Mặc dù các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc sẽ mất 1 hoặc 2 thập kỷ để bắt kịp công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể phát triển thành công ngành công nghiệp chip sẽ gây tổn thất cho các công ty Mỹ đang hoạt động trong lĩnh vực này như Intel, Qualcomm v.v.
Hồi tháng 5, Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Huawei đã bị đưa vào bản danh sách đen hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Lần lược các đối tác quan trọng tại Mỹ, cung cấp linh kiện và phần mềm như Intel, Google, Microsoft v.v. đã tuyên bố cắt đứt thỏa thuận hợp tác với Huawei. Hiện tại, Washington đã cấp giấy phép miễn trừ tạm thời lệnh cấm trong 90 ngày nhưng lệnh cấm vẫn cho thấy mối đe dọa lâu dài đối với Huawei, cũng như các công ty công nghệ Trung Quốc.
Thực tế, các công ty khác của Trung Quốc, bao gồm nhà cung cấp thiết bị giám sát HikVision cũng đang bị chính phủ Mỹ đưa vào tầm ngắm. Năm ngoái, ZTE cũng lao đao thị trường thiết bị viễn thông vì rơi vào tình cảnh tương tự.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã không giấu diếm tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn riêng, nhưng bất ổn gần đây từ cuộc chiến tranh thương mại mới là động lực thôi thúc quốc gia tỷ dân ưu tiên cho mục tiêu đó. “Sự cố của Huawei thực sự đã kích thích chính sách phát triển của ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc”, nhà phân tích Gu Wenjun (ICWise) nhận định.
Động lực của Trung Quốc từ sự cố Huawei
Trong kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh nhấn mạnh công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn là mục tiêu hàng đầu. Đây là sáng kiến của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Trung Quốc kỳ vọng sẽ sản xuất 40% linh kiện bán dẫn sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, đồng thời rót vốn hàng chục tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp chip. Tháng trước, Bắc Kinh cũng tuyên bố giảm thuế cho các công ty bán dẫn và nhà phát triển phần mềm nội địa.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, hiện có khoảng 16% linh kiện bán dẫn sử dụng tại Trung Quốc được sản xuất trong nước và chỉ 50% con số đó là sản phẩm của các công ty Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài mà phần lớn là từ Mỹ.
Ảnh minh họa: SCMP
|
Với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, các công ty công nghệ Trung Quốc đã thực sự bắt tay vào hành động. Huawei đã sở hữu dòng vi xử lý “Kirin” riêng dành cho smartphone và modem 5G Balong giúp thiết bị kết nối với mạng viễn thông siêu tốc. Các sản phẩm chip của Huawei do công ty con HiSilicon thiết kế. Lãnh đạo Huawei cho biết công ty đã chuẩn bị điều này để vượt qua “cơn bão” cấm vận của Mỹ.
Ngoài Huawei, các ông lớn khác trong ngành công nghệ Trung Quốc đều tập trung nghiên cứu và phát triển linh kiện bán dẫn riêng. Năm ngoái, nhà sản xuất smartphone Xiaomi đã phát biểu trên CNBC rằng công ty đang phát triển 1 loại chip hỗ trợ cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, Alibaba cũng được cho là đang làm việc trên bộ vi xử lý AI.
Tuy nhiên, thiết kế kiến trúc là thách thức đầu tiên để ngành Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng sản xuất chip. Ví dụ chip Kirin cho Huawei do công ty sản xuất linh kiện bán dẫn lớn nhất Trung Quốc HiSilicon thiết kế, sau đó được sản xuất bởi một công ty khác ở Đài Loan.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu tăng cường sản xuất linh kiện bán dẫn trong thời gian gần đây. Phó Chủ tịch Công nghệ và linh kiện bán dẫn của IDC, ông Mario Morales nhận định: “Căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư phát triển công nghệ, bao gồm cả phần cứng và phần mềm trong 5 năm tới”.
Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ dần cảm nhận sức nóng
Theo nhà phân tích Gu Wenjun (ICWise), sự phát triển của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ. Ông Gu cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo ra hệ sinh thái bán dẫn riêng, trong đó các công ty Mỹ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ.
“Hiện tại, hệ thống công nghiệp toàn cầu bị chi phối bởi các công nghệ của Mỹ”, ông Gu nói. “Tuy nhiên, sự hình thành một hệ sinh thái song song, nơi công nghệ Mỹ không chiếm ưu thế, sẽ gây nhiều bất lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp Mỹ”.
“Việc Mỹ ngăn chặn hoạt động của ngành công nghiệp Trung Quốc trong một thời gian dài sẽ truyền cảm hứng cho Bắc Kinh tạo ra hệ sinh thái khác”, ông Gu nói thêm.
Trang CNBC ghi nhận đã có một số công ty Mỹ báo cáo về hậu quả khó lường gây ra bởi quyết định đưa Huawei vào danh sách đen của Washington. Trong báo cáo tài chính công bố vào tháng 3/2019, nhà sản xuất thiết bị vô tuyến Qorvo tiết lộ doanh thu đạt được từ các thỏa thuận với Huawei và chi nhánh của Huawei khoảng 469 triệu USD, tương đương 15% tổng doanh thu của công ty năm 2018. Qorvo đã hạ triển vọng doanh thu năm 2019, trích dẫn lại lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei.
Bên cạnh đó, nhà cung cấp khác của Huawei là Lumentum cho biết nguồn thu từ sản phẩm bán cho công ty Trung Quốc chiếm 18% tổng doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2019. Trước sự cố gần đây của Huawei, Lumentum đã điều chỉnh lại doanh thu dự báo trong quý tiếp theo.
Trung Quốc cần thời gian để bắt kịp công nghệ Mỹ
Một trong những khó khăn lớn nhất của Trung Quốc là tìm kiếm và phát triển mạng lưới các nhà cung cấp bên ngoài nước Mỹ. Đối với Huawei, công ty con HiSilicon cơ bản dựa trên thiết kế chip của ARM, thuộc tập đoàn Softbank. Mặc dù HiSilicon có thể tự sản xuất bộ vi xử lý cho các thiết bị Huawei nhưng vẫn cần tới kiến trúc của công ty Anh.
Gần đây, ARM đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh với Huawei, động thái tuân thủ theo lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, Huawei đang quay cuồng tìm giải pháp thay thế ARM, công ty thiết kế kiến trúc vi xử lý cho hầu hết thiết bị di động trên toàn cầu.
Ảnh minh họa: FT
|
Chỉ còn Synopsys và Cadence là tên tuổi lớn tiếp theo trong lĩnh vực thiết kế chip, nhưng Huawei không thể tiếp cận cả 2 công ty Mỹ này bởi bản danh sách đen thương mại. Chuyên gia Gu Wenjun cho rằng, với tất cả những khó khăn trên, Trung Quốc cần “1 hoặc 2 thập kỷ” để thu hẹp khoảng cách với công nghệ bán dẫn của Mỹ.
Các nhà phân tích khác dự đoán rằng chính sách kích thích đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào sẽ là chìa khóa giúp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc phát triển. “Điều này không hề dễ dàng, phát triển [ngành công nghiệp chip] sẽ là một hành trình dài nhưng tôi không đánh giá thấp Trung Quốc, với tiềm năng thúc đẩy sự đổi mới và quy mô trong khu vực”, ông Mario Morales (IDC) nói.
Giám đốc nghiên cứu Counterpoint Research, Neil Shah nhận định: “Nếu Trung Quốc sở hữu nhân sự tài năng, các công ty và đối tác phù hợp, thì họ vẫn cần thời gian khoảng 1 thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, mà không tiếp cận với công nghệ Mỹ”.
Theo CNBC