Chuyên gia Việt Nam lên tiếng về quan điểm để COVID-19 lan truyền nhằm tạo miễn dịch cộng đồng

VietTimes – Về quan điểm để virus lan truyền sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, PGS.TS. Đào Minh An - giảng viên Bộ môn Dịch tễ, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng có nhiều vấn đề phải cân nhắc khi áp dụng vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam.

Thông tin này được trao đổi với các thành viên mà đa số là sinh viên ĐH Y Hà Nội tham gia đội ứng phó nhanh chống dịch SARS-CoV-2, trong buổi tập huấn vừa diễn ra ngày 13/3.

Hiện nay ở một số quốc gia châu Âu như Anh, Đức, người ta có quan điểm là để dịch bệnh lan tỏa tự nhiên trong cộng đồng, từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng hay miễn dịch bầy đàn (herd immunity)

PGS. Đào Minh An đặt vấn đề, khi có bệnh dịch, có tác nhân gây bệnh xảy ra trong cộng đồng thì sẽ có những người mắc và những người đó sẽ có miễn dịch. Trong tình huống này, miễn dịch cộng đồng được hiểu nôm na là một số người tiêm vaccine để tạo miễn dịch cho cộng đồng nhưng không nhất thiết phải tiêm hết cho từng cá thể trong cộng đồng đó.

“Một số bệnh dịch chỉ cần có 80% số người trong cộng đồng tiêm vaccine thì số đã tiêm đó có miễn dịch và họ như một lá chắn bảo vệ 20% số người còn lại. Đó là khái niệm miễn dịch cộng đồng”, bà An nói.

PGS. TS. Đào Minh An phân tích, về trường hợp cụ thể của dịch COVID-19, nếu muốn tạo miễn dịch cộng đồng bằng việc để cho virus lan truyền trong cộng đồng thì có 3 vấn đề:

Thứ nhất, mặc dù tỷ lệ tử vong vì COVID-19 hiện nay được xác định là khoảng 2% nhưng cũng phải tính đến nguy cơ số người bị tử vong cao khi dịch lan rộng. Từ đó, bà đặt vấn đề về con số đối mặt với nguy cơ tử vong mà cộng đồng ấy có thể chấp nhận được.

Thứ hai, vấn đề về quyền con người. Nếu xác định bệnh nhân dương tính thì bệnh nhân đó phải được điều trị. Điều này liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực y tế và khả năng đáp ứng về y tế của quốc gia: Cho phép bao nhiêu người nhiễm; khả năng đáp ứng được đến đâu về cơ sở y tế, về nhân lực y tế.

Kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: C.U
Kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: C.U

Lấy dẫn chứng Trung Quốc từng có giai đoạn khó khăn về nhân viên y tế và cơ sở y tế để điều trị. Thậm chí điều này từng có thời điểm làm suy yếu hệ thống phòng chống dịch, PGS.TS. Đào Minh An cho rằng, câu chuyện miễn dịch cộng đồng bằng cách để cho lây nhiễm rộng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, trong đó có cả năng lực quốc gia, bởi cần cân nhắc nếu dịch lan rất rộng thì có thể kiểm soát được các trường hợp mắc để cứu chữa, điều trị không.

“Chấp nhận nguy cơ tử vong đến mức nào, mặc dù nó thấp, nhưng cũng chỉ có thể chấp nhận nó ở ngưỡng nhất định nào đó. Cũng như tiêm vaccine, mặc dù có tỷ lệ bị biến chứng rất thấp nhưng bố mẹ cho con đi tiêm vaccine vẫn hết sức lo lắng rủi ro mình có thể rơi vào phần rất nhỏ đó”, bà An nói.

Thứ ba, phụ thuộc vào nguồn lực quốc gia. Theo bà An, cần cân nhắc quốc gia có đủ mạnh để khi dịch lan tràn vẫn có thể kiểm soát được dịch bệnh không hay đối mặt với nguy cơ tê liệt.

PGS.TS. Đào Minh An trao đổi về quan điểm để virus lan truyền nhằm tạo miễn dịch cộng đồng

Nói về virus cúm, PGS.TS. Đào Minh An cho biết, hiện không có cái gọi là “miễn dịch vĩnh viễn”. Một số các bệnh thông thường trong chương trình tiêm chủng, chúng ta chỉ tiêm 1 lần hoặc 1 số mũi nhắc lại có hiệu quả vĩnh viễn. Riêng với cúm, sở dĩ hàng năm phải tiêm nhắc là vì nó đã biến chủng rất nhiều. Mỗi năm, tổ chức Y tế thế giới lại phải lấy lại mẫu của virus cúm để làm vaccine mà chúng ta tiêm phòng lại.

“Virus SARS-CoV-2 này là một chủng mới, hiện chưa có nhiều thông tin để biết rằng một trường hợp nhiễm virus thì miễn dịch kéo dài được bao lâu. Và đó cũng là câu chuyện phải đặt lên bàn để cân nhắc có nên để nhiễm rộng trong cộng đồng”, PGS.TS. Đào Minh An nói thêm.