Chững lại tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp

Phải bán hết vốn nhà nước tại hơn 300 doanh nghiệp trong năm nay, lãnh đạo SCIC đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị phổ biến về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức.
Chững lại tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp

Tốc độ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn trong năm 2014 - theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng - thông qua Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) khá “ấm áp”. Cụ thể, đã thoái vốn và đấu giá thành công trên 11.400 tỉ đồng, gấp 8 lần so với năm 2013 và gấp 3 lần của cả 3 năm trước đó. Đặc biệt, trong cả giai đoạn 2011 - 2014 tất cả các công ty được niêm yết tăng tổng tài sản bình quân mỗi năm 13%, chủ sở hữu 12%, lợi nhuận 10%. “Rõ ràng khi được CPH và niêm yết trên sàn, các doanh nghiệp (DN) đã hoạt động hiệu quả hơn”, ông Bằng khẳng định.

“Số lượng còn quá lớn”

Tuy nhiên, ông Bằng cũng thừa nhận rằng trong quý 1/2015, tốc độ này đã chững lại do dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị hạn chế, tỷ giá biến động tác động mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Quy mô, số lượng DN được CPH và lên sàn ít ỏi thể hiện rõ nhất ở các “đầu tàu” doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo kế hoạch đến cuối năm 2015 cả nước phải CPH xong 432 DN, cho đến giờ vẫn còn 289 DN chưa CPH. Ông Hoàng Văn Phu, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết đến hết quý 1/2015 mới có 29 DN được phê duyệt phương án CPH, số còn lại mới thành lập được Ban chỉ đạo và xác định giá trị DN. “Số lượng còn quá lớn, trong khi phần lớn các DN đều là công ty mẹ các tập đoàn và mô hình công ty mẹ - công ty con, do đó việc CPH sẽ phức tạp và không dễ dàng”, ông Phu lo ngại.

Nắm trong tay hàng nghìn DNNN, Tổng công ty (TCT) đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có nhiệm vụ phải bán hết phần vốn nhà nước tại hơn 300 DN trong năm nay. Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC, cho biết trong 3 tháng đầu năm 2015 mới bán được 22 DN. “Từ nay đến cuối năm, mỗi ngày bình quân chúng tôi phải bán 1 DN là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn”, ông Học nói.

Nút thắt lớn, theo ông Học, là SCIC vẫn chưa được chủ động để thoái, bán vốn. Mặc dù quyết định của Thủ tướng cho phép SCIC được bán CP tại các DN kinh doanh thua lỗ thấp hơn mệnh giá, nhưng nhiều DN làm ăn thua lỗ, khi tổ chức đấu giá CP không thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Không bán nổi vì thua lỗ, mất vốn

Áp lực CPH gấp rút khiến nhiều DNNN lo lắng. Đại diện Ban Đổi mới phát triển DN của TCT cà phê VN cho biết, TCT này có tất cả 6 công ty nằm trong diện phải CPH trong năm 2015. Tuy nhiên, 1 công ty tổ chức đấu giá lần 1 bị ế, không thành công. Còn 2 công ty khác đang rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, mất hết vốn, hiện đang phải ngừng hoạt động nên cũng không biết xác định giá bán để thoái vốn như thế nào. Vẫn theo đại diện này, có DN tồn tại 5 - 7 năm trước bị “âm” đến 10 lần so với vốn cổ đông đóng góp, đến nay hoạt động trở lại nhưng vẫn chưa bù đắp nổi. “Nay thoái vốn không đủ bù cho cổ đông, chủ sở hữu nên cũng không biết nên để DN hoạt động tiếp, khi nào làm ăn có lãi trả lại cho cổ đông hay phải thoái vốn theo cách nào”, đại diện này băn khoăn.

Tiếp tục phản ánh các khúc mắc, theo ông Hoàng Nguyên Học, hiện quy định của Thủ tướng yêu cầu SCIC mua lại CP của các DN hoặc mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để mua lại là sau khi DN bán đấu giá không được, bán thỏa thuận không xong. Thứ hai, chỉ mua lại khi Ngân hàng Nhà nước không xử lý được, không nhận về và không bán chỉ định được cho ngân hàng thương mại nào. “Thủ tướng yêu cầu xem xét mua theo tinh thần đầu tư kinh doanh vốn phải có hiệu quả, có lãi. Nhưng SCIC phải mua sau khi nhà đầu tư khác không mua, đây là vướng mắc lớn gây khó khăn khi CPH”, ông Học nói.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cũng nhìn nhận năm nay số lượng DN cần thoái vốn nhiều, tính phức tạp cao, nguồn vốn thị trường lại không dồi dào. Tỷ lệ thành công đấu giá CPH năm ngoái khá hiệu quả, nhưng năm nay tỷ lệ này đang đi xuống.

Doanh nghiệp cần chủ động

Để cải thiện tình hình, ngoài việc tháo gỡ cơ chế, theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, bản thân DN cần chủ động hơn khi chuẩn bị CPH, đưa cổ phiếu ra bán đấu giá lần đầu. Ví dụ, hiện nay đa phần DN thường công bố thông tin CPH chậm (theo quy định tối thiểu 20 ngày trước khi đấu giá). Các DN thường chỉ công bố trong vòng có 20 ngày, thời gian công bố quá ngắn như vậy khiến nhà đầu tư không tiếp cận thông tin đầy đủ và không chuẩn bị được nguồn vốn cần thiết.

Bên cạnh đó, các DN nên tập trung đấu giá trên hai Sở GDCK Hà Nội và TP.HCM thay vì đấu giá tại chính DN hay thông qua các công ty chứng khoán. Bởi thực tế cho thấy, những năm qua đấu giá qua Sở GDCK hình ảnh DN được quảng bá rộng rãi và tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều.

Theo Thanh niên