Thuế đang giảm quá nhanh
Thưa ông, thuế môi trường đối với mặt hàng xăng tăng thêm 300%, rồi một loạt loại phí như học phí, viện phí… cũng đồng loạt tăng giá. Nhiều ý kiến lo lắng, chính vì tăng thuế môi trường đã khiến giá xăng tăng mạnh… Phải chăng do áp lực thu ngân sách mà chúng ta buộc phải tăng thuế, tăng phí?
Không hẳn là vậy, đó chỉ là một phần. Tất nhiên đã nói đến thuế, phí đã là thu, chi. Nhưng vừa rồi hầu hết các loại thuế chúng ta đều giảm theo lộ trình cam kết hội nhập, chỉ duy nhất tăng thuế môi trường với xăng, dầu. Việc tăng loại thuế này cũng là để tương ứng với việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Thực tế, chúng ta là một trong những nước có mức thuế thấp, ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình chúng ta giảm từ 32% xuống còn 25%, rồi xuống 22% và đến 2016 sẽ chỉ còn 20%.
Nói thuế chúng ta nặng thì không phải, thậm chí một số tổ chức quốc tế nói lộ trình giảm thuế của chúng ta quá nhanh. Chính điều này cũng có tác động nhất định, ví như với bội chi ngân sách. Chuyện bội chi tăng nhanh cũng do một phần nguyên nhân do giảm thuế quá nhanh.
Ông vừa nói bội chi tăng nhanh một phần do lộ trình giảm thuế quá nhanh. Ví như bội chi ngân sách năm 2013 đang chờ Quốc hội quyết toán “vọt” lên mức 6,6% GDP so với nghị quyết Quốc hội cho phép là 5,3% GDP. Ông giải thích ra sao về con số bội chi “vọt” lên này?
Đúng là theo nghị quyết của Quốc hội thì mức bội chi năm 2013 ban đầu chỉ được duyệt là 5,3% GDP, nhưng thực tế bội chi mà Chính phủ đề nghị quyết toán là 6,6% GDP. Số vượt này, tương đương 47.000 tỷ đồng, theo Chính phủ là do tăng chi từ nguồn vốn ODA (29.422 tỷ đồng) và tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (13.190 tỷ đồng) phát sinh năm 2011, nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
Tuy nhiên, sau khi tính toán lại thì cuối cùng số hụt thu năm 2013 chỉ có 21.000 tỷ đồng. Số bội chi tăng thêm này được chi cho các nhiệm vụ cấp bách như như đóng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, cho ngư dân vay...
Đã là giá dịch vụ, cao thì phải chấp nhận
Lâu nay người dân vẫn lo lắng chuyện “phí chồng lên phí”. Liệu việc bỏ một số khoản phí ra khỏi danh mục phí trong dự thảo Luật phí và lệ phí có giải quyết được tình trạng này, thưa ông?
Thực tế, tôi cũng gặp những trường hợp lợi dụng phí, lệ phí để lạm thu. Dự thảo Luật phí và lệ phí lần này được xây dựng ban hành để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân và tất cả công dân khi đóng phí, lệ phí thì người ta hiểu dịch vụ đó là gì.
Dự thảo Luật phí và lệ phí đang cố gắng giải quyết câu chuyện đó, quy định rõ khoản nào là phí, khoản nào là lệ phí. Thậm chí, tiến tới phí, lệ phí chỉ áp với dịch vụ công thôi, còn lại là chuyển sang cơ chế giá dịch vụ hết.
Một số loại phí như học phí, viện phí… đang được đề xuất chuyển sang cơ chế giá. Tương lai sẽ còn có những khoản phí nào được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ nữa hay không, thưa ông?
Riêng phí và lệ phí là những dịch vụ công. Những cái nào thuộc cơ chế thị trường thì là cơ chế giá, ví dụ học phí, viện phí thì rõ ràng phải là giá dịch vụ, nhưng đây là khoản thu có tác động rất lớn đến một bộ phận người dân nên phải có lộ trình. Và lộ trình đó theo quy định của Luật giá là phải định giá, tức là không để trôi nổi trên thị trường. Có nghĩa phải định giá cho đầy đủ, ví dụ giá dịch vụ chữa bệnh phải định giá cho phù hợp chứ không phải đùng cái tăng lên theo cơ chế thị trường, học phí cũng thế.
Ngoài ra, chúng ta cũng có những cơ chế khác như học bổng, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân… đối với người nghèo, cận nghèo thì xem xét hỗ trợ…
Nhưng thực hiện cơ chế thị trường mà nửa chừng thì mệt lắm. Đã là cơ chế thị trường thì chúng ta phải chấp nhận, chứ khi nói tới quan hệ cung – cầu, giá vừa tăng theo thị trường mà đã kêu toáng lên thì tôi thấy không ổn...
Theo Infonet
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu