Thị trường ngách nào “màu mỡ” cho doanh nghiệp công nghệ số Việt đi sang châu Âu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều công ty EU vẫn đang "vật lộn" với quá trình chuyển đổi số và đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tư vấn, cung cấp kiến thức chuyên môn và hướng dẫn về cách chuyển dịch - đại diện EuroCham nói.
Cùng với dịch vụ tư vấn chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt còn có cơ hội triển khai thị trường dịch vụ giải pháp điện toán đám mây, IoT, mạng và dịch vụ 5G, giải pháp công nghệ xanh.
Cùng với dịch vụ tư vấn chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt còn có cơ hội triển khai thị trường dịch vụ giải pháp điện toán đám mây, IoT, mạng và dịch vụ 5G, giải pháp công nghệ xanh.

Tại hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, ông Pavel Poskakukhin - đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Việt Nam là một quốc gia đang có tốc độ phát triển nhanh chóng và các công ty công nghệ số có nhiều cơ hội tham gia thị trường. Với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam có tiềm năng cung cấp các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực kinh doanh và phân khúc thị trường khác nhau.

Nêu 5 lĩnh vực được coi là thị trường “màu mỡ” với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đại diện EuroCham nhắc đến thị trường về giải pháp điện toán đám mây; giải pháp Internet vạn vật (IoT), mạng và dịch vụ 5G, giải pháp công nghệ xanh và đặc biệt là dịch vụ tư vấn chuyển đổi số.

“Nhiều công ty vẫn đang vật lộn với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và có một cơ hội đáng kể cho các công ty tư vấn trong việc cung cấp kiến thức chuyên môn và hướng dẫn về cách điều hướng bối cảnh chuyển đổi số đang phát triển nhanh chóng” - ông Pavel Poskakukhin nói thêm.

Đại diện EuroCham Pavel Poskakukhin cho rằng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu.

Đại diện EuroCham Pavel Poskakukhin cho rằng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu.

Cùng với đó, nhìn nhận thương mại điện tử như một thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Pavel Poskakukhin chỉ ra các doanh nghiệp có nhiều cơ hội cung cấp giải pháp sáng tạo. Ngoài ra, việc sử dụng internet và phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao đối với các dịch vụ tiếp thị số. Việc này đặt trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao đã tạo ra nhu cầu về các dịch vụ phát triển ứng dụng di động.

Đề cập tới các dịch vụ thanh toán di động và dịch vụ ngân hàng số đang phát triển tại Việt Nam, đại diện EuroCham cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số nên nắm bắt dư địa phát triển và cung cấp các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực này. Hơn nữa, nhu cầu về các dịch vụ phát triển phần mềm tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và chuỗi khối.

Cần hài hòa về các quy định bảo mật dữ liệu cá nhân của Việt Nam và EU

Về hình thức hợp tác và đầu tư, có một số lựa chọn cho các công ty công nghệ số của Việt Nam. Trong đó, việc liên doanh và hợp tác với các công ty từ các quốc gia khác có thể tận dụng chuyên môn và nguồn lực của nhau để phát triển và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ mới. Các công ty Việt Nam cũng có thể đầu tư vào các quốc gia khác để mở rộng kinh doanh và tiếp cận thị trường mới hoặc cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, chẳng hạn như phát triển phần mềm và hỗ trợ khách hàng cho các công ty từ các quốc gia khác.

Nhìn chung, có nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ số của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh doanh và phân khúc thị trường khác nhau. “Bằng cách tận dụng dân số am hiểu công nghệ ngày càng tăng và khám phá các hình thức hợp tác và đầu tư khác nhau, các công ty công nghệ số có thể mở rộng kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới” - ông Pavel Poskakukhin nói.

Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp EU là phải đáp ứng các yêu cầu về luật pháp của cả 2 thị trường.

Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp EU là phải đáp ứng các yêu cầu về luật pháp của cả 2 thị trường.

Cho rằng Việt Nam đang rất coi trọng vấn đề chuyển đổi nền kinh tế hướng tới kỷ nguyên số, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham chỉ ra một số lưu ý.

Trước nhất, cần hài hòa các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, Đạo luật thị trường kỹ thuật số và các luật bảo mật dữ liệu cá nhân quốc tế khác. Mục tiêu của việc này là nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trong không gian số.

Ông Pavel Poskakukhin đặc biệt nhấn mạnh điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có tương tác và kinh doanh với doanh nghiệp EU là phải đáp ứng các yêu cầu về luật pháp của cả 2 thị trường.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cần được tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng và trao đổi dữ liệu tự do giữa các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam và doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp châu Âu một cách an toàn và bảo mật. Đại diện EuroCham đề cập cả việc công nhận các chứng nhận về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và quản lý thông tin của bên thứ ba có uy tín quốc tế.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội “trăm năm có một” là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi “mở cõi”.

Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỉ người chưa được kết nối Internet.

Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt.