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ chơi golf với tôi và Tổng Lãnh sự. Ông Kỳ đồng ý luôn.
Tôi luôn cố gắng thực hiện lời dạy của Cụ Hồ “ngoại giao là tâm công”, nên xác định mình phải chủ động thể hiện thiện chí một cách tự nhiên, sẵn sàng trao đổi cởi mở, thẳng thắn; và điều quan trọng nhất phải nói cho ông ta hiểu đường lối chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay đã thay đổi như thế nào, nhất là với kiều bào, trong đó có cá nhân ông ta. Thứ hai là sẽ hỏi thẳng ông ta suy nghĩ và đánh giá như thế nào về tình hình trong nước và công cuộc đổi mới mà Việt Nam đang tiến hành. Tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng tranh luận thẳn thắn với ông ta khi cần thiết.
Nói chung, tôi xác định tùy tình hình mà mình có cách ứng xử phù hợp.
Tôi dự kiến nếu khi chơi golf, thấy tình hình diễn biến theo chiều hướng tốt, thì tôi sẽ mời vợ chồng ông dùng cơm trưa với cả đoàn, nói chuyện tiếp, và tôi sẽ đưa ra lời mời về thăm quê hương trong bữa cơm đó, trước mặt toàn thể các thành viên trong đoàn. Còn không, thì "bye-bye" luôn.
Vì vậy, tôi dặn anh em chọn một quán ăn ngon lành, đàng hoàng, và chờ ở đó. Nếu tôi nháy về là OK, thì mọi người đặt món cho thích hợp. Còn nếu không, chỉ có tôi với Nguyễn Mạnh Hùng về cùng ăn thôi.
Pv: Thế các ông đánh golf như thế nào mà dám mời ông bà Nguyễn Cao Kỳ chơi?
Ông Nguyễn Đình Bin: Mạnh Hùng chơi tốt, còn tôi mặc dù thuộc nhóm lãnh đạo Bộ Ngoại giao đầu tiên học đánh golf, khi gia nhập ASEAN, tôi được cấp thẻ của Câu lạc bộ golf Hà Nội, chỉ tội tay phải tôi bị khoèo, nên thực tình chơi rất dở; nhưng cũng đã có vài lần thay Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Sổm sa vạt Leng xa vát, là một golfer cự phách, ở sân golf Đồng Mô.
Tôi nói Mạnh Hùng phải chơi hết tay. Bởi vì, mình tuy lấy chuyện đánh golf để nói câu chuyện, nhưng nếu để thua đậm cũng không hay.
Pv: Vậy cuộc đánh golf diễn ra thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bin: Gặp nhau bắt đầu bắt tay. Đầu tiên chào bằng ông – tôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông Nguyễn Cao Kỳ nói: “Rất cám ơn ông bà đã nhận lời chơi golf với hai anh em tôi hôm nay”. Ông ấy nói: “Vâng, vợ chồng tôi cũng rất vui. Hôm nay không ngờ lại được chơi golf với ông”.
Thế là chúng tôi đi được mấy bước trên sân golf. Hôm đó trên sân golf chỉ có hai anh em chúng tôi và ông bà Nguyễn Cao Kỳ thôi. Tôi đoán FBI đã biết trước việc này, nên dẹp sân cho riêng chúng tôi. Xa xa thấy xe cảnh sát đứng đầy, để bảo vệ an toàn.
Bắt đầu chơi, ông ấy bảo: “Ông Bin ơi, thôi có lẽ ta gọi nhau bằng anh”.
Thế là tôi nghĩ: “À, ông ta đã cởi mở rồi”.
“Thế thì hay quá! Anh lớn tuổi hơn tôi, chúng ta cũng là anh em một nhà, đều là con cháu các Vua Hùng mà”, tôi đáp luôn.
Rồi tôi bắt đầu tấn công trước: “Tôi nói thật với anh, anh là người rất nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng ở đất nước Việt Nam mình đâu, mà cả thế giới này. Tướng Nguyễn Cao Kỳ mà. Còn tôi chỉ là một quan chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền, của Đảng và Nhà nước giao thôi. Nên hôm nay tôi rất vui được chơi golf với anh chị.”
“Bây giờ, tôi đề nghị ta nói chuyện với nhau thật thẳng thắn, thật cởi mở, coi nhau như là anh em trong một gia đình. Anh biết rồi, vợ - chồng, bố mẹ - con cái trong một gia đình cũng có mâu thuẫn mà. Chuyện đấy là bình thường, đúng không nào? Có việc gì cứ nói thẳng để cùng giải quyết là hay nhất”, tôi nói tiếp.
Ông ấy gật đầu đồng ý, và tiếp lời luôn: “Anh có biết tại sao ngày xưa tôi lại về thành không?”
“Thực tình, trước khi đi tôi có tìm hiểu về anh, nhưng tôi không biết câu chuyện thế nào cả”, tôi nói thật.
“Trời ơi, hồi đó sốt rét rất ghê, nhiều người bị lắm. Tôi bị sốt rét rất nặng, ở nhà mẹ chăm sóc. Một đêm, trong cơn mê man, tôi tỉnh dậy, thấy lành lạnh và đang nằm trên thuyền giữa sông. Tôi mới hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đưa con đi đâu đây?” Mẹ tôi mới bảo: “Giờ ốm nặng quá, phải đưa về thành chữa thôi, chứ không thì chết.”
Lúc đó, tôi đã cố gắng lấy hết sức bình sinh để nhảy xuống sông, nhưng không làm nổi. Sau đó thế nào, chắc anh cũng hiểu”. Ông nói, giọng trầm xuống.
Tôi hiểu ông ấy muốn thanh minh, rằng ông ấy không “dinh tê”, không phản bội Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp đâu. Trong tình huống như thế, ông ta phải thích ứng với cái mới.
Pv: Thực sự lúc đó, hoặc sau này nghĩ lại, ông có cho là một thanh niên vô tình sa vào bên nọ hay bên kia, nhiều khi rất tình cờ, chứ không phải trong thâm tâm anh ta chọn lựa rõ ràng không?
Đúng, tôi cũng nghĩ thế. Khi nhận ra bà mẹ bắt về thành, ông ta đã cố nhảy xuống nước, nhưng lực bất tòng tâm. Ông ta mới 20 tuổi đầu mà.
Pv: Và câu chuyện trở nên cởi mở hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đúng vậy. Sau đó, tôi hỏi luôn: “Anh đánh giá tình hình trong nước hiện nay như thế nào? Cụ thể là chủ trương Đổi mới của Đảng và Nhà nước?”
À, bà vợ, lúc đó vẫn là bà Đặng Tuyết Mai, rất khôn ngoan. Bà luôn giữ khoảng cách cho tôi với ông chồng có thể nói chuyện thoải mái với nhau.
Ông ấy bảo rằng “cái cơ bản nhất là tôi ủng hộ chủ trương chính sách hiện nay về Đổi mới, và lãnh đạo trong nước làm như thế là đúng, đã mang lại những thành tựu. Bây giờ phải mở cửa, phải chơi với tất cả các nước.”
Ông ấy cũng phê phán: “Tôi không đồng tình những người cực đoan, cho rằng nên đi theo tự do dân chủ theo mô hình phương Tây. Tôi nghĩ nó chưa thích hợp, chứ không phải không thích hợp. Mô hình ấy hiện nay chưa thích hợp với ta, sẽ gây ra lộn xộn, không kiểm soát được”.
Ông còn nói: “Nhưng tôi nghĩ mô hình Singapore, phương Tây cũng cho là độc quyền, nhưng thực tế lại dân chủ, lại trong sạch...”
Tôi nói: “Tôi tán thành với anh, hiện nay Đảng và Nhà nước đang cố gắng xúc tiến đổi mới các mặt. Đã có luật để thu hút đầu tư. Chính sách đang rất cởi mở. Từ chỗ kinh tế xã hội chủ nghĩa hiểu theo cách cũ – tức là nhà nước và tập thể, dẹp hết kinh tế tư nhân; nay đã đủ mọi thành phần, trong đó có tư bản đầu tư nước ngoài vào.
Còn về đối ngoại nói chung, anh thấy đấy, giờ ta độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa dạng, đa phương hóa, đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ đối tác, bè bạn ngay với tất cả các nước đã đến đô hộ, xâm lược nước ta, trải thảm đỏ mời đầu tư nước ngoài… Tức là Việt Nam đang đổi mới rất cơ bản...
Thế mà, hơn một phần tư thế kỷ qua rồi, dân tộc mình vẫn chưa hòa giải, hòa hợp được với nhau. Tổ quốc là của tất cả chúng ta. Lịch sử là quá khứ. Tôi nghĩ, chúng ta phải cùng nhau khép lại quá khứ để chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn tiếp tục như hiện nay thì làm sao có thể xây dựng và bảo vệ được đất nước trong tình hình thế giới cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay? Anh hiểu rõ quá còn gì."
Tôi nói rất kỹ về tư duy mới, về chính sách đổi mới đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tôi cũng nói mấy điểm chính về các cuộc làm việc của tôi với phía chính quyền Hoa Kỳ, về đánh giá của họ đối với cộng đồng ta…
Sau đó, chúng tôi bắt đầu trao đổi các vấn đề khác về tình hình đất nước, đôi nét về tình hình khu vực và thế giới.
Tôi nói: “Tôi nghĩ là anh hoàn toàn hiểu, đúng không? Anh là người từng trải hơn tôi nhiều.Trên đời này có cái gì hoàn hảo đâu. Bất cứ một quá trình nào đều có sai, có đúng, đều có thất bại, thành công. Nhưng phải xem cái cơ bản là cái gì? Cái mục đích là cái gì? Phải đánh giá khách quan, toàn diện.”
Một lúc sau khi bắt đầu cuộc chơi golf, bà vợ thấy hai bên trao đổi hăng quá, bèn can thiệp: “Để cho vui vẻ, tôi đề nghị mỗi một lỗ 5 đô la”.
Tôi bảo: “Ok. Hoan nghênh đề xuất của chị”.
Như đã nói, tôi chơi kém, còn Mạnh Hùng chơi giỏi. Nên có lúc ông bà Nguyễn Cao Kỳ hơn chúng tôi 5 lỗ. Thế mà, không biết tại sao, cuối cùng, lại hòa.
Pv: Ông có nghĩ họ nhường không?
Ông Nguyễn Đình Bin: Không. Tôi không nghĩ là họ nhường. Đó không phải là tính cách của họ. Mạnh Hùng tự nhiên đánh hay hẳn lên, phải nói đánh rất cố gắng. Tôi cũng cố gắng. Và có lẽ cũng may mắn nữa.
Sau hơn 4 giờ dạo trên sân golf, tôi và ông Kỳ trao đổi với nhau rất cởi mở, thẳng thắn, cuộc chơi kết thúc với kết quả rất đẹp. Bà Đặng Tuyết Mai cười sung sướng: “Anh Bin ơi, thế là huề, hay chưa?”
Tôi nói: “Quá hay! Chơi với anh chị lần đầu tiên, mà hòa thế này, là một kỷ niệm rất đẹp. Tôi sẽ nhớ mãi. Tôi rất vui! Xin chân thành cảm ơn anh, chị. Bây giờ, xin mời anh chị dành chút thời gian dùng cơm trưa cùng chúng tôi, ở quán bình dân thôi. Anh chị mới biết tôi với anh Hùng. Đoàn của tôi còn đông lắm. Và chúng ta tiếp tục nói chuyện.”
Hai ông bà tươi cười, nhận lời luôn.
Pv: Trong bữa ăn, ông nói chuyện gì với ông Nguyễn Cao Kỳ?
Ông Nguyễn Đình Bin: Rôm rả lắm. Mọi người cùng tham gia vào câu chuyện. Nói đủ thứ chuyện, rất tự nhiên, như người nhà.
Và cuối bữa ăn, tôi đứng lên, nói cảm tưởng của tôi về cuộc trao đổi buổi sáng với ông Nguyễn Cao Kỳ. Rồi tôi trân trọng nói: “Với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tôi chính thức mời anh chị về thăm quê hương đất nước”.
Ông Nguyễn Cao Kỳ tỏ vẻ ngỡ ngàng. Nhưng chỉ thoáng thôi, ông đã bày tỏ sự xúc động và nghẹn ngào nói lời cảm ơn.
