Những lo ngại về bội chi ngân sách lại được đặt ra tại phiên họp quyết toán ngân sách năm 2013 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chiều 11/5, khi những báo cáo của Chính phủ cho thấy bội chi vượt kế hoạch 5,3% GDP đã đề ta.
Cụ thể, con số thâm hụt là 236.000 tỷ đồng (chiếm 6,6% GDP), vượt hơn 41.000 tỷ đồng so với mức 5,3% GDP được phép. Lý do "vượt rào" theo đại diện Chính phủ là do phải xử lý chi trả quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (13.190 tỷ đồng) mà chưa có nguồn bù đắp từ năm 2010, 2011 và tăng chi từ vốn ngoài nước (29.422 tỷ đồng).
Khẳng định việc vượt rào cho thấy kỷ luật tài chính được chấp hành chưa nghiêm song Uỷ ban Tài chính ngân sách vẫn đề nghị Thường vụ cho phép quyết toán. "Việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán là hợp lý. Tương tự, tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế. Song Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với quy định. Tuy nhiên, đây là số đã phát sinh. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán số tiền này”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết.
Về con số vượt rào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn cho rằng tỷ lệ bội chi có thể là 7% nếu tính toán theo thông lệ quốc tế. Theo ông, khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Chính phủ và cơ quan thẩm tra cần giải trình rõ bội chi 6,6% là do nguyên nhân, khuyết điểm gì.
Sau những báo cáo này, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng nêu những lo ngại về nợ công, về khả năng chi trả nợ của Việt Nam hiện nay. Vị này yêu cầu đại diện Chính phủ nêu khả năng trả nợ từ năm 2015 chiếm bao nhiêu tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại nhắc tới tỷ lệ trả nợ trên tổng chi tiêu khi hồi đáp.
Ông Dũng cho biết, hiện ngân sách bố trí khoảng 14,5% tổng chi để trả nợ trực tiếp do còn nhiều nhu cầu chi tiêu khác. Riêng năm 2015, Nhà nước dành 132.000 tỷ để xử lý đảo nợ (trong nước). Lý giải về con số này, đại diện Bộ Tài chính nói: “Đảo nợ nhiều do mấy năm vừa rồi phát hành nhiều trái phiếu ngắn hạn. Cùng một lúc nhiều khoản đến hạn. Tuy nhiên, sang năm 2014, chúng tôi đã cơ cấu lại chủ yếu chỉ còn trái phiếu kỳ hạn 5, 10, 15 năm”, ông Dũng cho biết.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa yêu cầu Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra làm rõ nguyên nhân tăng bội chi. Có như vậy, các đại biểu mới có thể được thuyết phục, thông qua.
Theo VnE
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu