"Thầy đồng" Ming-Chi Kuo: Uy tín thương hiệu là tài sản vô giá Huawei để mất sau lệnh cấm

VietTimes – Đã 2 tuần kể từ khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, nhiều nhà cung cấp đã ngừng thỏa thuận hợp tác, gây ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động kinh doanh của Huawei.
Ảnh minh họa: Nikkei Asia Review
Ảnh minh họa: Nikkei Asia Review

Dựa trên nhiều cuộc thảo luận với các nhà đầu tư, “thầy đồng” Ming-Chi Kuo (TF International Sercurities), người nổi tiếng với nguồn tin độc và chính xác về các sản phẩm chưa ra mắt của Apple và Samsung, đã công bố kịch bản dự đoán trên thị trường smartphone cuối năm 2019.

Bản báo cáo nhấn mạnh rắc rối của Huawei là cơ hội để Samsung bứt phá. Theo ước tính của nhà phân tích TF International Sercurities, số lượng smartphone xuất xưởng của công ty Hàn Quốc có thể tăng từ 290 triệu lên 300-320 triệu máy. Ông Kuo lập luận rằng trước đây Huawei chiếm 40-45% tổng sản lượng smartphone tại Trung Quốc, nhưng con số này đã giảm đáng kể chỉ trong 2 tuần qua.

Đồng thời, ông Kuo cũng hy vọng rằng biểu tượng công nghệ Mỹ, Apple có thể tận dụng lợi thế tại thị trường bên ngoài Đại lục để gia tăng thị phần, bù đắp cho "làn sóng" tẩy chay tại hàng Mỹ tại Trung Quốc. Ông tin tưởng rằng sản lượng iPhone trong năm 2019 sẽ quay trở lại mốc 200 triệu máy.

Ông Kuo dự đoán vào nửa cuối năm 2019, số lượng smartphone Huawei xuất xưởng sẽ giảm dần 8-10 triệu máy qua từng tháng, “cho tới khi công ty Trung Quốc  tìm được giải pháp thay thế Android và dịch vụ tin nhắn toàn cầu (Global Message Services)”.

Trong trường hợp Huawei tung ra hệ điều hành mới vào tháng 7, thì doanh số smartphone của công ty Trung Quốc vẫn giảm từ 270 triệu máy theo kế hoạch ban đầu xuống 240-250 triệu máy. Tuy nhiên, nếu Huawei không thể giới thiệu hệ điều hành thay thế Android thì “số lượng smartphone xuất xưởng sẽ giảm xuống còn 180-200 triệu máy vào cuối năm 2019”.

Ông Kuo nhận định thời điểm ra mắt là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bị của hệ điều hành mà Huawei đang phát triển. Ông đề xuất: “[Huawei] nên tạo ra hệ điều hành riêng, mã nguồn mở. Qua đó, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích các công ty lớn tại Đại lục (VD: các nhà cung cấp đường truyền Internet hay nhà sản xuất điện thoại Android khác) hợp tác để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng”.

CEO điện tử tiêu dùng Huawei, Richard Yu giới thiệu Mate 10 tại CES 2018. Ảnh: CBC
CEO điện tử tiêu dùng Huawei, Richard Yu giới thiệu Mate 10 tại CES 2018. Ảnh: CBC

Mất mát lớn nhất của Huawei, theo “thầy đồng” Ming-Chi Kuo, là “uy tín thương hiệu” do công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt tình trạng bất ổn về nguồn cung trong thời gian dài. “Chúng tôi cho rằng tác động nặng nề nhất đối là người dùng mất dần niềm tin vào thương hiệu Huawei, nếu công ty không thể xuất xưởng lượng hàng ổn định trong bối cảnh chịu lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ”, ông Kuo nói. “Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ khác biệt sẽ gây rắc rối cho các nhà cung cấp linh kiện (VD: các thành phần tùy chỉnh)”.

Ông Kuo cho rằng để giành lấy lòng tin của người dùng là nhiệm vụ khó khăn đối với nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. “Ngay cả khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khấu thì khách hàng vẫn khó lòng quay lại và mua các sản phẩm Huawei”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, lệnh hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ gây ra tác động dài hạn tới lĩnh vực kinh doanh khác của Huawei như công nghệ 5G hay nhiếp ảnh di động. Điều này sẽ thôi thúc Trung Quốc đẩy nhanh sự phát triển của chuỗi cung ứng trong nước ngay cả khi lệnh cấm được gỡ bỏ và Huawei đã vượt qua khó khăn.

Theo 9to5Google