Chuyển đổi số báo chí, dữ liệu là ‘sống còn’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ‘sắc’ trong từ “bút sắc” bây giờ phải cao hơn một mức, đó là dữ liệu. Đó mới là cái 'sắc' trong số hóa.

Sáng nay (24/12), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hải
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hải

Các báo cáo thống nhất, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tình trạng các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành. Thực hiện quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo chí thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo chí thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo) thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%). Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.

Đối với khối phát thanh, truyền hình đã hoàn thành việc sắp xếp.

Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; truyền thông công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, trong đó, một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, có dấu hiệu gia tăng…

Tham luận tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ, là đơn vị có nhiều loại hình báo chí, gồm báo in, báo điện tử, truyền hình và mỗi loại hình lại có nhiều ấn phẩm, Báo Nhân Dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và cách tổ chức tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên nguyên tắc giữ vững định hướng của Báo Đảng. Phương châm là tuyên truyền đúng, trúng, hấp dẫn, đưa thông tin đến bạn đọc nhanh, chính xác, trung thực, đa chiều và khách quan.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh. Ảnh: Phạm Hải
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh. Ảnh: Phạm Hải

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt vấn đề làm thế nào để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp. Theo ông, muốn trở thành cầu nối thì chúng ta phải xây cầu, tức là xây các kênh phân phối. Và các nền tảng số mà các cơ quan báo chí sở hữu hoặc vận hành chính là những cây cầu đó.

Bà Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề cập định hướng phát triển báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số theo hướng tăng cường và nâng cao chất lượng các sản phẩm số của các cơ quan báo chí, chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh tế báo chí, phân phối thông tin trên không gian mạng; phân tích nhiều hơn, sâu hơn thông tin, dữ liệu nhằm tạo ra nhiều giá trị cho độc giả…

Minh bạch thông tin một cách nhanh nhất

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Nói về việc sắp xếp quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, ta đã làm được một bước, thực chất bên trong là một quá trình, không thể nóng vội. Mục đích quy hoạch để báo chí phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng nhất là việc ra các chính sách quản lý, sau khi bàn rồi thì làm cho nghiêm, thực chất, cái gì không phù hợp thì kiến nghị bổ sung điều chỉnh, tránh tình trạng văn bản như vậy nhưng thực tế lại không phải vậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Phạm Hải
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Phạm Hải

Phó Thủ tướng đề nghị phải có tổng kết đánh giá, mục đích cuối cùng là để báo chí phát triển, tránh chạy theo thị trường quá mức làm lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, muốn báo chí tự chủ được thì phải tăng cường giao nhiệm vụ đặt hàng.

Để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhận định, khi đã cọ xát thì sẽ có vấn đề khác nhau, thậm chí có sự cố, điều duy nhất là minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể, muốn vậy không phải đợi báo chí tiếp cận mà các cơ quan cần phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Nói về chuyển đổi số trong báo chí, ông Vũ Đức Đam cho rằng, có một điều rất quan trọng đó là “dữ liệu là sống còn”, không chỉ cơ sở dữ liệu của mình mà còn là năng lực xử lý dữ liệu, không chỉ dữ liệu ngành quản lý mà của tất cả các bộ ngành khác.

“Bút sắc, thì ‘sắc’ bây giờ phải cao hơn một mức, mà là nói có sách mách có chứng, phải bằng dữ liệu. Đấy mới là cái 'sắc' trong số hóa.

Một phóng viên đi tìm hiểu một vấn đề thì phải có một ekip đằng sau phân tích dữ liệu liên quan thì mới có tác phẩm báo chí trả lời được mong mỏi của công luận”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ TT&TT cần có chương trình hỗ trợ các báo vấn đề này.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, báo chí có vai trò rất lớn với các sự kiện quan trọng của đất nước khi vào cuộc hết sức chủ động, tích cực, mang tính định hướng cao.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Hải
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Hải

Ông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, phải là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân, báo chí phải hướng tới văn hóa, chân thiện mỹ, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, lợi ích quốc gia dân tộc. Kiên quyết khắc phục tình trạng rời xa tôn chỉ mục đích, lợi ích nhóm, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Sứ mệnh của báo chí là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khi người dân muốn thông tin tốt thì báo chí phải làm tốt hơn.

Về tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, phải làm sao nói đúng, trúng, dễ hiểu, hướng dẫn hành động, thống nhất có người phát ngôn, thông tin đơn giản, dễ hiểu.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị làm tốt hơn nữa việc quản lý báo chí. Các cơ quan khi cử phóng viên chuyên ngành theo lĩnh vực là phải am hiểu, chưa am hiểu thì phải đi học…

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.

Theo Vietnamnet