Lúc tiễn nhau ra về, đi riêng với hai ông bà, tôi nói: “Tôi đảm bảo với anh chị, anh chị về sẽ an toàn tuyệt đối, thoải mái, được hoạt động theo ý muốn của anh chị. Anh về quê đi. Trăm nghe không bằng một thấy. Anh sẽ rất ngạc nhiên. Tôi không cần nói gì thêm. Những gì còn tồn tại cũng sẽ tự phơi bầy trước anh chị, anh chị sẽ thấy hết. Nhưng đất nước mình đang tiến lên, đổi thay hàng ngày”.
Trong cuộc gặp, ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đã bày tỏ nguyện vọng muốn được Nhà nước cho phép đưa một đoàn doanh nhân về làm ăn, hợp tác với đất nước như một cử chỉ hòa giải. Lúc tiễn, ông nhắc lại và nhấn mạnh hơn: “Tôi sẽ đưa đoàn doanh nghiệp về, bởi tôi có thân quen các doanh nghiệp ở đây. Về Việt Nam họ sẽ đầu tư, theo nguyên tắc là hai bên cùng có lợi.”
Tôi nói: “Hoan nghênh quá!”
Thế rồi chúng tôi chia tay.
Khi họp đoàn đánh giá hoạt động hôm đó, tôi đã nói đùa “Cứ theo những gì ông Kỳ thể hiện hôm nay, thì xét riêng về mặt tư tưởng, có thể kết nạp ông ấy vào Đảng được đấy!”
Pv: Sau đó, ông còn làm những việc gì nữa?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đoàn chúng tôi đi thăm vào tháng 6. Về nhà, chúng tôi khẩn trương làm báo cáo kết quả chuyến đi rất tường tận lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Tôi tin là sẽ thêm một căn cứ mạnh mẽ để thúc đẩy cái đề án mà chúng tôi kiên trì đeo đuổi đã hơn 3 năm.
Pv: Sau đó, khi ông Nguyễn Cao Kỳ về nước, ông có dịp gặp lại không?
Ông Nguyễn Đình Bin: Rất tiếc, lúc đó tôi đang là Đại sứ ở Pháp rồi. Nhưng đọc báo, thấy ông Nguyễn Cao Kỳ rất vui khi về quê hương, tôi rất vui, vì thấy đề xuất, một điều tâm huyết và cố gắng bao năm của mình để thực hiện đã có kết quả cụ thể. Việc một cựu Phó Tổng thống, một tướng nổi tiếng, dày dạn trong chiến tranh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở về thăm đất nước, có những đánh giá khách quan, sẽ tác động rất mạnh mẽ tới cộng đồng ta ở nước ngoài, nhất là tới các cựu tướng lĩnh, sĩ quan, nhân vật lớn, những người còn mang nặng mặc cảm, thù hận.
Pv: Dịp Tết năm 2005, trong chuyến về nước lần thứ hai của ông Nguyễn Cao Kỳ, các báo đều đua nhau phỏng vấn ông ấy. Nội dung nói chung là tương đối tốt. Nhưng có một tờ báo đã nhắc đến chuyện ông ấy đánh giá về các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa với thái độ không đề cao. Và điều đó khiến dư luận kiều bào bức xúc. Ông có cảm thấy mục đích ông mời ông Nguyễn Cao Kỳ về nước với vai trò là cầu nối trong tiến trình hòa giải dân tộc đã không đạt được như ý muốn?
Ông Nguyễn Đình Bin: Trước khi anh đến phỏng vấn, tôi đã đọc bài viết của anh trên facebook. Đúng là ông ấy phản ứng rất nhanh, theo kiểu xử lý khủng hoảng truyền thông. Đáng tiếc nhiều sĩ quan, tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn cũ đã không lắng nghe ông ấy nữa, mặc dù đối với bà con Việt Kiều nói chung, việc ông Nguyễn Cao Kỳ về thăm quê hương và dẫn các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam vẫn là một biểu tượng hay về hòa giải và góp phần xây dựng đất nước.
Sự việc trên đã gây ra một chuyện lớn trong quan hệ với kiều bào, tác động không hay đến một chủ trương lớn của đất nước. Đúng là từ sau đó, vai trò cầu nối về hòa giải dân tộc của ông Nguyễn Cao Kỳ đã không còn được như trước, như tôi kỳ vọng nữa.
