Chữ ‘thời’ trong khởi nghiệp

Dù còn không ít khó khăn, nhưng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng bổ, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, Nhà nước đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển.
Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu lớn với các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ.
Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu lớn với các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ.

Để tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 đem lại, cần xây dựng chiến lược quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiện đại), xây dựng hạ tầng kết nối số và bảo đảm an ninh mạng; đào tạo nguồn nhân lực số; xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… 

Đối với doanh nghiệp, nói gọn lại, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp và phát triển thành công một doanh nghiệp là hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ cần biết nhu cầu của thị trường hiện tại, mà còn phải dự đoán được nhu cầu thị trường tương lai.

Chẳng hạn, một phân khúc rất lớn người tiêu dùng đã chuyển từ nhu cầu “ăn no” trước đây sang “ăn ngon” và đang tiến tới “ăn sạch”, với nhu cầu về thực phẩm hữu cơ (organic) ngày càng tăng. Điều này dẫn tới hàng loạt thay đổi, như gây khó khăn lớn cho ngành kinh doanh phân bón vô cơ, ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật… Tương tự, việc không nắm bắt kịp nhu cầu thị trường chính là nguyên nhân dẫn tới dư thừa nguồn thịt heo khiến người chăn nuôi lao đao và xã hội phải “giải cứu” như thời gian qua.

"Thời" của chuỗi giá trị

Trong nhiều trường hợp, để khởi nghiệp và xây dựng thành công một doanh nghiệp phát triển bền vững, chỉ cần làm một việc là trở thành một khâu cung ứng trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Đơn cử như doanh nghiệp sản xuất một phần linh kiện điện tử phục vụ nhà máy sản xuất máy điện thoại di động Samsung, Apple…, nhà máy ở Việt Nam nhưng sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Nhật Bản, Thái Lan...

Đây cũng là “thời" của những doanh nghiệp có nhân lực thông thạo ngoại ngữ và thông thạo văn hóa kinh doanh quốc tế để dễ dàng hợp tác với các đối tác toàn cầu. Không chỉ cần vài người trong công ty thông thạo ngoại ngữ, mà càng có nhiều người thông thạo ngoại ngữ càng tốt, bởi điều này tác động đến toàn bộ hoạt động của công ty, ngay từ những việc giản đơn như sử dụng internet, máy tính cho đến đàm phán hợp đồng.

"Thời" của niêm yết sớm và thương hiệu mạnh

Nghiên cứu nhiều doanh nghiệp thành công như Vinamilk, FPT, Kinh đô, REE, Dược Hậu Giang..., có thể thấy nhiều yếu tố tạo nên thành công. Nhưng điểm chung nhất của các doanh nghiệp này là trở thành công ty cổ phần niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán. Niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty phải buộc thực hiện công khai, minh bạch, công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp hiện đại theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Để doanh nghiệp thành công, có đẳng cấp trong một ngành kinh doanh, doanh nghiệp phải có thời gian xây dựng thương hiệu, xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt chuyên nghiệp.

Trong thời kỳ hội nhập, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, thương hiệu chính là "tài sản" của đơn vị, thương hiệu càng nổi tiếng "tốt" doanh thu và lợi nhuận của công ty càng cao.

Chúng ta không thể bán được hàng tăng doanh số, tăng lợi nhuận nếu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp chúng ta không có thương hiệu; không chuyên nghiệp, không đẳng cấp.

"Thời" của nền kinh tế tri thức và sáng tạo

Đẳng cấp doanh nghiệp, đẳng cấp doanh nhân ngày nay không chỉ biểu hiện ở năng lực và tầm trí tuệ trong quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh mà còn ở năng lực nghiên cứu, khai thác, vận dụng những kết quả, thành tựu tri thức khoa học, tri thức của nhân loại vào quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Cùng với đó, phải biết trân trọng và sử dụng nguồn lực lao động có chuyên môn, tay nghề giỏi, huy động được vai trò phản biện, tư vấn của các trí thức chuyên gia trong điều hành quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới thành lập từ năm 2007 đến nay, nhiều doanh nghiệp còn quá mới và quá nhỏ. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho mỗi doanh nghiệp bất kể lớn hay nhỏ, miễn là nắm bắt được nhu cầu thị trường và phát huy được sức sáng tạo của mình.

Tác giả: CEO Đặng Đức Thành là Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chu-thoi-trong-khoi-nghiep/307197.vgp