Chứng khoán Việt Nam năm 2022: Thất vọng đến phút cuối, 'câu lạc bộ' vốn hóa tỉ đô còn ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chỉ số VN-Index giảm 32,7% trong năm 2022 – thuộc nhóm các thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh nhất thế giới.

Chứng khoán 2022: Nhìn lại một năm sóng gió
Chứng khoán 2022: Nhìn lại một năm sóng gió

Những nhà đầu tư kỳ vọng vào hoạt động làm đẹp NAV cuối năm sẽ giúp cổ phiếu tăng có thể sẽ thất vọng khi chứng kiến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Áp lực bán tăng vọt cuối phiên khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ, giảm 2,2 điểm (-0,22%), đóng cửa ở mức 1.007,09 điểm. Với kết quả này, VN-Index đã giảm tới 32,7% trong năm 2022, qua đó đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm các thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh nhất thế giới.

2022 là năm đầy biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Chỉ số VN-Index từng có thời điểm lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 1.500 điểm. Song, cũng có thời điểm, nó chìm sâu xuống dưới 900 điểm - mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Đà giảm của chỉ số được lý giải bởi nhiều nguyên nhân từ bên ngoài như ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất hay chính sách Zero-Covid.

Trong nước, thị trường chứng khoán bị tác động tiêu cực từ những sai phạm trên thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 'đóng băng', chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng và tỷ giá leo thang.

Cùng với đà giảm của chỉ số, thanh khoản thị trường cổ phiếu cũng 'kém sắc' với giá trị giao dịch bình quân đạt 20.410 tỉ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm 2021.

Thị trường chứng khoán phái sinh diễn biến sôi động với khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với năm trước.

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,97 triệu tỉ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2021, với 757 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE và HNX, và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

'Câu lạc bộ' vốn hóa tỉ đô: Còn ai?

Diễn biến trồi sụt của TTCK Việt Nam trong năm 2022 đã khiến hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh, vốn hóa thị trường và vốn hóa doanh nghiệp theo đó cũng giảm sâu.

Theo số liệu chốt ngày 30/12/2022, vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt 5,23 triệu tỉ đồng, giảm 33% so với cuối năm 2021, tương đương 61% GDP.

Trong đó, có tổng cộng 40 doanh nghiệp ghi nhận vốn hóa trên 1 tỉ USD (trên 24.780 tỉ đồng – theo tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ngày 30/12 là 24.780 đổi 1 USD), giảm 24 doanh nghiệp so với thời điểm đầu tháng 4/2022.

Tổng giá trị vốn hóa của 40 doanh nghiệp này đạt 3,5 triệu tỉ đồng, tương đương 142 tỉ USD, giảm hơn 100 tỉ USD so với hồi đầu năm và chiếm 67,1% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam.

Trong 'câu lạc bộ' vốn hóa tỉ đô, nhóm ngân hàng vẫn chiếm ưu thế khi có tới 14 đại diện góp mặt, với tổng vốn hóa đạt 1,36 triệu tỉ đồng, tương đương 55 tỉ USD, chiếm 26% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam.

Dẫn đầu là Vietcombank với quy mô vốn hóa đạt 381.914 tỉ đồng, tương đương 15,4 tỉ USD.

Vốn hóa của Vietcombank thậm chí vượt cả tổng vốn hóa 2 ngân hàng còn lại trong nhóm ngân hàng quốc doanh niêm yết là BIDV (202.340,9 tỉ đồng, tương đương 8,17 tỉ USD) và VietinBank (129.755,2 tỉ đồng, tương ứng 5,24 tỉ USD).

Trong khi đó, “bộ đôi” Vingroup Vinhomes xếp ở vị trí thứ 2 và 3 với quy mô vốn hóa lần lượt đạt 208.138,7 tỉ đồng và 204.426,9 tỉ đồng, tương ứng 8,4 tỉ USD và 8,25 tỉ USD.

Ở chiều ngược lại, sau một năm đầy biến động, những cái tên tạm rời "câu lạc bộ vốn hóa tỉ đô" đáng chú ý có thể kể đến MSB, POW, OCB, LPB, DGC, KSF, VND, THD, GEX.

Rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2

Trong năm 2022, nhiều chính sách, quy định về chứng khoán cũng được ban hành, sửa đổi nhằm mục đích giúp thị trường vận hành một cách minh bạch hơn, lành mạnh hơn.

Đầu tiên, vào giữa tháng 5/2022, HOSE và HNX đã bắt đầu công bố trở lại dữ liệu giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán (khối lượng, giá trị giao dịch đối với từng mã chứng khoán), sau khi dừng cung cấp dịch vụ này từ đầu tháng 3/2022.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đưa ra quy định về việc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch phải có văn bản giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên.

Đặc biệt, ngày 19/8, quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới chính thức được ban hành, qua đó rút ngắn thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán và tiền cho nhà đầu tư từ 15h30-16h00 lên 11h30-12h00 ngày T+2.

Điều này đồng nghĩa rằng nhà đầu tư có thể giao dịch chứng khoán ngay từ chiều phiên giao dịch ngày T+2, thay vì phải đợi sang ngày giao dịch T+3 như trước đó.

Ngoài ra, từ ngày 15/12, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã được điều chỉnh từ mức 13% lên 17%. Hành động này của cơ quan quản lý được cho là nhằm kìm hãm bớt dòng tiền đầu cơ vào thị trường phái sinh, hỗ trợ cho thị trường cơ sở.

Hàng triệu 'nhà đầu tư F0' gia nhập thị trường

Trong năm 2022, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới cao kỷ lục mặc dù thị trường giảm mạnh.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp 2,58 lần so với cuối năm trước.

Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021.

Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 6,755 triệu tài khoản, tăng 58,18% so với cuối năm 2021, chiếm gần 7% dân số; số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 42.458 tài khoản, tăng 7,46% so với cuối năm 2021.

Xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán

Ngay từ đầu năm 2021, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần khẳng định sẽ tăng cường công tác thanh tra giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Năm 2022, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính liên quan đến các sai phạm về công bố thông tin của cổ đông nội bộ, doanh nghiệp niêm yết và các công ty chứng khoán.

Đáng chú ý, có nhiều vụ án xử lý hình sự như khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC - vào ngày 29/3/2022 về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán"; khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng – cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào ngày 5/4/2022; khởi tố, bắt tạm giam với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào ngày 8/10/2022./.