Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thực phẩm các nước ASEAN lần thứ 15 (AFC 2017) được tổ chức tại Việt Nam. Và nhằm tại điều kiện để các nhà khoa học, các chuyên gia, các trường ĐH và cơ quan quản lý trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất, cũng như các kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hội thảo góp phần khuyến cáo và đưa ra các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố, chủ động trong chọn mua thực phẩm, cũng như điều kiện chế biến, giúp cải thiện chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Cũng như gióng hồi chuông cảnh báo đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm trong trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến cơ sở khoa học của nguyên tắc an toàn thực phẩm; Quản lý rủi ro trong truyền thông về thực phẩm; Nông sản thực phẩm an toàn; Khả năng phát hiện độc chất trong thực phẩm. Trong đó, tập trung các nội dung phân biệt nông sản và thực phẩm an toàn và nhận biết các độc tố, độc chất không an toàn thực phẩm bằng cảm quan; các công nghệ mới trong ủ chín trái cây bằng phương pháp nhân tạo, các công cụ quản lý và ngăn ngừa rủi ro trong truyền thông về thực phẩm,… Đồng thời khuyến cáo các cơ quan quản lý VSATTP cần gấp rút đầu tư và đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như GC/MS, GS/MS/MS, LC/MS/MS, ICP-OES, ICP/MS… để phát hiện những sản phẩm thực phẩm không an toàn, từ đó loại bỏ ngay những nhà sản xuất thực phẩm bẩn ra khỏi mạng lưới thực phẩm.
Phát biểu đề dẫn, GS.TSKH Lưu Duẫn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học công nghệ thực phẩm Việt Nam cho biết, Hội thảo không chỉ là cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công nghệ thực phẩm giữa các chuyên gia thế giới với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam mà còn là sự họp tác, liên kết giữa "các nhà" nhằm giải quyết các vấn đề về ATTP tại Việt Nam. Qua đó tăng cường các biện pháp cho vấn đề VSATTP từ khâu sản xuất đến chế biến và sử dụng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nông sản cũng như chế biến. Trong đó, các vấn đề về lúa gạo Việt Nam và sản phẩm từ gạo là những nội dung sẽ được chia sẻ.
Tham luận tại Hội thảo, Giáo sư Viện sĩ viện Hàn lâm IUFoST (Hoa Kỳ) Daryl Bert Lund cho rằng: "Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm dinh dưỡng, kéo dài thời gian bảo quản, quá trình chế biến thực phẩm cũng làm tăng bệnh tật nếu chế biến không đảm bảo. Chính vì vậy, vấn đề sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo VSATTP là cần thiết. Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều phương pháp sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm đảm bảo ATTP từ hiện đại đến truyền thống. Nên để cộng đồng được sử dụng thực phẩm an toàn, trách nhiệm không chỉ của các nhà khoa học, giới quản lý mà của tất cả mọi người".
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao,… Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn” (thực phẩm có sử dụng chất kích thích, chất tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng).
"Nên việc các nhà khoa học, các nhà quản lý và các trường đại học cùng cộng đồng chia sẻ, chung tay xây dựng chuỗi thực phẩm sạch là cấp thiết", GS.TSKH Lê Văn Hoàng, Ủy viên Hội khoa học công nghệ thực phẩm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, ĐH Đông Á nhấn mạnh.