Tuy nhiên, theo ghi nhận của TBKTSG Online từ các chuyên gia bất động sản, chương trình phát triển nhà ở xã hội nhìn chung là thất bại.
Nhận định đáng chú ý trên được trích trong báo cáo của Bộ Xây dựng về thực tế nhà ở xã hội gửi đến báo chí vào ngày 21-12.
Theo ghi nhận, trong vài năm trở lại đây, hàng loạt dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được nhiều doanh nghiệp triển khai, như Tổng công ty Becamex IDC thực hiện dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu mét vuông sàn; Tổng công ty IDICO – Bộ Xây dựng triển khai dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai quy mô 3.500 căn; Tổng công ty Viglacera triển khai dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, với quy mô 3.500 căn hộ,…
Song, chính báo cáo này cũng thừa nhận, trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Trong khi đó, vẫn còn nhiều lực cản như một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội và thị trường mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê...
Thực tế, nhìn vào danh sách các doanh nghiệp được Bộ Xây dựng kể tên là thoát khỏi khó khăn nhờ nhà ở xã hội, thì phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ này, hoặc các doanh nghiệp lớn, đa ngành. Đồng thời, các dự án nhà ở xã hội mà các doanh nghiệp trên phát triển cũng mang tính chất “nội bộ”, tức là phục vụ công nhân viên của chính các đơn vị này chứ chưa phải là các dự án nhà ở xã hội được bán, cho thuê với nhiều người thu nhập thấp trong xã hội.
TS Phạm Thái Sơn, Phó chủ nhiệm đề án “Phát triển thị trường bất động sản TP HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” của UBND TP HCM, cho rằng chương trình phát triển nhà ở xã hội của cả nước nói chung và TP HCM, nhìn chung là thất bại.
Theo đó, số lượng các dự án nhà ở xã hội trọng điểm hiện nay còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ông Sơn đưa ra nhiều lý do cho sự thất bại này.
Thứ nhất, dù có nhiều ưu đãi về chính sách phát triển nhà ở xã hội nhưng các thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập dự án và xây dựng tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư.
Ngoài ra, khi làm dự án nhà ở xã hội, dù biên độ lợi nhuận thấp nhưng doanh nghiệp cũng không tự quyết định được giá bán, giá cho thuê mà phải theo một mức trần do địa phương quy định nên doanh nghiệp không chủ động được chiến lược đầu tư của mình.
Từ đó, các doanh nghiệp tư nhân chỉ chú trọng xây nhà cho người khá giả để quay vòng vốn và thu lợi nhanh hơn.
Thứ hai, theo ông Sơn, đa phần các dự án nhà ở xã hội hiện nay được đầu tư bởi ngân sách nhà nước song nguồn vốn này tại trung ương và địa phương bị giới hạn. Nói cách khác, sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư dành cho nhà ở xã hội cũng dẫn đến những hạn chế trên.
Cuối cùng, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các đô thị lớn đang thiếu hụt. Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là công tác quy hoạch đất đai dành cho nhà ở xã hội của các địa phương chưa tốt.
Tại một hội thảo về nhà ở xã hội do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào cuối tuần trước, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng muốn nhà ở xã hội được triển khai rộng rãi và để cơ hội tiếp cận loại hình nhà ở này dễ dàng cho nhiều người, cần phát triển loại hình này theo cơ chế thị trường và Nhà nước không nên bao cấp.
Theo ông Cương, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu đến sự lựa chọn nhà ở của người thu nhập thấp mà thay vào đó, chỉ cần lo chính sách như thuế đất, tạo điều kiện cho đầu ra sản phẩm… cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.
Theo TBKTSG