Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Sáp nhập Núi Thành và Tam Kỳ để phát triển đô thị ven biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với VietTimes khi nói về quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa được Thủ tướng phê duyệt

Video: Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trả lời phỏng vấn VietTimes.

Ngày 17/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là căn cứ pháp lý và cũng là cú hích đối với Quảng Nam trong định hướng phát triển.\

Để rõ hơn các nội dung này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

- Quảng Nam kỳ vọng gì từ quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Về kỳ vọng phát triển, rõ ràng Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ pháp lý quan trọng, trên cơ sở đó để Quảng Nam xây dựng các kế hoạch, các chương trình, các dự án đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng, theo chỉ đạo của các bộ ngành và của chính Quảng Nam. Và điều quan trọng nhất đó là huy động nguồn lực từ xã hội đối với Quảng Nam.

Khi Quảng Nam có một bản quy hoạch hấp dẫn như vậy, một tương lai sáng lạn ở khu vực các tỉnh miền Trung thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ có sự quan tâm và tìm đến Quảng Nam.

Hơn nữa, quy hoạch của Quảng Nam không chỉ có tác dụng cho Quảng Nam, mà còn thể hiện đến sự tác động lan tỏa và đóng vai trò cấp quốc gia và cấp quốc tế. Vì thế có thể nói, quy hoạch được duyệt mở ra nhiều cơ hội, triển vọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực các tỉnh thành miền Trung nói chung

Cảng Chu Lai ở huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Cảng Chu Lai ở huyện Núi Thành, Quảng Nam.

- Trong quy hoạch chung, dư luận và các nhà đầu tư quan tâm đến việc Quảng Nam sẽ sáp nhập huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1. Quyết định này mang đến cơ hội gì cho Núi Thành, Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung?

Ông Lê Trí Thanh: Việc sáp nhập huyện Núi Thành vào TP Tam Kỳ đã được khẳng định trong Quyết định 72/QĐ-TTg. Đó cũng là định hướng trong giai đoạn từ 2025 đến 2030 của tỉnh Quảng Nam.

Trên cơ sở đánh giá chuỗi đô thị động lực ven biển khu vực miền Trung của Việt Nam, TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành nổi lên như là một đô thị gắn kết với chuỗi đô thị của miền Trung và có tác dụng lan tỏa các điểm đô thị khu vực miền Trung.

Sáp nhập huyện Núi Thành vào Tam Kỳ sẽ tạo nên chuỗi phát triển đô thị ven biển của miền Trung trong tương lai.

Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh

Tam kỳ và Núi Thành có các điều kiện để bổ sung cho nhau, vì trước đây cùng là một đơn vị hành chính. Thứ nữa là TP Tam Kỳ sẽ có chức năng là hành chính, còn Núi Thành sẽ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông đầu mối vì có sân bay, cảng biển, đường sắt.

Đặc biệt, địa bàn của Núi Thành và Tam Kỳ đã có quy hoạch, đầu tư, triển khai xây dựng các khu công nghiệp lớn, trọng điểm. Bên cạnh đó, bờ biển của TP Tam Kỳ, hệ thống sông trên địa bàn TP Tam Kỳ và Núi Thành có cơ hội rất lớn để phát triển các loại hình du lịch sông biển…

Chính vì thế việc sáp nhập huyện Núi Thành vào Tam Kỳ sẽ tạo ra cơ hội để 2 địa phương này gắn kết trở thành một đơn vị hành chính để đầu tư theo quy hoạch thống nhất, định hướng phát triển trở thành đô thị loại 1 của tỉnh; đồng thời cũng tạo nên chuỗi phát triển đô thị ven biển của miền Trung Việt Nam trong tương lai.

- Quảng Nam sẽ làm gì đẩy nhanh tiến độ sáp nhập và đưa TP Tam Kỳ lên đô thị loại 1? Theo ông, quá trình thực hiện quy hoạch, tỉnh cần lưu ý những những gì để tránh nóng vội, thu hút được đông đảo nhà đầu tư?

Ông Lê Trí Thanh: Việc đẩy nhanh tiến độ còn tùy thuộc vào tình hình trên thực tế, tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế và trong nước và tùy thuộc vào cái khả năng thu hút, hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài của tỉnh Quảng Nam.

Tuy vậy, chúng tôi sẽ tích cực triển khai cụ thể hóa các nội dung quy hoạch này, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách phù hợp cùng với các bộ ngành trung ương để hiện thực hóa quy hoạch; chuẩn bị thật tốt các nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển… Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá tình hình để căn cứ vào đó mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược đến với Quảng Nam.

Nguyên tắc là Quảng Nam sẽ thực hiện rất thực hiện tốt quy hoạch này, nhưng Quảng Nam cũng không quá vội vàng để mà lấp đầy các khu chức năng, các khu đất và đã được xác định là những khu vực trọng điểm trong quy hoạch.

vt_quang nam thi tran nui thanh mo rong duoc cong nhan do thi loai 4.jpg
Một góc đô thị mới Vịnh An Hoà, huyện Núi Thành, Quảng Nam

- Việc đưa quy hoạch tỉnh Quảng Nam vào hiện thực sẽ có nhiều việc phải làm và khó khăn thách thức. Ông vui lòng chia sẻ một số hành động mà Quảng Nam sẽ làm trong thời gian tới, cũng như những khó khăn mà tỉnh sẽ đối mặt?

Ông Lê Trí Thanh: Việc đầu tiên và quan trọng nhất của triển khai quy hoạch này đó là phải xây dựng cho được kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong kế hoạch sẽ phải làm rõ lộ trình mục tiêu biện pháp, giải pháp nguồn lực để đầu tư các nội dung mà đã được thể hiện ở trong quy hoạch.

Thứ hai là phải phối hợp với các bộ ngành trung ương để xây dựng các cơ chế chính sách, nguồn lực để góp phần hình thành các trung tâm cấp vùng, cấp quốc gia, cấp quốc tế đã được xác định theo quyết định của Thủ tướng… Trong đó, Quảng Nam đóng vai trò là trung tâm chính.

Thứ ba là phải rà soát, đánh giá lại tất cả các quy hoạch đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Những nội dung nào không phù hợp với quy hoạch tỉnh; những nội dung nào trước đây chúng ta làm vội vàng, nghiên cứu không kỹ bây giờ xét thấy không có hiệu quả, không phù hợp với xu thế mới, tình hình mới thì phải điều chỉnh. Đây là việc cần làm và cũng mất thời gian nhưng có ý nghĩa rất quan trọng để đem lại hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, đó là chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực, kể cả nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh và nguồn nhân lực ở hệ thống các cơ quan nhà nước để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.

- Cám ơn ông!