Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ 3 bài học xương máu khi "ra biển lớn"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kể câu chuyện FPT tìm đường ra thế giới 23 năm trước với ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ số thế giới, ông Trương Gia Bình ngậm ngùi: Để có thành công hôm nay, FPT đã không ít lần nếm thất bại.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Chungta.vn
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Chungta.vn

Ông Trương Gia Bình nhớ lại, từ năm 2000, FPT mở liền 2 văn phòng tại nước ngoài. Văn phòng đầu tiên tại Bangalore - Ấn Độ, thủ phủ ngành phần mềm thế giới; và văn phòng thứ 2 tại Mỹ - Thung lũng Silicon - thủ phủ công nghệ thế giới.

“Nhưng trong suốt 2 năm, chúng tôi không ký được hợp đồng nào. Và ngày đấy FPT chỉ có 34 kỹ sư phần mềm. Cả Việt Nam chỉ có 7.000 kỹ sư phần mềm” – ông Bình nhớ lại.

Rất nhiều người trong ban lãnh đạo FPT lúc ấy đã định dừng lại, nhưng họ lại động viên nhau: Tiền hết nhưng còn 1 niềm tin - Niềm tin người Ấn độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được.

Ôn Narayana Murthy - người sáng lập Infosys, huyền thoại xuất khẩu phần mềm của thế giới, đã động viên lãnh đạo của FPT rằng: Việt Nam có thể trở thành trung tâm phần mềm của thế giới.

Với động lực đó, “hai năm đầu chúng tôi không bán được hàng, thậm chí thuê cả người Mỹ làm giám đốc bán hàng. Và tôi quyết định bán hàng bằng cách khác. Cứ 1 tháng tôi dành thời gian ở nước ngoài gặp vài chục công ty, nhưng kết quả là vẫn không bán được hàng” – Chủ tịch FPT nhớ lại.

Ban lãnh đạo FPT giai đoạn đó tiếp tục nghĩ cách khác, họ gặp lãnh đạo IBM và nói “nếu các bạn mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của các bạn”. Và đó là lần đầu tiên FPT ký được hợp đồng làm phần mềm với với IBM. “Tuy nó rất nhỏ nhưng nó động viên tôi rằng IBM mua được thì tại sao các công ty khác không mua được”.

Khi đến Nhật, các bạn Nhật nói sẽ đi học tiếng Anh để làm phần mềm với FPT. Điều này đồng nghĩa với việc từ chối. “Chúng tôi sẽ đi học tiếng Nhật để làm việc với các bạn” - ông Bình đáp và thực tế sau này chứng minh việc học tiếng Nhật đã mở cửa cho FPT vào thị trường Nhật Bản.

Chủ tịch FPT chia sẻ với gần 50 quản lý của FPT tại Nhật. Ảnh: Chungta.vn

Chủ tịch FPT chia sẻ với gần 50 quản lý của FPT tại Nhật. Ảnh: Chungta.vn

Tuy nhiên, mặc dù có việc nhưng cũng không mấy vui vẻ vì năng suất lao động thấp, FPT làm những việc mà các doanh nghiệp không muốn làm. “Chúng tôi đã tăng trưởng rất nhanh những năm đầu 200% rồi 70% nhưng nó chậm dần, doanh số giảm và năng suất lao động không thay đổi. Cho nên chúng tôi quyết định làm cái gì đó mới mẻ, vì những việc cũ thì không có cơ hội” – thuyền trưởng của FPT nhấn mạnh thêm rằng “10 năm trước chúng tôi chuyển sang công nghệ mới nhất ví dụ như cloud, big data, AI, và từ đó mở ra cơ hội với nhiều thị trường, nhiều tập đoàn lớn”.

Ông Bình tự hào khẳng định đã làm con chip về ô tô cho các hãng ô tô lớn nhất, “cho nên có thể nói ô tô chạy trên toàn thế giới có 1 lệnh phần mềm của chúng tôi”.

Trên con đường làm chip, FPT đã làm con chip thương mại đầu tiên của Việt Nam và ông Bình nói sẽ chia sẻ công nghệ làm chip cho tất cả các công ty công nghệ Việt Nam muốn làm chip. Nhấn mạnh mục tiêu đi sâu vào những sản phẩm có tính chất chuẩn mực trên thế giới, FPT thâm nhập vào các ngành như ngành tài chính ngân hàng, sản xuất. "Chúng tôi có những sản phẩm để quản trị sản xuất nhà máy thông minh, nhà máy hiện đại nhất tại Biên Hòa được xếp là thông minh nhất thế giới" - ông Bình nói.

Và cũng bằng công tác như vậy năng suất lao động chúng tôi càng tăng. Bắt đầu từ mức trung bình 1.500 USD/người/năm tăng lên 20.000 - 30.000 USD/người và hiện đã lên đến 45.000 USD/người. Theo Chủ tịch FPT, con số này so với trung bình 52.000 USD/người của Ấn Độ đã sự dịch chuyển sát mức.

Sau 23 năm phát triển thị trường nước ngoài, năm 2022, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký gần 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, tăng trưởng trên 30%. Trong đó, tính đến tháng 11, thị trường châu Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường châu Á Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật Bản tăng 27%.

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm chinh chiến tại thị trường nước ngoài, ông Bình đưa ra 3 bài học. Bài học thứ nhất, ông khuyên các doanh nghiệp phải trực tiếp ra nước ngoài. Bài học thứ hai: Ở sát ngay nhà khách hàng. Khách hàng lớn ở đâu thì văn phòng ở đấy. Trên thế giới, những khu vực nói tiếng Anh tốt thì cạnh tranh vô cùng khốc liệt. những thị trường khác - thị trường nói ngôn ngữ bản địa, thì họ rất cần chúng ta. Và bài học thứ ba: Thay vì nói về IT hãy nói về chuyển đổi số, AI, Blockchain chúng ta sẽ tăng trưởng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai chiến dịch hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới với mục tiêu để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi Việt Nam đến, để sản phẩm Make in Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.

Hoạt động này nhằm mang tri thức, công nghệ số Việt Nam, các giải pháp và dịch vụ số của Việt Nam ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của các nước.