Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Sở Quy hoạch cũng đã thực hiện tốt công khai quy hoạch trên app, Sở Giao thông Vận tải cũng thông tin cho người dân tình trạng kẹt xe, trung tâm chống ngập cũng có phần mềm về chống ngập thông báo tình trạng ngập. Sau này, Sở Xây dựng cũng phải có app hướng dẫn cấp phép xây dựng cho người dân, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng phải có app hướng dẫn người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… TPHCM đã yêu cầu tất cả sở ngành phải có app chứ không chỉ là website. Website hiện nay đã lạc hậu, phải là app mới chuyển tải thông tin nhanh được.
Theo TS Hoàng Lê Minh – nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, xu thế sử dụng điện thoại thông minh đã trở thành tất yếu. Thay vì cải tiến máy vi tính để có kích thước nhỏ gọn hơn, người ta đã cải tiến điện thoại di động để nó có thêm nhiều tính năng hơn, trở thành điện thoại thông minh. Đương nhiên, hệ điều hành và phần mềm cho điện thoại thông minh phải có đặc thù riêng và đó cũng là lý do khiến hệ điều hành Windows của Microsoft đã không thành công trên thị trường này.
Và một khi đông đảo người dân dùng điện thoại thông minh thì các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức muốn tương tác với người dùng thì việc phải xây dựng app cũng là điều dễ hiểu. Để giao tiếp với người dân mọi nơi, mọi lúc thì các app được xây dựng là hết sức thuận lợi và dễ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu hình thức này có thể triển khai được với chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) liệu có dễ triển khai hay không. Chắc chắn, các xã, phường, thị trấn cũng rất thích hình thức này nhưng việc triển khai thế nào cho hợp lý thì cũng cần phải có những nghiên cứu với chính người dân trên địa bàn và trước mắt thì website của họ nếu đã làm được vẫn phải phát huy tác dụng.