‘Chúng tôi đều sợ Google và Apple’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các nhà sản xuất ứng dụng phụ thuộc vào chợ của Apple, Google bày tỏ sự sợ hãi trước quyền lực của hai gã khổng lồ này với việc kinh doanh của họ.
CEO Google Sundar Pichai (trái) và CEO Apple Tim Cook
CEO Google Sundar Pichai (trái) và CEO Apple Tim Cook

Tiểu ban chống độc quyền Thượng viện Mỹ vừa tổ chức phiên điều trần hôm 21/4. Tại đây, các nhà sản xuất ứng dụng công khai bày tỏ lo lắng trước quyền lực quá lớn của Apple và Google, hai công ty sở hữu chợ App Store và Play Store. Trước Thượng Nghị sỹ Amy Klobuchar - Chủ tịch tiểu ban, Jared Sine - Giám đốc Pháp lý Match Group – cho biết “tất cả chúng tôi đều sợ hãi”.

Phiên điều trần có sự tham gia của đại diện Apple, Google cùng lãnh đạo các hãng như Match Group (sở hữu ứng dụng hẹn hò Tinder), Tile (nhà sản xuất thiết bị giúp tìm đồ vật thất lạc), dịch vụ stream nhạc Spotify.

Hai đảng của Mỹ đang sửa đổi luật chống độc quyền để xử lý tốt hơn quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ trên nhiều thị trường kỹ thuật số. Thông qua phiên điều trần, các nhà phát triển ứng dụng chia sẻ việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi một thay đổi nhỏ trong quy định của chợ. Họ cũng phàn nàn về mức phí cao đối với mua sắm trong ứng dụng và việc thực hành tiêu chuẩn không rõ ràng.

Cáo buộc đe dọa

Một số lãnh đạo tố cáo Apple và Google đe dọa việc làm ăn của họ. Sine cho biết Google đã gọi cho Match Group vào tối 20/4 sau khi lời chứng của ông được công khai để hỏi vì sao ông lại nói khác với kết quả kinh doanh mới nhất. Trước đó, Match Group nói tin rằng đã có cuộc thảo luận hiệu quả về khoản phí 30% thanh toán trong ứng dụng trên Google Play. Tuy nhiên, khi làm chứng, Match Group lại nói Google “giả mạo là nền tảng mở” và than phiền về “độc quyền”.

Đáp lại, Wilson White – Phó Giám đốc cấp cao về Quan hệ chính phủ và chính sách công Google – trả lời dường như nhân viên của bộ phận phát triển kinh doanh công ty đã gọi để hỏi “câu hỏi trung thực”. White không xem đó là lời đe dạo và khẳng định không bao giờ đe dọa đối tác vì Google cần có các nhà phát triển ứng dụng thì chợ mới thành công.

Thượng Nghị sỹ Klobuchar cho biết bà sẽ xem xét vấn đề sâu hơn.

Giám đốc Pháp lý Spotify Horacio Gutierrez nghĩ được “ít nhất 4 ví dụ rõ ràng về đe dọa và trả đũa” từ Apple sau khi Spotify quyết định lên tiếng về hành vi phản cạnh tranh và mức phí của Apple với nhà phát triển. Một trong các đe dọa là gỡ Spotify khỏi App Store, từ chối quảng bá hoặc phải đợi vài tháng để phê duyệt thay đổi nhỏ.

“Về cơ bản, họ cảnh cáo để bảo đảm chúng tôi khó duy trì quyết định lên tiếng”, ông nói.

Lệ phí và sản phẩm cạnh tranh

Apple vận hành Apple Music cạnh tranh với Spotify.
Apple vận hành Apple Music cạnh tranh với Spotify.

Nhiều nhà phát triển phàn nàn về mức phí Apple, Google tính khi mua sắm trong ứng dụng. Ông Gutierrez chỉ trích Apple “bịt miệng” Spotify khi giao tiếp với người dùng về cách nâng cấp lên bản trả phí.

Chẳng hạn, Spotify cho phép khách hàng nâng cấp bên ngoài App Store để tránh cho họ mức phí hoa hồng 15 tới 30% trên dịch vụ số khi mua sắm qua nền tảng. Song do Spotify không bán dịch vụ trả tiền thông qua ứng dụng iOS, Apple không cho họ nhắc tới nâng cấp đó với khách hàng trong ứng dụng. Thay vào đó, người dùng phải nâng cấp qua trình duyệt web trên PC hoặc phương pháp khác.

Cùng lúc này, Apple vận hành dịch vụ cạnh tranh với Spotify là Apple Music. Apple Music không bị hạn chế như vậy. Đây chính là điểm mà Gutierrez gọi là “lợi thế không công bằng”.

Đại diện từ Apple và Google đều cho rằng mức phí là để trang trải chi phí phân phối ứng dụng trên các nền tảng và bảo mật. Giám đốc Tuân thủ Apple Kyle Andeer so sánh sự tiện lợi trên App Store ngày nay với sự khó khăn và đắt đỏ mà các nhà phát triển phải vượt qua để phân phối ứng dụng trước khi App Store ra đời.

Ngoài khiếu nại về lệ phí, nhà phát triển còn lo ngại những dịch vụ riêng của Apple khuyến khích họ đưa ra quyết định bất lợi. Ví dụ, Luật sư của Tile, Kirsten Daru nói đã xin phép Apple được sử dụng công nghệ ultra-wideband của iPhone để tăng độ chính xác cho công nghệ theo dấu đồ vật thay vì chỉ dùng Bluetooth. Nhưng Apple từ chối và giữ nguyên công nghệ này cho AirTag, sản phẩm vừa được ra mắt.

Dù “táo khuyết” đưa ra giải pháp khác để nhà phát triển bên ngoài xây dựng dữ liệu vị trí chính xác hơn, Daru nói để có thể truy cập, họ phải cung cấp cho Apple quyền kiểm soát chưa từng có đối với việc kinh doanh của mình và hướng dẫn khách hàng dùng Find My để tìm đồ vật thất lạc. Andeer tranh luận AirTag là sản phẩm khác với Tile, vốn đang chiếm phần lớn thị trường.

Tiêu chuẩn không rõ ràng

Các nhà phát triển cho rằng Apple thi hành quy định chợ ứng dụng dường như tùy tiện và trì hoãn một số tính năng quan trọng. Apple có thể chỉ nói nhà phát triển đã vi phạm quy định nhưng không nêu rõ phải làm gì để sửa đổi.

Tinder từng cố đệ trình phiên bản ứng dụng với tính năng bảo vệ người dùng LGBTQ+ bằng cách thông báo cho họ khi tới một quốc gia có thể nguy hiểm khi công khai giới tính. Phải mất 2 tháng để các giám đốc của Match Group và Apple giải quyết được vấn đề này.

Cuộc trao đổi giữa thành viên của Tiểu ban Mike Lee, R-Utah và Andeer cho thấy quy định App Store phức tạp tới đâu. Lee yêu cầu Andeer làm rõ sự khác biệt khi dịch vụ trả phí qua Tinder có thể phát sinh hoa hồng trong khi Uber thì không. Andeer giải thích khách hàng Uber đang trả cho một dịch vụ không phải kỹ thuật số - đó là xe hơi đến đón họ - còn Tinder không như vậy.

Những nhà phát triển nhấn mạnh sự phụ thuộc của họ vào các chợ vì khả năng tiếp cận với khách hàng chưa từng có. Song nó không phải quan hệ cộng sinh như Apple và Google muốn vẽ ra.

“Chúng tôi thành công không phải vì những gì Apple đã làm. Chúng tôi thành công bất chấp sự can thiệp của Apple. Chúng tôi sẽ thành công hơn nữa nếu không có các hành vi phản cạnh tranh của họ”, Gutierrez khẳng định.

Theo Vietnamnet