Pv: Trong chuyện dẫn các nhà đầu tư Mỹ về Tuần Châu, họ đã ký được với ông Đào Hồng Tuyển một bản ghi nhớ về hợp tác xây sân golf 36 lỗ ở Tuần Châu, cùng với các dự án bất động sản khác ở Nha Trang. Nhưng cuối cùng, các dự án đó đều không thực hiện được.
Có người nói do ông Nguyễn Cao Kỳ nói họ là tỷ phú, nhưng không phải. Tôi đã ăn cơm, nói chuyện với họ trong cả tuần ở Tuần Châu, và dõi theo câu chuyện họ nói với gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ bằng tiếng Anh, tôi thấy tin họ là những nhà chuyên môn xây sân golf, hay bất động sản đi kèm sân golf, rất tử tế, và đằng sau họ là các nhóm đầu tư tài chính.
Hay có người lại nói là do mối quan hệ lằng nhằng giữa ông Đào Hồng Tuyển và cổ đông cũ nên các dự án hợp tác thất bại. Hay sự cạnh tranh của phía bên bờ đối diện với đảo Tuần Châu.
Ông có nghe thông tin chính xác gì không?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi không có thông tin gì cụ thể. Nhưng, tôi nghĩ với một mô hình hợp tác mà chúng ta coi là hình mẫu cho hòa giải dân tộc, có lẽ phải dồn hết sức lực vào cho nó thành công. Để sau đó kiều bào sẽ noi gương mà về nước đầu tư. Rất tiếc, điều đó đã không thực hiện được. Chúng ta đã thiếu một nhạc trưởng trong chuyện này.
Pv: Ông Nguyễn Cao Kỳ từng nói là ước mơ có ba trang trại ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, để có thể vui thú những năm tuổi già. Những người xét đoán lại cho rằng ông ấy không vì hòa giải dân tộc, mà lấy đó làm cơ hội thu lợi. Ông nghĩ sao về luồng ý kiến đó?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi nghĩ làm ăn là phải sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Ông ấy là nhà môi giới tất nhiên cũng phải có lợi chứ. Quy luật làm ăn kinh tế thị trường của cả thế giới mà. Điều đó là chính đáng. Và ông Kỳ đã rất thành thực. Ước mơ ấy tôi nghĩ cũng nói lên một tình cảm sâu nặng, tự nhiên của mọi con dân Việt đang sống ở hải ngoại luôn gắn bó với cội nguồn, quê hương, đất nước. Vậy, có thể hiểu và đồng cảm được chứ?
Nếu ông Nguyễn Cao Kỳ thành công trong vai trò môi giới, thì ông ấy đã góp phần làm cầu nối trong chuyện hòa giải dân tộc, kéo kiều bào về nước đầu tư, làm ăn, có lợi cho đất nước, hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này khác hẳn với những người, miệng nói đạo đức, nhưng làm gì cũng chỉ nghĩ đến tư túi. Anh biết quá còn gì.
Pv: Ngạn ngữ phương Tây nói rằng mỗi người đều hành động trước hết vì sự ham muốn của chính mình, nhưng nếu nó mang lại lợi ích cho cho số đông trong xã hội, thì người ta coi là đạo đức. Có phải ý ông như vậy?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi xuất thân từ nông dân nên không nói văn hoa được như vậy.
Pv: Tôi có quen một Việt Kiều, tên là Sony Hà, tại Hội Liên lạc với người Việt ở nước ngoài. Ông nói: “Người Mỹ sở dĩ thích ông Nguyễn Cao Kỳ vì ông ấy luôn nói thật những suy nghĩ của ông ấy tại thời điểm ấy. Mặc dù, nó có thể mâu thuẫn với những gì ông ta nói ở giai đoạn khác.” Điều này làm cho nhiều trí thức Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước, không thích ông. Tiếp xúc với ông Nguyễn Cao Kỳ, ông có thấy phần nào điều đó không?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi nghĩ ông Nguyễn Cao Kỳ là một người thẳng thắn, bộc trực.
Pv:Xin cám ơn ông. Chúc ông một kỳ nghỉ lễ thống nhất vui vẻ, và nghĩ về ngày đại hòa giải dân tộc.